Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tài sản tham nhũng vào người thân, quen chứ không có cánh mà bay'

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng nếu không liêm khiết thì không nói phòng chống tham nhũng được và cần loại bỏ ngay cán bộ tiêu cực trong bộ máy Nhà nước.

Sáng 20/11, bên hành lang Quốc hội, thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh Quân khu 2, chia sẻ với báo chí trước phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vào ngày mai (21/11).

- Một số câu chuyện về kiểm tra tài sản có kết luận tài sản không rõ nguồn gốc nhưng không thu hồi được. Nhiều người cho rằng chúng ta đang bất lực trước các tài sản bất minh?

- Kê khai tài sản là một vấn đề nhưng kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định lại. Đồng thời, kê khai đó phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem kê khai đó đúng hay chưa đúng thì mới chính xác.

Tài sản bất minh có nhiều vấn đề, mất nhiều thời gian vì cần quá trình điều tra, xác minh và kết luận về một con người không hề đơn giản bởi còn liên quan đến sinh mệnh chính trị, nghề nghiệp của người ta, không thể nói linh tinh mà phải chính xác.

- Hiện, công tác thu hồi tài sản sau tham nhũng được rất ít. Nhiều cơ quan xác định, thu hồi tài sản không được bao nhiêu, ông bình luận gì về việc này?

- Thu hồi tài sản chủ yếu là do chúng ta chưa cương quyết thôi. Anh đã tham nhũng tài sản thì những thứ đó chẳng nhẽ có cánh mà bay. Nó chỉ có vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu.

Với điều kiện như hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, các cơ quan pháp luật vào cuộc rất mạnh, vừa rồi, ít nhiều cũng răn đe một số cán bộ có hành vi tham nhũng.

Kiểm soát tài sản trước mắt khó khăn nhưng về lâu dài thì có thể thu hồi được, còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ và đó là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân, cá nhân tôi cũng thế.

Tuong Sung Thin Co noi ve phong chong tham nhung anh 1
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.

- Ông hiến kế gì về việc thu hồi tài sản?

- Hiến kế không có gì khó khăn lắm nhưng cơ bản là cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ để thẩm định, kiểm tra, xác minh các tài sản đã bị tham nhũng phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được.

Còn nếu, những người đi làm việc ấy mà nặng về vấn đề này nọ, mục đích gì đó sẽ không làm được.

- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có chỉ ra có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng. Giả sử phát hiện trường hợp cụ thể thì xử lý thế nào?

- Đó là điều đương nhiên, không tránh khỏi. Bởi, cái gì cũng có hai mặt: Tích cực và tiêu cực, nhưng cố gắng làm sao để mặt tích cực phải chủ đạo, tiêu cực giảm bớt đi thì mới làm được.

Lực lượng đi xác minh thì thực sự phải rất có bản lĩnh, liêm khiết. Ví dụ, ngày xưa, tôi ở đơn vị, các đoàn kiểm toán, thanh tra lên thanh tra, tôi rất liêm khiết, các anh cứ làm nghiêm túc. Tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý nhưng ngược lại các anh không được đòi hỏi cái gì và nếu đòi hỏi tôi sẽ xử lý các anh.

Thế là hai bên thông cảm, hiểu nhau nên qua các lần thanh tra, kiểm tra, đưa ra tập thể, cán bộ chiến sĩ công khai thì thừa nhận không có vấn đề và nếu có vấn đề thì xử lý ngay.

- Nếu phát hiện tham nhũng, ông có tố cáo ngay?

- Phát hiện những trường hợp tiêu cực thì theo chủ trương của Đảng, Nhà nước phải thay thế ngay, cho nghỉ việc, không thể dùng được. Tôi nghĩ tất cả các vấn đề tiêu cực biết được, tôi sẽ phát biểu, tôi không trừ một loại gì, kể cả, tai tệ nạn xã hội.

Đầu tiên mình phải liêm khiết còn mình đã không liêm khiết thì nói sao được tham nhũng. Tôi cũng nghĩ là, cuộc đời tôi, anh em cứ về quê tôi, gặp dân tôi người ta rất phấn khởi. Người ta bảo: "Riêng ông Sùng Thìn Cò việc gì giúp được sẽ giúp, việc gì không giúp được sẽ không giúp. Không bao giờ, ông ấy lấy đồng tiền nào của dân nên tôi về quê (ở huyện Quảng Bạ, Hà Giang) dân rất quý".

Chiều 9/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, ông Sùng Thìn Cò cho rằng tham nhũng đang rất nguy hiểm, làm mất niềm tin của người dân. Việc mở rộng diện kê khai tài sản là phù hợp.

“Đã là cán bộ công chức thì phải kê khai. Có thể chúng ta không giám sát hết, nhưng chúng ta sẽ lựa chọn những đối tượng làm ở những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để giám sát”, thiếu tướng Sùng Thìn Cò góp ý.

Tướng Sùng Thìn Cò cũng cho rằng dự thảo luật phải xây dựng được cơ chế và giáo dục để làm sao “cán bộ thấy tiền không thích, thấy gái đẹp cũng không đòi”.

Phòng, chống tham nhũng đã trở thành xu thế của cả xã hội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội, không ai có thể đứng ngoài cuộc.

Cử tri đề nghị xử lý cán bộ có biểu hiện suy thoái, tham nhũng

Cử tri và người dân khẳng định luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa.


Thắng Quang ghi

Bạn có thể quan tâm