Cuốn Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh mới được ra mắt ngày 3/3/2023. Ảnh: Đức Huy. |
Phê bình cảnh quan là một hướng tiếp cận liên ngành mới đối với nghệ thuật học. Trong sự kiện ra mắt cuốn Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh, TS Hoàng Cẩm Giang (đồng chủ biên cuốn sách) cho rằng việc coi cảnh quan là một đối tượng đơn nhất, bất biến sẽ mang đến cách tiếp cận thú vị, kích thích tranh luận hơn.
Cảnh quan được đề cập trong lý thuyết này có nghĩa là hầu hết mọi thứ: Đất đai, vườn tược, ký ức, tình cảm, bản sắc, phản địa đàng, quyền lực...
Phê bình cảnh quan hướng đến việc người nghiên cứu phải nhận ra mối quan hệ phức hợp giữa văn bản này và văn bản khác, cảnh quan này và cảnh quan khác. "Qua những gợi dẫn lý thuyết phong phú, chúng ta có thể thấy tiềm năng của hướng nghiên cứu này tại Việt Nam và với Việt Nam là rất rộng mở", TS Hoàng Cẩm Giang cho biết.
Khám phá của TS Hồ Khánh Vân (Phó trưởng Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) dưới đây là một ví dụ cho thấy sức gợi mở của hướng nghiên cứu này. TS Hồ Khánh Vân đã nhận thấy hành động "nhìn trộm" của người phụ nữ của xuất hiện trong nhiều tác phẩm, nhất là tác phẩm thời phong kiến. Họ thường giữ cái tôi ở đằng sau, trong không gian khuê phòng. Chính vì vậy, "nhìn trộm", "nhìn lén" là cách duy nhất để họ thấy được thế giới bên ngoài.
Hiểu rộng hơn, phụ nữ thường bị đặt trong cảnh quan của nam giới và có tính nam trị. Họ bị nhìn dưới góc độ của người nam hay các cây bút nam. Tiếng nói tự thân của người phụ nữ thường không rõ ràng. "Nhìn trộm" còn có thể là việc người nữ phải ký bút danh nam để độc giả nhìn nhận tác phẩm của họ đến từ một cây bút nam. Trường hợp nổi bật nhất là ba chị em Bronte, lần đầu xuất bản tác phẩm của họ dưới bút danh của Currer, Ellis và Acton Bell.
TS Hồ Khánh Vân chia sẻ với Zingnews về nghiên cứu của mình được viết trong cuốn sách. Ảnh: Đức Huy. |
Dù vậy, không phải lúc nào người nữ cũng là khách thể của cái nhìn từ nam giới. TS Khánh Vân cho rằng trong ca dao tục ngữ hình ảnh phụ nữ Việt Nam rất khỏe khoắn, chủ động. Trong văn học Trung đại, Hồ Xuân Hương là một cây bút nói lên tiếng lòng người nữ. "Không nhất thiết phải đợi đến hiện tại, các cây bút từ năm 1960-1990 đã thể hiện hình ảnh nữ giới trong thế chủ động như Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng. Sau này chúng ta có thêm Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ và mới đây là nhà văn trẻ Nguyễn Khắc Ngân Vy", TS Hồ Khánh Vân nhận định.
Từ một ví dụ khác, Nguyễn Linh Chi, đồng tác giả của cuốn sách, lại cho thấy cảnh quan trong tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến có giá trị như thế nào. Jane Austen luôn chọn cảnh quan thiên nhiên bên ngoài làm bối cảnh cho những sự kiện lớn. Khu vườn thường được định nghĩa là không gian của phụ nữ, là ranh giới an toàn giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài rộng lớn hơn.
Hai nhân vật Cathy và Heraton của tác giả Emily Bronte cũng không phải ngoại lệ. Nhà văn thời Victoria này thường đặt để cảnh tình tứ giữa không gian thiên nhiên được ví như thiên đường trần gian. Cảnh quan đã nâng đỡ mạch truyện và sự xuất hiện của nhân vật.
Qua hai trường hợp trên, có thể thấy lý thuyết cảnh quan gợi ra nhiều khả thể trong việc khám phá tác phẩm. Phê bình cảnh quan là một lĩnh vực khó và rất mới nếu độc giả có nhu cầu tiếp cận tài liệu gốc. Vì vậy cuốn Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh là một điểm bắt đầu cho những ai muốn hiểu về nghệ thuật học đương đại.