NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM vừa cho ra mắt cuốn Gốm Lái Thiêu.
Sách là kết quả cộng tác của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) với các cộng sự - những nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật - cùng tham gia biên soạn.
Gốm Lái Thiêu là cuốn thứ 3 trong bộ sách gốm Nam Bộ (Gốm Cây Mai: Đề Ngạn - Sài Gòn xưa ra mắt tháng 3/2020 và Gốm Sài Gòn ra mắt tháng 10/2020).
Cuốn sách cung cấp những tư liệu, câu chuyện, thông tin phong phú về nguồn gốc xuất xứ, kỹ thuật chế tác, mỹ thuật của gốm Lái Thiêu - một dòng gốm lừng danh Nam Bộ ở thế kỷ 20.
Ảnh bìa sách Gốm Lái Thiêu. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. |
Trong hơn 300 năm lịch sử, vùng đất Nam Bộ đã xuất hiện bốn dòng sản phẩm gốm chính yếu: Gốm Cây Mai ở Đề Ngạn/Sài Gòn xưa, gốm Sài Gòn ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, gốm Lái Thiêu ở Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) và gốm Biên Hòa do trường Mỹ nghệ Biên Hòa tạo tác.
Trong đó gốm Lái Thiêu là dòng gốm gia dụng với nhiều sản phẩm và chủng loại đã đáp ứng cho phần lớn nhu cầu thiết thực của đông đảo công chúng, không chỉ ở Nam Bộ mà còn cả Trung Bộ và Campuchia.
Gốm Lái Thiêu là tên gọi chung các sản phẩm gốm khác nhau được sản xuất từ khu vực Tân Khánh, Bà Lụa, Hưng Định và Lái Thiêu. Sở dĩ chúng được gọi chung là gốm Lái Thiêu bởi phần lớn sản phẩm từ bốn làng nghề nói trên đều được chuyên chở về bán ở Lái Thiêu, đầu mối giao thương thuận lợi cả thủy bộ và tàu hỏa.
Từ những cứ liệu như địa bạ, gia phả, các di tích lịch sử, tài liệu Hán Nôm, văn học dân gian kết hợp kiến thức về địa lý, các tác giả sách không chỉ giúp người đọc hình dung rõ vùng Lái Thiêu - Thủ Dầu Một từ khi hình thành cho đến nay, mà còn phân tích những lợi thế cho sự phát triển lâu dài của vùng đất này.
Các tác giả cũng khai thác triệt để các tư liệu cũ, nhất là tiếng Pháp, phân tích những số liệu thống kê, tư liệu khảo sát để tìm hiểu truyền thống nghề gốm sứ ở Lái Thiêu - tồn tại hơn 150 năm và phát triển mạnh mẽ về số lượng cơ sở sản xuất, chủng loại sản phẩm và kỹ thuật chế tác…
Dĩa, hũ có nắp, bình xách nước, thố, ống đũa. Hình cắt ra từ sách Gốm Lái Thiêu. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. |
Về kỹ thuật làm gốm và quy trình sản xuất Lái Thiêu, theo nhóm tác giả cơ bản vẫn là các đặc trưng của việc tạo tác sản phẩm gốm: Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí.
Cụ thể là tìm hiểu về nguyên liệu, phối liệu; hai là kỹ thuật lò nung; ba là kỹ thuật tạo hình các chủng loại sản phẩm; và bốn là nghệ thuật trang trí, giá trị mỹ thuật của chúng.
Các tác giả sách cũng chỉ ra từng loại sản phẩm và các trường phái của gốm Lái Thiêu với ba dòng chính: Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu - gọi theo thông tục là gốm Quảng, gốm Phước Kiến và gốm Tiều. Ngoài ra còn có gốm Chú Tía Bà Lụa, gốm Đào Xương, gốm Vinh Phát...
Dòng gốm Quảng Đông với các loại gốm gia dụng “bỏ bạch” (gốm trắng mỏng) như nồi, tay cầm, siêu, ấm, hũ; loại gốm tráng men lưu ly, loại gốm trang trí và tượng thờ. Những sản phẩm này sau làm bằng đất sét trắng luyện kỹ, dùng khuôn in và nung chín. Lò gốm Thái Xương Hòa ở Tân Phước Khánh là lò xưa nổi tiếng của dòng gốm này.
Ngõa tích trang trí (quần thể gốm đề tài Long - Lân - Quy - Phụng, bộ tam không, tượng sư tử gốm men màu, tượng ông Địa, tượng ông Hổ. Ảnh từ sách Gốm Lái Thiêu. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. |
Dòng gốm Phước Kiến chuyên sản xuất loại hàng gia dụng đựng chứa… Gốm Phúc kiến tạo hình bằng bàn xoay sau dùng khuôn lắp ráp, chạm khắc, tráng men màu nâu… Lò gốm xưa nổi tiếng là lò Vương Lương ở Bà Lụa.
Dòng gốm Triều Châu xưa chủ yếu dùng kỹ thuật bàn xoay, ít dùng khuôn. Sản phẩm bằng đất sét trắng, tráng men trắng đục. Những mặt hàng của gốm Triều Châu thường là gia dụng, gốm thờ, đồ án trang trí.
Gốm Triều Châu có niên đại khoảng thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và tồn tại đến những năm 1936 - 1937. Lò gốm xưa nổi tiếng là lò Phước Hiệp Hưng của Vương Gia và Vương Lương.
Cũng trong cuốn sách, các tác giả cho biết đặc điểm mỹ thuật của gốm Lái Thiêu mang tính thực dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng trên từng chủng loại, kích cỡ, hình dáng, màu sắc của sản phẩm.
Ở từng dòng gốm, kỹ thuật trang trí cũng có những nét khác biệt đáng chú ý. Ví dụ Gốm Quảng Đông thường dùng men tam thái (ba màu lam, lục, đỏ), ngũ thái (năm màu lam, lục, đỏ, vàng, tím) trên nền men trắng đục…
Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu hình ảnh những bộ sưu tập gốm Lái Thiêu tiêu biểu, trong đó có các di vật gia truyền của các nghệ nhân tiên phong.