Nếu phải trao danh hiệu hạng nhất cho người Đức về một lĩnh vực, ngoài ngành kỹ thuật và tính khiêm tốn, ắt hẳn đó phải là nörgeln.
Nörgeln là từ chỉ hành động cằn nhằn liên tục, một thói quen gần như là “căn bệnh” của người Đức, Politico miêu tả.
Theo Politico, không có khoảng thời gian nào tuyệt vời hơn để nörgeln như Giáng sinh, đặc biệt là giữa lúc lệnh phong tỏa được áp đặt trong năm nay. Người Đức đã phát chán cách quốc gia mình chống Covid-19. Họ đang đổ lỗi cho mọi người, từ các chính trị gia đến giới truyền thông, vì đã khiến kỳ nghỉ lễ “bị hủy hoại”.
Người Đức đang tức giận vì phải hủy bỏ kế hoạch Giáng sinh trong lúc phong tỏa. Ảnh: Sven Simon. |
"Thất bại mùa đông"
Trong nhiều tháng, nước Đức “đắm mình” trong lời khen nhờ chống dịch tốt. Song, vào tháng 11, tỷ lệ lây nhiễm ở Đức tăng vọt, khiến người dân nước này rơi vào sự giận dữ (angst) như trong chủ nghĩa hiện sinh của triết gia Nietzsche.
Trang bìa của tờ Der Spiegel vào 2 tuần trước. Ảnh: Der Spiegel. |
“Thất bại mùa đông” là kết luận về cách Đức chống dịch của tờ Der Spiegel trên trang bìa vào 2 tuần trước. Trang bìa này cũng có một biểu đồ minh họa cho tỷ lệ tử vong đang tăng lên ở đây.
Nhưng liệu Đức có thật sự thất bại?
Tính đến ngày 22/12, 27.000 người đã tử vong vì Covid-19 ở Đức. Hơn một nửa trong số những nạn nhân này được ghi nhận trong vòng một tháng qua. Đây là tổn thất lớn, vì với trung bình 32,5 người chết trên 100.000 dân, Đức vẫn có số ca tử vong ít hơn so với Tây Ban Nha, Italy hay Anh.
Ở mặt khác, kinh tế Đức đã tăng trưởng ấn tượng trong những tháng gần đây. GDP của Đức trong quý III tăng 8,5% so với quý II, vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế. Điều này là nhờ vào nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Đức ở châu Á tăng. Vào tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp của Đức cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 4. Đây là dấu hiệu đầy hy vọng cho nền kinh tế.
Politico nhận định nếu chính phủ Đức buộc phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 10, tăng trưởng kinh tế trong quý IV có thể sẽ là thảm họa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp. Ngày 18/12, Đức ghi nhận gần 34.000 ca mắc Covid-19, một kỷ lục mới. Mặc dù Đức bắt đầu thắt chặt những biện pháp hạn chế vào ngày 16/12, các chuyên gia dự đoán cuộc khủng hoảng này sẽ tồi tệ hơn trong tương lai gần.
Lệnh phong tỏa này được áp đặt giữa cao điểm mùa mua sắm Giáng sinh. Vì vậy, các nhà bán lẻ và chủ cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, dù được chính phủ hỗ trợ.
Các biện pháp hạn chế hiện tại sẽ được dỡ bỏ vào ngày 10/1/2021, hoặc có thể lâu hơn.
Lỗi của ai?
Phần lớn lời chỉ trích của người dân và trên truyền thông nhắm vào cách chính phủ Đức chống dịch trong 2 tháng qua. Sau khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng lên vào tháng 10, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã cố gắng thuyết phục 16 bang thực hiện phong tỏa một phần.
Theo đó, các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và câu lạc bộ thể thao buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, trường học, cửa hàng và tiệm làm tóc vẫn được phép hoạt động.
Chính phủ Đức hy vọng phong tỏa nhẹ nhàng trong một tháng sẽ giúp tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống mức đủ để mở cửa trở lại hoàn toàn vào Giáng sinh.
Lúc đó, bà Merkel tuyên bố mục tiêu của Đức là quay lại trạng thái “bình thường” vào tháng 12.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các thống đốc áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn vào tháng 12. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều tuần sau, tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng cao, khiến Đức không thể nào hạn chế dịch bằng cách truy vết người bệnh.
Vào tháng 3, khi Đức phong tỏa nghiêm ngặt, người Đức giảm các hoạt động đi lại đến 40%. Trong khi đó, con số này chỉ là 10% trong đợt phong tỏa một phần vào tháng 11.
Khi những dấu hiệu đầu tiên về làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện ở Đức vào tháng 9, bà Merkel đã hối thúc các lãnh đạo địa phương đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn. Thủ tướng Đức cũng cảnh báo số ca nhiễm sẽ tăng lên “19.200” trường hợp mỗi ngày trước Giáng sinh nếu họ không hành động.
Các thống đốc không nghe theo thủ tướng vì lo sợ thắt chặt lệnh phong tỏa sẽ gây ra làn sóng phản đối. Để rồi giờ đây, khi các số liệu vượt quá tầm kiểm soát, họ cũng buộc phải đóng cửa nền kinh tế.
Tuy vậy, lệnh phong tỏa một phần cũng có những tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của người Đức. Chỉ 44% dân Đức nói đại dịch gây ra tâm lý tiêu cực với họ, theo nghiên cứu YouGov công bố vào tuần trước. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong 16 quốc gia trong khảo sát.
Nhưng với những sự nörgeln gần đây, người Đức sẽ cần tinh thần tích cực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.