Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao bố mẹ thích khen ngợi con?

Ngày nay, bất cứ chỗ nào có trẻ nhỏ - ở sân chơi, ở quán Starbucks, và ở trường mầm non - bạn sẽ nghe thấy tiếng khen ngợi râm ran: “Cậu bé giỏi lắm,” “Cô bé giỏi lắm”, “Các con là nhất”.

Tại sao chúng ta lại tha thiết khen ngợi con trẻ tới vậy?

Một phần, ta làm vậy để cho thấy mình khác với bố mẹ của mình. Trong cuốn sách Making Babies (Tạm dịch: Nuôi con), một cuốn hồi ký về quá trình làm mẹ, Anne Enright quan sát, “Ngày xưa - khi ta nhớ lại những năm 1970 ở Ireland - một bà mẹ sẽ quen miệng mắng con mình... ‘Nó nghịch như khỉ’, một bà mẹ sẽ nói, hoặc ‘Ngoài đường tốt đẹp, ở nhà xấu tính’ hoặc thậm chí câu ưa thích của tôi, ‘Mày làm tao chết sớm thôi’.

Đây là chuyện rất bình thường khi lớn lên ở một nơi mà người ta cấm kị việc khen con”. Tất nhiên, chuyện không chỉ riêng Ireland. Gần đây, một người London trung tuổi kể với tôi rằng, “Mẹ tôi gọi tôi bằng những từ tôi sẽ không bao giờ gọi con mình - trứng đòi khôn hơn vịt, đồ trắng trợn, khôn ranh, và kiêu căng. Bốn mươi năm sau, tôi muốn hét lên với mẹ mình, ‘Thể hiện bản thân thì có gì xấu?’”

Khen ngoi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Parents Victoria.

Ngày nay, bất cứ chỗ nào có trẻ nhỏ - ở sân chơi, ở quán Starbucks, và ở trường mầm non - bạn sẽ nghe thấy tiếng khen ngợi râm ran: “Cậu bé giỏi lắm,” “Cô bé giỏi lắm”, “Các con là nhất”. Tán dương lũ trẻ có thể nhất thời nâng lòng tự tôn của chúng ta lên bằng cách báo hiệu với những người xung quanh rằng ta là những bậc phụ huynh tuyệt vời thế nào và con cái ta xịn sò ra sao - nhưng làm thế sẽ không giúp ích lắm cho cái tôi của trẻ.

Khi cứ cố để khác biệt với bố mẹ mình, chúng ta thực ra đang cùng làm một thứ - phân phát những lời khen trống rỗng như cách mà thế hệ trước phân phát những lời mắng mỏ không suy nghĩ. Nếu chúng ta làm thế chỉ để không phải nghĩ về bọn trẻ và thế giới của chúng, và cảm giác thực sự của chúng, thì khen ngợi, giống như sự mắng mỏ, suy cho cùng chỉ thể hiện sự thờ ơ của ta mà thôi.

Điều này khiến tôi quay trở lại vấn đề ban đầu - nếu khen ngợi không xây dựng lòng tự tin cho một đứa trẻ, cái gì có tác dụng?

Ngay sau khi đủ tư cách hành nghề phân tâm học, tôi thảo luận tất cả điều này với một phụ nữ tám mươi tuổi tên là Charlotte Stiglitz. Charlotte - mẹ của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz - đã dạy trẻ khó đọc ở miền tây bắc Indiana trong nhiều năm. “Ta không khen một đứa bé làm thứ mà chúng sẽ phải làm được,” bà nói với tôi. “Ta khen khi chúng làm được gì thực sự khó - như chia sẻ đồ chơi hay thể hiện sự kiên nhẫn. Ta cũng nghĩ nói ‘cảm ơn’ rất quan trọng. Khi ta chậm lấy đồ ăn vặt cho trẻ, hay chậm giúp chúng và chúng vẫn kiên nhẫn, ta cảm ơn chúng. Nhưng ta sẽ không khen một đứa trẻ đang chơi hay đang đọc.” Không phần thưởng lớn, không trừng phạt nặng - Charlotte tập trung vào những gì đứa trẻ làm và cách chúng làm nó.

Một lần tôi quan sát Charlotte chơi cùng một đứa trẻ bốn tuổi đang vẽ. Khi cậu dừng lại và ngóng nhìn bà - có lẽ mong được khen - bà mỉm cười và nói, “Tranh của con có rất nhiều màu xanh”. Cậu trả lời,“Nó là cái hồ gần nhà bà ngoại con - ở đó có một cây cầu”. Cậu nhặt một cây sáp nâu và nói, “Con sẽ cho bà xem”. Không vội vã, bà tâm sự với đứa trẻ, nhưng quan trọng hơn là bà quan sát, bà lắng nghe. Bà hiện diện.

Stephen Grozs/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY