Với những ưu điểm như tốc độ vượt trội, khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bay thấp và khó phát hiện, vũ khí siêu vượt âm đang là tâm điểm của cuộc chạy đua ngày một căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Bloomberg.
Hôm 27/10, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, thừa nhận các vụ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc trong mùa hè đã tiến rất gần đến "khoảnh khắc Sputnik" - cụm từ ám chỉ thời điểm Mỹ nhận ra đối thủ đạt được thành tựu vượt trội nào đó và cần phải đuổi kịp.
Nguyên nhân khiến vũ khí siêu vượt âm trở thành tâm điểm trong cuộc chạy đua quân sự giữa các cường quốc xuất phát từ thực tế rằng hầu hết hệ thống phòng thủ hiện tại không thể ngăn chặn loại vũ khí này, theo Bloomberg.
Bên cạnh đó, mối lo về khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của các thiết bị bay siêu vượt âm cũng thúc đẩy các nước theo đuổi hệ thống vũ khí này.
Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm trong mùa hè. Ảnh: CNN. |
Vũ khí siêu vượt âm là gì?
Vũ khí siêu vượt âm thường bao gồm các thiết bị chiến đấu có tốc độ vượt trội, tầm bay thấp và tính cơ động cao. Nó được thiết kế với những đặc điểm linh hoạt nhằm ngăn cản các hệ thống tên lửa phòng thủ truyền thống có thể phát hiện kịp thời.
Thuật ngữ “siêu vượt âm” được dùng để mô tả mức vận tốc nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 1.220 km/h ở mực nước biển. Điều này đồng nghĩa với việc vũ khí này có thể di chuyển tối thiểu ở ngưỡng 6.115 km/h.
Ở tốc độ siêu vượt âm, quá trình ion hóa có thể khiến các phân tử không khí xung quanh phương tiện bắt đầu thay đổi, tách rời hoặc tích điện. Theo một bài báo của quân đội Mỹ được xuất bản vào năm 2018, quá trình nói trên khiến các phương tiện siêu vượt âm phải chịu lực căng “kinh hoàng” khi di chuyển trong bầu khí quyển.
Khác với tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu vượt âm không di chuyển theo quỹ đạo hình cung được định sẵn mà có thể cơ động trong quãng đường hướng đến mục tiêu.
Vũ khí siêu vượt âm được chia làm hai nhóm chính: Tên lửa hành trình và phương tiện lướt.
Phương tiện lướt siêu vượt âm được phóng từ tên lửa hướng tới mục tiêu, do đó quá trình chế tạo đòi hỏi tên lửa phải đảm bảo sức đẩy đủ lớn để phóng phương tiện này với vận tốc cao và ổn định. Thách thức nói trên khiến sự chú ý của giới quân sự hiện chủ yếu tập trung vào các loại phương tiện lướt siêu vượt âm, theo Bloomberg.
Vũ khí siêu vượt âm hầu như không thể bị ngăn cản bởi các hệ thống phòng thủ hiện tại. Ảnh: USDOD. |
Những nước nào sở hữu vũ khí siêu vượt âm?
Hiện Trung Quốc, Mỹ và Nga được cho là những nước có năng lực tiên tiến nhất trên phương diện vũ khí siêu vượt âm. Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức và Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm.
Phương tiện lướt siêu vượt âm nổi bật của Nga là Avangard, được phóng từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và được cho là có trang bị đầu đạn hạt nhân. Một số nguồn tin ở Nga cho rằng Avangard đã được sử dụng trong thực chiến vào tháng 12/2019.
Đồng thời, Nga sở hữu tên lửa hành trình Tsirkon, có thể phóng từ tàu thủy. Tsirkon có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.
Một vụ phóng tên lửa siêu vượt âm được cho là đã diễn ra tại tỉnh Jagang, Triều Tiên vào ngày 28/9. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm trong mùa hè. Đáng chú ý, một trong số này có khả năng chứa đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên. Bắc Kinh tuyên bố họ chỉ đưa vào vũ trụ một loại phương tiện có thể tái sử dụng.
Trước đó, Trung Quốc tiến hành một số vụ thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 được thiết kế để phóng các phương tiện bay siêu vượt âm. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, có thể được điều chỉnh để mang theo vũ khí hạt nhân.
Ngày 26/10, Giám đốc điều hành Gregory Hayes của tập đoàn quốc phòng Raytheon Technologies, nói với Bloomberg rằng Mỹ “đi sau ít nhất vài năm” so với Trung Quốc về công nghệ siêu vượt âm dù đã đầu tư đáng kể trên phương diện này.
Kinh phí phát triển vũ khí siêu vượt âm của Mỹ tăng khoảng 740% trong giai đoạn 2015-2019. Mức đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực này nhiều khả năng chạm ngưỡng 15 tỷ USD cho đến 2024 (chưa bao gồm chi phí sản xuất).
Hải quân Mỹ đang nghiên cứu một loại phương tiện bay siêu vượt âm có thể sử dụng cho nhiều binh chủng. Trong khi đó, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của chính phủ Mỹ, với sự hỗ trợ của lực lượng không quân nước này, đang phát triển dạng tên lửa hành trình siêu vượt âm phóng có thể phóng từ trên không.