Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Gen Z thường muốn nhảy việc

Đồng nghiệp, cơ hội việc làm, tài chính, tiềm năng phát triển... trong rất nhiều yếu tố đó gen Z có những lý do rất đặc biệt để có thể đưa ra quyết định thay đổi công việc.

cong viec gen z anh 1

Phân cảnh Andy bỏ việc trong bộ phim The Devil wears Prada. Nguồn: IMDB.

Cơ hội phát triển, tài chính, sếp, môi trường làm việc đôi khi là những nguyên nhân khiến mình nhảy việc. Đồng nghiệp cũng là một yếu tố khác góp phần vào quyết định đi hay ở. Nghe thì có vẻ mình đòi hỏi rất nhiều nhưng thực lòng mà nói, mình chỉ muốn được làm việc cùng những người nhiệt huyết trong công việc và có trách nhiệm cao, bởi bản thân cảm thấy mất hứng khi làm chung với những người cư xử theo hướng ngược lại.

Mình chán ngấy cảm giác khi cùng là một đầu việc nhưng một số ít bỏ toàn tâm toàn sức để hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất, còn phần đông lại làm việc qua loa cho xong. Chỉ bằng việc chứng kiến phong cách làm việc từ những người đồng nghiệp cũng khiến mình muốn từ bỏ để tìm một nơi hội tụ những người nhiệt huyết.

Có vẻ như một công việc mình muốn chỉ có trong mơ, sau khi nhận ra nghề mình làm chẳng mấy ai chịu dùng nhiệt huyết hay đam mê. Đây là một lý do mới khiến mình muốn nhảy việc và đôi khi muốn nhảy luôn cả ngành.

Ngoài xã hội có quá nhiều vị trí công việc mới nghe thật hấp dẫn và có thể phù hợp với chính mình, có quá nhiều ngành nghề cho mình cảm giác cân bằng trong cuộc sống, có quá nhiều vị trí trả lương cao hơn.Thử hỏi làm sao một người trẻ với nhiều yêu cầu cao trong công việc có thể ngừng mơ mộng được làm một công việc tốt hơn.

Mình chưa bao giờ dám nói ra điều này với người lớn, vì mười người thì hết chín người khuyên mình đỏi hỏi ít thôi và yên phận làm người mới trong ngành. Nhưng khi mình hiểu rõ được giá trị, năng lực và xây dựng được đạo đức nghề nghiệp cho bản thân, mình không bao giờ sẵn sàng cống hiến cho một nơi không biết trân trọng những gì mình tạo ra.

Nhiều lúc mình tự cảm thấy nói ra những điều này nghe có vẻ kiêu ngạo nên chỉ giữ chúng như suy nghĩ cho riêng mình. Nhưng để nói hết ra tiếng lòng một người trẻ bước vào chốn công sở của người trưởng thành, mình sẽ tự tin nói rằng chúng mình xứng đáng được đối xử tốt hơn. Đi làm là mối quan hệ hai chiều. Mình cống hiến giá trị để nhận về những giá trị mình mong muốn. Khi môi trường làm việc không thể cung cấp những điều mình muốn sau khi mình đã cống hiến giá trị của bản thân, lựa chọn cuối cùng là dứt áo ra đi.

Người lớn cho rằng nhảy việc là xấu khiến đôi khi mình ngờ vực về quyết định của bản thân. Nhưng rồi lần nhảy việc nào cũng là một chặng đường phát triển mới tốt đẹp hơn. Đôi khi nhảy việc không phải là trốn chạy những vấn đề mình không thể giải quyết, mà là cơ hội để bản thân đi tìm những vấn đề xứng đáng hơn với công sức mình bỏ ra. Người lớn có thể đi tìm định nghĩa của sự ổn định và cảm thấy thoải mái khi ở nguyên một chỗ. Còn người "xém" lớn như mình thích một cuộc sống dịch chuyển không ngừng và tìm kiếm vùng đất mới để phát triển.

Có quá nhiều lý do để mình muốn nhảy việc và mình dần học cách bình thường hóa cái CV ba năm kinh nghiệm với hơn năm công việc khác nhau của mình. Miễn sau khi làm một công việc nào đó, mình dành toàn tâm toàn ý với nó để khi quyết định nghỉ việc thì người tiếc không phải là bản thân mình.

Hoàng Phương Linh/Bloom Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY