Từ ngày tôi hay đi nói chuyện với các bạn trẻ về đọc sách, thỉnh thoảng lại nhận được những tâm sự khá thú vị từ những người bạn trên mạng xã hội. Chẳng hạn như tối nay, một cậu em nhắn tin hỏi: Tại sao em càng học, càng đọc sách càng thấy “ngu”?
Rồi cậu tự đưa ra một sơ đồ khoa học với một vòng tròn nhỏ là những điều đã biết nằm trong một vòng tròn lớn hơn là những điều chưa biết. Khi vòng tròn những điều đã biết được nới rộng ra (bằng việc học, đọc sách) thì vòng tròn những điều chưa biết cũng lớn ra theo. Vùng chưa biết ấy là những câu hỏi, thắc mắc, những điều chưa hiểu, những điều đã hiểu nhưng chưa thấu đáo... được xuất hiện trong quá trình học, đọc sách.
Tóm lại là càng đọc, càng học thì những vấn đề thắc mắc, chưa hiểu (phát sinh trong quá trình đọc, học) lại càng nhiều thêm, vòng tròn phía ngoài lại càng rộng ra, và người đọc, người học sẽ có cảm giác càng đọc, càng học càng “ngu”.
Lý giải khoa học của cậu em này, theo tôi, là “chuẩn không cần chỉnh”. Tuy nhiên, cậu vẫn chưa thoả mãn, cậu muốn ở tôi một câu trả lời khác từ thực tiễn của cá nhân tôi.
Tôi đã nói với cậu ấy rằng, em hiểu ngược lại cũng được, miễn là em thấy thoải mái: Khi mình học nhiều, đọc nhiều thì kiến thức mình càng nhiều và mình mới nhận ra những việc mình làm trong quá khứ “sao ngu thế?” (vì trước đó chưa đọc, chưa học nên chưa biết), “ngu” là so với lúc mình biết do đọc và học mà có...
Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc đặt ra các câu hỏi, nghi ngờ mọi thứ khi đọc sách, đôi khi không cần thiết. Thích đọc thì cứ đọc thôi, đừng bắt óc mình phải suy nghĩ nhiều quá. Nhiều khi tôi đọc hết một cuốn sách thấy vui/không vui thôi chứ cũng chưa biết là thu được kiến thức gì cụ thể từ đó. Đọc sách không phải vì niềm yêu thích mà chỉ để cho bằng bạn bằng bè, để đu trend thôi thì chắc chắn sẽ chẳng duy trì lâu dài được thói quen tuyệt vời này.
Chúc các bạn đọc sách trong niềm hân hoan sung sướng, hãy sống trong từng trang sách, đừng quá quan tâm đến “ngu” hay “không ngu” sau khi đọc xong cuốn sách!