Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tái hoang dã hành tinh' là giải pháp cho tương lai

Điều chúng ta cần làm là tìm ra lối sống bền vững mới, một lối sống có thể giúp con người hiện đại sống cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên một lần nữa.

Bằng cách nào chúng ta có thể thúc đẩy sự phục hồi của tự nhiên và mang sự ổn định của Trái Đất quay trở lại? Những người trăn trở về con đường hướng tới một tương lai đổi khác, hoang dã hơn và ổn định hơn đều nhất trí ở một phương kế: Đó là chặng đường sắp tới phải được soi rọi dưới một triết lý mới, hay nói đúng hơn là quay về với triết lý xưa cũ, triết lý ở thời kỳ đầu thế Holocene, giai đoạn trước khi nông nghiệp ra đời.

Khi ấy dân số loài người trên toàn thế giới chỉ mới vài triệu, chúng ta sống bằng nghề săn bắt, hái lượm và tồn tại bền vững, sinh hoạt cân bằng với tự nhiên. Đây cũng là lựa chọn duy nhất mà tổ tiên chúng ta có tại thời điểm đó.

Khi nông nghiệp xuất hiện, con người có nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó mối quan hệ giữa chúng ta và giới tự nhiên bị thay đổi. Chúng ta coi thế giới hoang dã như một thứ để thuần hóa, khuất phục và lạm dụng.

Không thể phủ nhận rằng cách tiếp cận cuộc sống mới mẻ này đã mang lại cho con người những thành tựu phi thường. Tuy nhiên, qua nhiều năm, chúng ta dần đánh mất đi sự cân bằng vốn dĩ. Con người vốn là đứa con được mẹ thiên nhiên đỡ đầu, nay lại tự biến mình thành kẻ đối đầu với mẹ thiên nhiên.

Những năm sắp tới, chúng ta cần phải đảo ngược quá trình chuyển biến này, và sự tồn tại bền vững lại một lần nữa trở thành lựa chọn duy nhất của con người. Nhưng lúc này dân số thế giới đã lên đến vài tỷ người, chúng ta không thể quay lại lối sống săn bắt hái lượm được nữa, và cũng không ai muốn làm vậy cả.

Chung ta lam gi voi Trai Dat anh 1

Con người cần bảo vệ hành tinh bằng lối sống bền vững toàn diện. Ảnh: Forbesindia.

Chúng ta đã có một kim chỉ nam trên hành trình hướng tới tương lai bền vững: mô hình ranh giới hành tinh, một mô hình được thiết kế để dẫn dắt chúng ta đi đúng đường. Nó đánh động cho chúng ta biết rằng con người phải lập tức ngăn chặn và ưu tiên đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu bằng cách can thiệp vào mọi nơi có hoạt động phát thải các loại khí nhà kính.

Chúng ta cũng phải chấm dứt tình trạng lạm dụng phân bón, cũng như ngăn cản và nghịch đảo quá trình chuyển đổi các cánh rừng hoang dã thành đất nông nghiệp, đồn điền hoặc những khu vực sinh sống hiện đại. Mô hình cũng nhắc nhở chúng ta theo dõi những phương diện khác như tầng Ozone, sử dụng nước ngọt, ô nhiễm nước và không khí, axit hóa đại dương.

Nếu chúng ta thực hiện những điều này, sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ dần chậm lại, sau đó dừng hẳn và bắt đầu tự phục hồi. Hay nói cách khác, nếu đã xác định rõ phương sách trọng tâm là phục hồi thế giới tự nhiên, chúng ta có thể tự cân nhắc những hành động của mình và tự đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng ta bắt tay hành động không chỉ vì lợi ích của riêng tự nhiên, mà còn vì chúng ta cũng được hưởng lợi từ một Trái Đất ổn định.

Thế nhưng kim chỉ nam của chúng ta vẫn còn khuyết thành phần quan trọng. Một báo cáo gần đây đã ước tính rằng gần 50% tác động của con người đến thế giới tự nhiên được gây ra bởi khoảng 16% những người giàu nhất thế giới.

Giới siêu giàu vốn đã hoàn toàn quen với lối sống không bền vững, thế nên khi trù hoạch con đường dẫn đến tương lai vững bền, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này. Không chỉ phải học cách sống chung với nguồn tài nguyên hữu hạn trên Trái Đất, chúng ta còn phải học cách phân bổ những nguồn tài nguyên ấy một cách đồng đều hơn.

Nhà kinh tế học Kate Raworth của Đại học Oxford đã làm rõ thử thách trên bằng cách thêm một vòng tròn nữa vào bên trong mô hình ranh giới hành tinh. Vòng tròn mới này thể hiện các nhu cầu tối thiểu về phúc lợi của con người như có chỗ ở phù hợp, được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo an toàn thực phẩm, được tiếp cận các nguồn năng lượng và nước sạch, được hưởng nền giáo dục tốt, có thu nhập, có tiếng nói chính trị và sự công bằng. Do đó, kim chỉ nam của chúng ta giờ đây đã có hai bộ ranh giới.

Vòng tròn bên ngoài là trần sinh thái (ranh giới hành tinh) mà chúng ta không nên vượt quá để có thể duy trì một hành tinh ổn định và an toàn. Vòng tròn bên trong là một nền tảng xã hội mà thế giới hướng tới, chúng ta phải nâng mức sống của mọi người vượt qua ranh giới xã hội này để tạo ra một thế giới công bằng và tốt đẹp. Sơ đồ này được đặt tên là Mô hình bánh donut (Doughnut model). Nó mở ra một viễn cảnh cực kỳ hấp dẫn, hướng tới một tương lai an toàn và bình đẳng cho mọi người.

Sau cùng, “lối sống bền vững toàn diện” phải là phương châm hành động của loài người chúng ta, và mô hình bánh donut chính là chiếc la bàn vạch rõ phương hướng trên con đường giữ gìn trạng thái bền vững của mọi thứ.

Chiếc bánh này đặt ra cho chúng ta một bài toán đơn giản nhưng cũng không kém phần hóc búa, đó là làm sao vừa cải thiện cuộc sống của con người trên thế giới, vừa phải giảm tối đa tác động của chúng ta lên hành tinh. Vậy đâu là gợi ý cho chúng ta trong những nỗ lực giải quyết bài toán sống còn này? Chúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa, nó nằm ngay trong chính bản thân thế giới tự nhiên thôi. Mọi câu trả lời đều ở đó.

David Attenborough / Sài Gòn Books và NXB Thế Giới

SÁCH HAY