Thợ bánh samurai là cuốn tiểu thuyết cảm động của nhà văn Nhật Bản Araki Gen. Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và kì lạ giữa Yusa Hiroko, người mẹ đơn thân đang phải nỗ lực từng ngày để nuôi nấng cậu con trai nhỏ và Yasube, một samurai không may bị rơi vào “lỗ hổng thời gian” và du hành đến Tokyo của 180 năm sau.
Hai con người xa lạ, nhờ sự kì diệu của duyên phận mà vô tình gặp gỡ và trở nên thân thiết. Mẹ con Hiroko và “chiến binh samurai xui xẻo” kia như những con người đến từ hai thế giới khác nhau. Thế nhưng, nhờ những tấm lòng biết bao dung mà tình cảm vẫn có thể nảy nở trong trái tim tưởng như đã nguội lạnh. Yêu một người, đôi khi còn dễ dàng hơn việc mở cửa trái tim mình.
Hãy cho bản thân một cơ hội để thay đổi
Hiroko là một kĩ sư hệ thống, cô luôn bận rộn với những phần mềm mới được lập trình, các cuộc gặp gỡ khách hàng và một đống hồ sơ đang dang dở. Đã thế, người phụ nữ ngoài ba mươi ấy còn phải một mình chăm sóc cậu con trai 5 tuổi tên là Tomoya. Bình thường chú nhóc rất ngoan, nhưng đôi khi hơi bướng bỉnh.
Vào một buổi chiều muộn, khi Hiroko đang trên đường đi đón con ở trường mẫu giáo thì vô tình cô gặp một người đàn ông ăn mặc kì dị, như thể những samurai thời xưa. Anh ta hỏi đường và nói với cô vô số điều kì lạ, như thể con người ấy không thuộc về thế giới này. Nguy hiểm hơn, người đàn ông này có kiếm và đang uy hiếp Hiroko. Người phụ nữ tội nghiệp đành đưa chiến binh samurai về nhà, theo như lời đề nghị của Yasube, cái tên mà Hiroko vừa mới được biết.
Hai mẹ con cô mời vị khách một bữa và tiễn anh ta ra cửa, mọi chuyện tưởng như chấm dứt. Hiroko nghĩ rằng anh ta là một người mắc bệnh tâm thần, nếu chỉ cho anh ta đường đến đồn cảnh sát, chắc chắn mọi chuyện sẽ được giải quyết. Không ngờ, mấy hôm sau, vào một đêm mưa gió, Yasube lại gõ cửa nhà Hiroko.
Tiểu thuyết Thợ bánh samurai của Araki Gen. |
Cả người anh ta ướt sũng, run lên vì đói và lạnh. Qua câu chuyện rành mạch và lớp lang từ võ sĩ samurai ấy, Hiroki nhận ra rằng: anh ta không bị điên. Có vẻ như người đàn ông này đã rơi vào “lỗ hổng thời gian” và du hành đến tương lai. Địa điểm đầu tiên mà anh ta dừng chân chính là …Tokyo của 180 năm sau.
Không nỡ để Yasube sống vất vưởng như những người vô gia cư, Hiroko đành để anh tá túc tại phòng khách nhà mình. Ngày hôm sau, khi đón Tomoya từ trường mẫu giáo về, người mẹ bận rộn ngạc nhiên vì nhà cửa đã sạch bong. Yasube dọn dẹp coi như để trả ơn Hiroko. Vài ngày sau, người phụ nữ bận rộn ấy đi đến một quyết định táo bạo. Từ nay, Yasube sẽ học nấu ăn và lo chuyện cơm nước cho cả ba người.
Ai ngờ, một võ sĩ samurai lại có tài năng nấu nướng. Sau vài ngày lóng ngóng cầm dao, Yasube tỏ ra là một người có năng khiếu về chuyện bếp núc. Không chỉ có vậy, anh chàng còn làm bánh ngọt rất ngon, khiến cậu bé Tomoya thích mê.
Nhưng anh chàng samurai ấy vốn dĩ không thuộc về nơi này. Hiroko từng hứa sẽ giúp anh đi tìm “lỗ hổng thời gian” để về nhà. Nhưng khi đã quen với cuộc sống có Yasube và luôn nhớ những chiếc bánh ngọt của chàng trai trẻ ấy, Hiroko lại cảm thấy có chút do dự. Nếu Yasube mắt kẹt ở tương lai mãi mãi, liệu đó có phải là điều tốt hay không?
Bức tranh chân thực về cuộc sống phụ nữ Nhật hiện đại
Không chỉ là một câu chuyện đẹp về tình người, tình cảm gia đình Thợ bánh samurai còn lột tả một cách chân thực về cuộc sống của những người phụ nữ Nhật sau khi kết hôn. Tại sao có nhiều cô gái trẻ ở Nhật không muốn lập gia đình? Mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Họ sợ những trách nhiệm nặng nề mà bản thân sẽ phải gánh trên vai, bởi đàn ông Nhật thường rất lười làm việc nhà.
Hiroko từng kết hôn rồi sinh con theo đúng trình tự mà người ta vẫn mặc định cho những cô gái trưởng thành. Thế nhưng, khi Tomoya chào đời, người mẹ trẻ nhanh chóng nhận ra: hôn nhân là gánh nặng. Chồng cô chỉ biết đi làm, làm tăng ca, sau đó về nhà ăn tối rồi đi ngủ. Ngay cả khi rảnh rỗi, anh ta cũng tụ tập với bạn bè thay vì ở nhà phụ giúp vợ dọn dẹp và nấu nướng.
Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim vào năm 2010. |
Người chồng cho rằng đó không phải là trách nhiệm của đàn ông. Họ liên tục cãi vã, sau đó bố của Tomoya có người phụ nữ khác. Chuyện ly hôn đến như một điều tất yếu. Sự xuất hiện của Yasube với thân thế thực sự là một samurai thời Edo, nhưng anh ta lại sẵn sàng làm việc bếp núc minh chứng cho một điều đơn giản: không có vai trò nào bất biến trong gia đình.
Khi quyết định cùng dựng xây một tổ ấm, người ta phải biết san sẻ cùng nhau mọi thứ. Để hiểu nỗi khó nhọc của đối phương, hãy thử đứng vào vị trí của họ và bắt đầu ngày mới với những gì người kia phải làm. Cùng chung sống và san sẻ gánh nặng cho nhau, đó mới là ý nghĩa thực sự của hôn nhân.
Năm 2010, tiểu thuyết Thợ bánh samurai đã được chuyển thể thành phim, diễn viên - ca sĩ nổi tiếng Nishikido Rio thủ vai Yasube. Araki Gen đã tốt nghiệp ngành văn học Pháp tại Đại học Tokyo. Ông từng làm báo, nhưng sau đó rời tòa soạn để chuyên tâm cho công việc viết lách. Các sáng tác của Araki Gen bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố truyền thống trong văn hóa Nhật, thay vì chịu sự chi phối của các trào lưu văn học phương Tây.