Từ "bẫy" ngụ ý rằng mọi người đang sống trong một nơi mà họ không hề muốn. Ảnh: FT. |
Sau dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua, ai cũng có thể thấy rõ các nhà lập pháp Mỹ đang mong muốn cấm TikTok. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ có nên cấm luôn cả Instagram, Facebook và X (trước đây gọi là Twitter) không?
Câu trả lời đương nhiên là “không”. Mặc dù ai cũng từng vài lần phàn nàn về mạng xã hội, họ vẫn sử dụng chúng hàng ngày đấy thôi. Có phải điều này cho thấy trong sâu thẳm chúng ta vẫn coi trọng những nền tảng số này? Hay mạng xã hội đang cố lôi kéo chúng ta sử dụng dù không thích chúng?
Không ai muốn là người duy nhất bỏ mạng xã hội
Theo cách nói của nhóm các nhà kinh tế học của Leonardo Bursztyn, đây là một “cái bẫy tập thể”.
Giả sử bạn không thích Instagram và Facebook, nhưng tất cả bạn bè của bạn đều thấy đây là cách giữ giao tiếp thuận tiện. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu thấy việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội này là nên làm, ngay cả khi tin rằng mình sẽ sống tốt hơn nếu chúng không tồn tại.
Theo nghiên cứu "When Product Markets Become Collective Traps: The Case of Social Media" của Bursztyn, dù smartphone không gây nghiện, con người vẫn phải sử dụng các mạng xã hội mà họ ghét vì chẳng có giải pháp thay thế nào cả.
Chúng ta không thích mạng xã hội, nhưng vẫn phải dùng nó vì không còn cách nào khác. Ảnh: The Social Dilemma. |
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh quan điểm này bằng cách tuyển một số sinh viên ở trường đại học bất kỳ, trợ cấp tiền để họ khóa tài khoản TikTok, Instagram trong 4 tuần. Trung bình, các sinh viên yêu cầu phải trả cho họ khoảng 50 USD/tài khoản.
Nhưng khi các nhà khoa học lật ngược vấn đề, hỏi các sinh viên rằng họ sẵn sàng chi bao nhiêu để vòng bạn bè xung quanh xóa tài khoản mạng xã hội. “Bây giờ vấn đề không phải là bạn bỏ mạng xã hội một mình. Bạn và tất cả người xung quanh, tất cả sinh viên khác trong trường, cùng nhau bỏ mạng xã hội”, Leonardo Bursztyn nói.
Kết quả cho thấy ai cũng sẵn sàng trả tiền để khóa tài khoản của mọi người, kể cả tài khoản của chính họ. Ví dụ như với TikTok,họ sẵn sàng chi 30 USD để khóa tài khoản của mọi người xung quanh trong 4 tuần. Con số này gần bằng số tiền mà họ yêu cầu được trả để xóa mạng xã hội trước đó.
Điều này cho thấy không ai muốn trở thành người duy nhất từ bỏ mạng xã hội, nhưng họ sẽ rất vui khi được sống trong một thế giới mà mạng xã hội không tồn tại.
Chia sẻ trong podcast Freakonomics, nhà nghiên cứu Leonardo Bursztyn ví một cái bẫy tập thể của mạng xã hội cũng giống như hút thuốc thụ động. Dù không thích thuốc lá hay dùng mạng xã hội, chúng ta vẫn phải chịu ảnh hưởng trong vô thức và bị chúng chi phối.
Kết quả nghiên cứu của ông cho thấy mạng xã hội đang khiến chúng ta - đặc biệt là thanh thiếu niên - trở nên “khốn khổ”.
Bẫy mạng xã hội và những chiêu trò lôi kéo người dùng ở lại
Trong bài nghiên cứu, Leonardo Bursztyn liên tục nhấn mạnh thuật ngữ "những cái bẫy truyền thông xã hội". Trong đó, từ "bẫy" ngụ ý rằng mọi người đang sống trong một nơi mà họ không hề muốn. Các cơ chế giữ họ ở yên trong bẫy có ở khắp mọi nơi. Chúng có thể là các thuật toán gây nghiện, sự lười biếng, thiếu tự nhận thức hay thiếu kỷ luật…
Theo Jean Twenge, tác giả của iGen, và Jonathan Haidt, tác giả của The Anxious Generation (tạm dịch: Thế hệ lo âu), sự gia tăng chứng lo lắng, trầm cảm và tự làm hại bản thân ở thanh thiếu niên, đặc biệt là các cô gái tuổi teen, xảy ra cùng thời điểm khi các mạng xã hội trên smartphone trở nên phổ biến.
Ai cũng hiểu tác hại của mạng xã hội, nhưng cái giá để từ bỏ chúng quá cao. Ảnh: WSJ. |
Nhưng ngược lại, các chuyên gia tâm lý học như Amy Orben và Andrew Przybylski chỉ ra rằng điều ngược lại chưa chắc đã tốt. Rất ít bằng chứng cho thấy người trẻ cảm thấy tốt hơn khi họ thử "cai nghiện kỹ thuật số", tạm thời khóa tài khoản mạng xã hội của họ. Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy họ cảm thấy bị cô lập khi nói không với mạng xã hội.
Nhưng nếu nhìn mạng xã hội như những chiếc bẫy tập thể, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải hiện tượng này. Họ hiểu tác hại của mạng xã hội, nhưng cái giá phải trả cho việc bị bỏ rơi khi từ bỏ chúng quá cao, khiến họ không thể không sử dụng các nền tảng này. Chính họ cũng cho rằng mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nếu chỉ có một mình họ biến mất khỏi môi trường Internet.
Không chỉ mạng xã hội, bẫy tập thể có mặt ở khắp mọi nơi. Những chiếc ôtô hầm hố, cồng kềnh như SUV là một ví dụ. Tại sao lại có người lái một phương tiện nặng nề, kém linh hoạt như vậy trong thành phố hay những con hẻm nhỏ? Câu trả lời chắc chắn là họ lo lắng bị một chiếc xe cồng kềnh khác tông vào.
Vận dụng khái niệm bẫy tập thể, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều người lại lái ôtô khi họ có thể đi bộ hoặc đạp xe. Có phải vì họ lo lắng, cảm thấy không an toàn trước những nguy hiểm có thể xuất hiện trên đường không? Trên thực tế, tất cả người lái ôtô, họ mới chính là tác nhân gây nguy hiểm hàng đầu trên đường sá.
Đương nhiên, dùng Instagram hay lái xe không phải là điều bất hợp pháp. Nhưng bẫy tập thể là có thật. Có những lúc và những nơi, mọi người sẽ tốt hơn nếu không ai được phép sử dụng smartphone hoặc ôtô. Nhưng vấn đề là không ai có thể tự làm điều này một mình.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.