Dù không hưởng ứng app hẹn hò, Gen Z vẫn sử dụng công nghệ để kết nối theo nhiều cách khác nhau. Ảnh: DmitryMo. |
Gen Z là thế hệ đầu tiên gắn liền với Internet ngay từ khi sinh ra. Với những thế hệ khác, smartphone là một khái niệm có từ trước hoặc sau khi họ ra đời. Nhưng với Gen Z, thiết bị công nghệ gắn liền với mọi giai đoạn cuộc đời họ.
Bởi vậy, nhiều người cho rằng đây chính là tệp người dùng phù hợp nhất của các ứng dụng hẹn hò. Nhưng hiện thực lại đi ngược lại với kỳ vọng. Mặc dù số lượng app hẹn hò, tìm người yêu ngày càng tăng, Gen Z lại không mấy hào hứng.
Gen Z sợ yêu ảo
Theo khảo sát của Statista năm 2023, những người sử dụng Internet ở Mỹ trong độ tuổi từ 30-49, chủ yếu là thế hệ trẻ, chiếm 61% số người dùng ứng dụng hẹn hò. Trong khi đó, Gen Z chỉ chiếm 26%. Điều này một phần bắt nguồn những thách thức Gen Z phải đối mặt trên app hẹn hò như sợ bị từ chối và ngượng ngùng, tờ Time nhận định.
Các thế hệ trước có nhiều kinh nghiệm để vượt qua cảm giác suy sụp khi bị từ chối hẹn hò. Họ cũng có thể phục hồi dễ dàng hơn sau một cuộc gặp gỡ khó xử, thay vì coi đó là nỗi xấu hổ không thể vượt qua.
Tất nhiên, hầu hết chúng ta đều sợ bị từ chối. Nhưng trong một thế giới được điều khiển bởi công nghệ, mọi phát ngôn và hình ảnh chia sẻ đều có thể được yêu thích, tán thành, hay tấn công, chỉ trích.
App hẹn hò ngày càng bị Gen Z ghét bỏ. Ảnh: Guardian. |
Vì thế, Gen Z sẽ trải qua khoảng thời gian khó khăn hơn khi ở thế yếu - bị từ chối hoặc ngó lơ (ghosting). Điều này cũng giải thích lý do nhiều Gen Z xóa ứng dụng hẹn hò sau khi nghe những câu chuyện đáng buồn của người quen khi quen nhau qua app.
Không chỉ Gen Z, các ứng dụng hẹn hò đang mất dần sức hấp dẫn với người dùng ở mọi lứa tuổi. Ngày càng có nhiều người cảm thấy thuật toán không giúp họ tìm thấy thứ mình muốn. Họ cho rằng các công ty phát triển ứng dụng hẹn hò chỉ để “làm tiền” khách hàng bằng dịch vụ trả phí, giới hạn những tính năng hữu ích thật sự.
Sự thất vọng tiếp tục tăng khi người dùng, đặc biệt là phụ nữ, cộng đồng thiểu số, người thừa cân và người khuyết tật gặp phải những trải nghiệm xấu như bị quấy rối trên ứng dụng hẹn hò.
Nếu không dùng app hẹn hò, Gen Z tìm người yêu ở đâu?
Theo Time, số liệu cho thấy các app này thường bị xóa trong tháng đầu tiên tải về. Lớn lên và chứng kiến các thế hệ trước vật lộn với công nghệ chỉ để gặp gỡ những đối tượng tiềm năng, Gen Z lại quan trọng những gì ứng dụng có thể cung cấp hơn.
Thế hệ này tập trung vào chăm sóc bản thân và tính xác thực khi hẹn hò nhiều hơn so với các thế hệ trước. Trong khi đó, với đặc tính “ảo”, các ứng dụng hẹn hò không thiếu những kiểu kết nối chân thực, dễ dàng mà họ muốn.
Nếu Gen Z không dùng app hẹn hò, họ tìm người yêu ở đâu? Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn Gen Z tìm kiếm bạn đời ở ngay trong vòng tròn xã hội của mình như ở trường, qua các cuộc gặp gỡ tình cờ hoặc đi cùng bạn bè. Nghe có vẻ lỗi thời, nhưng hẹn hò với một người bạn hoặc ai đó trong nhóm bạn quen thuộc có thể làm giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng mà Gen Z phải đối mặt trong thế giới ảo của ứng dụng hẹn hò.
Nhiều người lựa chọn xóa app hẹn hò sau thời gian dài sử dụng. Ảnh: Reuters. |
Dù không hưởng ứng app hẹn hò, Gen Z vẫn sử dụng công nghệ để kết nối theo nhiều cách khác nhau. Mạng xã hội trở thành một nơi để gặp gỡ đối tượng tiềm năng. Những nền tảng thiên về hình ảnh, video như Instagram và TikTok cho phép bạn biết đối phương là ai theo những cách mà các ứng dụng hẹn hò không thể làm được.
Xét cho cùng, tiền đề của mạng xã hội là để kết nối với những người cùng sở thích, quan tâm đến những điều giống bạn. Các thuật toán cũng hiển thị tài khoản của những người thích những gì bạn thích. Điều này giúp việc giới thiệu bản thân qua tin nhắn đỡ rườm rà hơn app hẹn hò.
Mặc dù nghe có vẻ “sai sai” khi nói Gen Z là thế hệ đưa xã hội trở lại kiểu hẹn hò truyền thống: ít nặng tính kỹ thuật số và mang tính cá nhân nhiều hơn, nhưng thực tế chứng minh điều này là thật. Sự bão hòa trong giới công nghệ trở thành động lực để Gen Z tìm về những trải nghiệm thực tế mà nhiều người hiện nay đã lãng quên: gặp nhau để làm quen, hẹn hò thay vì tiếp xúc ảo qua những màn hình vô cảm.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.