Tập sách ảnh Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa là kết quả cộng tác giữa nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc và hai cộng sự Lưu Kim Chung & Nguyễn Đức Huy. So với cuốn Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa xuất bản lần đầu năm 1994, tập sách tái bản lần này được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hơn. Sách không chỉ tái hiện dòng gốm Cây Mai đã thất truyền (không được sản xuất từ đầu thế kỷ 20), mà còn đưa người đọc khám phá tận tường dòng gốm này qua tư liệu lịch sử; hay những dấu tích còn sót lại. Đặc biệt, tập sách còn chỉ ra đặc điểm nhận dạng, các loại sản phẩm của dòng gốm trên cùng các dòng gốm hậu Cây Mai sau này. |
Cứ liệu cổ xưa nhất nói về xóm Lò Gốm là địa danh được nhắc đến trong sách Gia Định Thành thông chí đã xác định sự hiện hữu của nghề làm gốm ở xứ Đề Ngạn / Sài Gòn xưa. Theo Trương Vĩnh Ký và thực tế được ghi trên bản đồ Gia Định - Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815, xóm Lò Gốm, nơi có thương hiệu gốm Cây Mai, nằm ở phía ngoài bến Bình Đông hai bên kinh Ruột Ngựa, gồm làng Hòa Lục (quận 8) và Phú Định (quận 6), tức là trải dài theo rạch Lò Gốm - bến Lò Gốm đến tận Phú Lâm (quận 6 ngày nay). Năm 1898, vùng Chợ Lớn có hơn mười lò gốm Cây Mai. |
Trong hơn 200 năm tồn tại, từ gạch, ngói, lu, hũ, đôn, chậu… của xóm Lò Gốm “Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời” đến những sản phẩm sành men màu “Đề Ngạn / Mai khư”, các lò gốm ở vùng đất Sài Gòn xưa (tức Chợ Lớn sau này) đã tạo nên được danh mục sản phẩm gốm đa dạng. Đầu tiên là sản phẩm gốm gia dụng. Sản phẩm này đặc biệt phong phú, không chỉ đáp ứng ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình, mà còn hữu dụng trong đời sống văn hóa tinh thần của một số dân tộc khác nhau. Các chủng loại thường thấy như siêu, nồi, tay cầm, hũ, khạp… |
Tiếp theo là gốm xây dựng, sản phẩm không thể thiếu được trong trang trí nội ngoại thất. Thông dụng có các loại như gạch tráng men, trụ lan can nhiều kiểu dáng, ngói âm dương và ô thông gió… |
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, gốm gia dụng Cây Mai còn có những sản phẩm đạt tính mỹ thuật cao, mang công dụng là vật bài trí, chẳng hạn như bình đựng nước có vòi, chóe, bình hoa, đôn, chậu cảnh các loại… Những vật dụng này góp phần tạo nên sự hòa nhã, sang trọng cho mỗi gia đình. |
Gốm thờ tự được chú trọng về kiểu dáng cho phù hợp các hình thức lễ nghi tín ngưỡng. Các sản phẩm gốm Cây Mai thuộc chủng loại này thường thấy như chân đèn chim phụng, chân đèn hình sư tử, bộ tam sự, bộ ngũ sự, lư nhang, các loại hoa, trái… |
Bên cạnh những vật dụng đáp ứng cho các nghi thức tín ngưỡng, gốm Cây Mai còn một số lượng lớn tượng thờ. Tượng thờ tại gia có kích thước nhỏ như tượng ông Địa, Phúc Đức chánh thần, Quan âm Bồ tát, Quan thánh Đế quân, Thiên hậu Thánh mẫu… Tượng ở các cơ sở tín ngưỡng có nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó có tượng trên 1 m như ông Tiêu, Bồ Đề Đạt ma, Địa Tạng vương Bồ tát… |
Ngoài tượng thờ, gốm Cây Mai còn có một lượng lớn nhóm sản phẩm tượng trang trí chuyên dùng cho các công trình tín ngưỡng, các dinh thự, biệt phủ. Điển hình có thể kể đến như tượng ông Nhật, bà Nguyệt, cặp tượng Hòa - Hợp nhị tiên… |
Ngõa tích trang trí, tức những lò sản xuất sàn phẩm có hoa văn và điêu khắc tượng người để trang trí ở sườn mái bờ nóc, đền miếu và dựng biển tên lò chế tác đặt ở phía bên phải. Quần thể tượng người trang trí trên bờ nóc gọi là “chính tích” và cà hai gọi chung là “quần thể tiểu tượng” - tức quần thể những tượng nhỏ trang trí trên nóc mái. |
Tập sách cũng giới thiệu những dòng gốm hậu Cây Mai. Các dòng gồm hình thành sau này khi quá trình đô thị hóa ở vùng Chợ Lớn phát triển (thiếu nguyên liệu và bất tiện hơn), khiến các nghệ nhân hàng đầu phải dịch chuyển về làng nghề Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức, Lái Thiêu… |