Trong cùng lĩnh vực, một gã khổng lồ nổi tiếng toàn cầu dễ dàng thay thế các thương hiệu địa phương có quy mô nhỏ bé. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tâm lý trung thành với các sản phẩm địa phương vẫn khá lớn, đặc biệt là các sản phẩm có bản sắc như là cà phê.
Là quốc gia nổi tiếng với cà phê Robusta và xếp thứ hai thế giới sau Brazil, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 1,7 triệu tấn với mức tăng trung bình mỗi năm khoảng 30,1% về khối lượng, 30,9% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các quán cà phê rất phổ biến ở Việt Nam có mức tiêu thụ nội địa ngày một tăng, riêng năm 2014 là 96.000 kg cà phê.
Trong bối cảnh đó đó, Trung Nguyên được biết đến như là thương hiệu được người uống cà phê lựa chọn đầu tiên tại Việt Nam. Đây là Tập đoàn cà phê được thành lập vào năm 1996 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập, sau khi từ bỏ ngành Y để theo đuổi nghiệp kinh doanh với quyết tâm nâng cao giá trị cây cà phê Đắk Lắk, quê hương ông.
Không gian quán cà phê là điểm nhấn đặc biệt của Trung Nguyên. |
Các yếu tố như đứng đầu về sản lượng cà phê Robusta, sự tận tâm của người trồng cà phê, tinh thần doanh nhân, tình yêu dành cho hàng Việt của người tiêu dùng ngày càng gia tăng là cơ hội hoàn hảo cho sự phát triển của thương hiệu Việt như Trung Nguyên.
Khởi nghiệp với chiếc xe đạp vào năm 1996, bằng sự quyết tâm và sáng tạo, đến năm 1998, ông Vũ đã khai trương quán cà phê đầu tiên và cho đến thời điểm này, đã có hơn 80 quán cà phê Trung Nguyên trải rộng trên toàn quốc. Ngoài ra, cà phê Trung Nguyên còn được bày bán tại hơn 1.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam.
Trung Nguyên cũng đẩy mạnh công tác nhượng quyền ở Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore và Trung Quốc bên cạnh các cửa hàng bán cà phê đầu tiên được phát triển ở Đức, New York (Mỹ) có từ năm 2006. Riêng cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Với đường hướng đúng đắn đưa thương hiệu Trung Nguyên phát triển nhanh chóng cùng chất lượng sản phẩm vượt trội, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lọt vào bảng xếp hạng triệu phú do tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2014 với tổng tài sản hơn 100 triệu đôla.
Các sản phẩm của Trung Nguyên được người tiêu dùng yêu chuộng. |
Đặc biệt, không gian quán cà phê là một dấu ấn riêng của Trung Nguyên. Theo một nghiên cứu thị trường năm 2012, hơn 17 triệu người uống cà phê Việt Nam đã mua cà phê Trung Nguyên, với trị giá hơn 11 triệu đô la (64,71%).
Đến cuối năm 2013, khi Starbuck quyết định gia nhập vào thị trường Việt Nam, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Bloomberg, ông Vũ tuyên bố mạnh mẽ sẽ đưa Trung Nguyên sang Mỹ, mua nhà máy cà phê rang xay và mở cửa hàng ở Seattle, Boston và New York. "Chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua Starbucks . Chúng tôi phải cung cấp một cái gì đó hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Khách hàng tại đây sẽ được thưởng thức những ly cà phê đích thực. Dù người Mỹ vẫn chưa đánh giá cao sản phẩm, chúng tôi sẽ bắt đầu chinh phục họ từ đây”, ông Vũ nói. Đúng như lời tuyên bố, Trung Nguyên đã đến Mỹ và có những dấu ấn nhất định dù tốc độ phát triển tại đây vẫn chưa đúng như kế hoạch do bị chi phối bởi yếu tố địa phương.
Đặc biệt, cà phê hòa tan G7 xuất khẩu đến 60 quốc gia và được đón nhận tại thị trường Trung Quốc. |
Cuối tháng 5, thời báo kinh doanh hàng đầu tại Singapore www.establishmentpost.com đã có bài viết “Goliath No Match For Vu In Battle For Vietnam Coffee Drinkers” phân tích về năng lực, thế mạnh của thương hiệu cà phê Trung Nguyên khi chiếm lĩnh vị trí số 1 trên thị trường cà phê Việt Nam. Bài viết đã nhận định cuộc chiến giữa Starbucks và Trung Nguyên là bài học đáng lưu ý cho các thương hiệu nước ngoài muốn gia nhập thị trường Đông Nam Á.