Tập 1 Người phán xử tiền truyện ngay khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Là bộ phim gây bão màn ảnh năm 2017, sự trở lại của câu chuyện về ông trùm Phan Quân, đế chế Phan Thị và thế giới ngầm được nhiều khán giả chờ đợi.
Sự quan tâm của khán giả dành cho Người phán xử tiền truyện có thể định lượng bằng việc server website xem phim của VTV đã bị quá tải vào thời điểm đơn vị sản xuất đăng tải bộ phim. Tên phim, sau đó cũng xuất hiện trong từ khóa tìm kiếm phố biến nhất trên Internet.
Một cảnh thể hiện sự tàn ác của Phan Hải. |
Thế nhưng, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Khải Anh cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều ngay từ tập đầu tiên ra mắt. Trên mạng xã hội, một số người xem cho rằng tiền truyện không hay bằng Người phán xử đã phát sóng năm 2017.
Phan Hải gây tranh cãi vì văng tục quá nhiều
Ngoài những phản hồi cho rằng Người phán xử tiền truyện bạo lực, một trong những lý do khiến tập phim gây tranh cãi liên quan đến lời thoại của nhân vật.
Phan Hải (Việt Anh đóng) đã dùng nhiều ngôn từ bị nhận xét là tục tĩu và "thật quá mức". Trong một số cảnh với Vân Điệp (Thanh Bi), Phan Hải nói nhiều từ suồng sã, nhạy cảm - rất hiếm khi xuất hiện trong phim Việt.
Trên mạng xã hội, một số người tỏ ra thích thú và đánh giá ngôn ngữ nhân vật như vậy là chân thực trong giới giang hồ, không có gì phải bàn cãi. Làm phim về xã hội đen mà "lời thoại chừng mực, văn minh chắc chắn không ai xem".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Người phán xử tiền truyện dù không phát sóng trên truyền hình nhưng vẫn là bộ phim do VTV sản xuất. Do vậy, việc tiết chế trong lời thoại là cần thiết.
"Người phán xử năm 2017 đâu có cần lời thoại tục tĩu nhưng vẫn có sự chân thực, vẫn được yêu thích. Nói thật, phần tiền truyện không hay chỉ gây chú ý vì có nhiều ngôn ngữ tục", một khán giả bình luận ngay trong fanpage của Người phán xử.
Trước đó, diễn viên Việt Anh - người đóng vai Phan Hải - cho rằng phim đã có cảnh báo và không khuyến khích trẻ em dưới 18 tuổi.
Theo Việt Anh, khán giả nên "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng", không thể cứ tò mò vào xem rồi lại đề nghị dừng đăng tải vì quá bạo lực, không có tính giáo dục, làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, chửi thề quá nhiều.
Nhân vật trong Người phán xử tiền truyện gần như đều xăm trổ. |
"Đâu phải cứ xăm trổ là dân xã hội đen"
Ngoài ngôn ngữ, tạo hình nhân vật trong Người phán xử tiền truyện cũng nhận bình luận trái chiều. Không khó để nhận ra gần như tất cả nhân vật giang hồ trong phim đều xăm trổ trừ một hai người như ông trùm Phan Quân và Lương Bổng.
Trên mạng xã hội, một khán giả hài hước cho rằng phim nên có tên là "Người xăm trổ" thì đúng hơn vì tạo hình nhân vật đâu đâu cũng thấy xăm trổ, điều không thực sự cần thiết trong việc miêu tả thế giới ngầm.
Chính NSND Hoàng Dũng, trong một lần chia sẻ với phóng viên cũng cho rằng không phải cứ xăm trổ, đầu gấu là xã hội đen, là dân giang hồ. Thực tế đời sống cho thấy, nhiều ông trùm, nhiều tay anh chị của xã hội có ngoại hình rất bình thường, thậm chí có thể còn gọn gàng, lịch sự.
"Đâu phải cứ xăm trổ là dân xã hội đen, và đâu phải cứ dân xã hội đen là xăm trổ. Tạo hình nhân vật như vậy là làm quá. Đành rằng, dân giang hồ cũng có sở thích xăm trổ nhưng đó không phải là tất cả, càng không thể lên tới gần 100% như trong phim", một khán giả nêu quan điểm.
Cảnh giao tranh hài hước, thiếu chân thực
Bên cạnh một số chi tiết bị cho là "làm quá", một số cảnh lại bị nhận xét là "không chân thực". Một trong những cảnh gây tranh cãi là trận giao tranh của Long "Bá Đạo" (Anh Tuấn) và Đồng "Cá Ngão" (Tùng Dương) với chứng kiến của Phan Hải.
Hai băng đảng giao tranh vì có xích mích trong chuyện làm ăn. Lương Bổng sau đó xuất hiện và nói chuyện với hai trùm băng đảng xã hội đen về luật của vùng và sự hơn thiệt của mỗi bên. Lương Bổng đề nghị hai bên về phòng phán xử để nghe ông trùm Phan Quân giải quyết.
Cảnh đánh nhau khiến nhiều người xem bật cười vì có tính hài hước. Hai bên đánh nhau nhưng gần như không có thương tích, âm thanh hò hét như "phim chưởng".
Hai trùm băng đảng là Long "Bá Đạo" và Đông "Cá Ngão" sau đó lao vào vật nhau, không vũ khí. Và Lương Bổng xuất hiện nói chuyện đầy bình thản, hai bên vừa đánh nhau vừa chào Lương Bổng.
"Chưa thấy cảnh đánh nhau nào trong phim về thế giới ngầm hài hước như cảnh này", một ý kiến nhận xét và được không ít người đồng tình.
Lương Bổng xuất hiện điềm tĩnh giảng giải khi hai băng nhóm đang giao chiến. |
Người phán xử tiền truyện gồm bốn tập, do Khải Anh làm đạo diễn. Mỗi tập phim có thời lượng khoảng 30 phút đổ lại. Phim khắc họa quá khứ của thành viên tập đoàn Phan Thị ở thời điểm ngay trước các sự kiện diễn ra trong bản phim chính.
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải - giám đốc sản xuất của bộ phim cho biết Người phán xử là phim mua bản quyền nước ngoài. Do vậy, tiền truyện của bộ phim, đơn vị sản xuất cũng phải trao đổi chặt chẽ với phía sở hữu bản quyền Người phán xử.
Trước đó, vào năm 2017, bộ phim Người phán xử dài 47 tập, do ba đạo diễn Mai Hiền, Khải Anh, Danh Dũng thực hiện đã gây bão màn ảnh. Chuyển thể từ kịch bản của Israel, Người phán xử đưa tội phạm trở thành nhân vật trung tâm để khai thác diễn biến tâm lý.
Nhân vật chính trong phim là ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng). Trong giới giang hồ, Phan Quân được mệnh danh là "Người phán xử", chuyên giải quyết mâu thuẫn về tiền bạc, ân oán của các băng nhóm xã hội đen.