Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tái cơ cấu nông nghiệp: 2 năm chưa xong nổi đề án

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt hơn 2 năm nay nhưng nhiều địa phương hiện vẫn loay hoay.

Trong 2 năm qua, kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên gần 64% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát thừa nhận, kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Đặc biệt việc thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, các vướng mắc quan trọng là thu hút mạnh lao động ra khỏi nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp, việc quản lý lưu thông vật tư nông nghiệp… vẫn còn tồn tại.

Vẫn còn hơn 16 tỉnh/thành lúng túng trong vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp.  Ảnh: Báo Đầu Tư.
Vẫn còn hơn 16 tỉnh/thành chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Báo Đầu Tư.

Theo ông Phát, nguyên nhân là sự chuyển biến trong nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng. Nhiều địa phương, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. “Đặc biệt, đến nay cả nước còn 16 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình. Một số địa phương tuy đã phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động nhưng chưa triển khai trên thực tiễn”, Bộ trưởng nói. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bên cạnh một số địa phương, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp cũng vẫn rất thờ ơ với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Thời gian tới, Bộ NN&PTNT phải đưa ra các giải pháp thiết thực hơn để triển khai tái cơ cấu cho đồng bộ. Đặc biệt, 16 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp phải hoàn thành từ nay tới cuối năm”.

Ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trước đây, Việt Nam sản xuất nông nghiệp theo tư duy chiều xuôi – từ “A đến Z”, tức là sản xuất hàng hóa rồi bán ra thị trường. Nay, cần làm từ “Z đến A”, tức là tìm hiểu nhu cầu của thị trường rồi mới sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu đó. “Ban chỉ đạo tái cơ cấu của từng địa phương cần có những cuộc họp riêng liên kết với DN, trên cơ sở Đề án được phê duyệt để thúc đẩy kêu gọi DN tham gia vào tái cơ cấu. Cơ quan chức năng đứng ở vai trò là chủ, giới thiệu sản phẩm và các ưu đãi thu hút DN”, ông bày tỏ. 

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tập trung tháo gỡ để thực hiện quyết liệt hai giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn vốn đầu tư.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính rà soát đề xuất điều chỉnh tổng thể về chính sách Thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông, lâm, thủy sản theo hướng điều chỉnh giảm mức thuế xuống 0%. Rà soát điều chỉnh tổng thể về cơ chế, chính sách thực thiện thuế Thu nhập DN ưu đãi hơn cho DN chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn.

“Đối với Bộ Công Thương, đề nghị đặt ra là rà soát, đề xuất chính sách thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, mở rộng thị trường, đồng thời xem xét việc hỗ trợ DN trong lĩnh vực chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản”, Bộ trưởng nói. 

Cay đắng vì trồng ớt cho doanh nghiệp

Vụ trồng ớt theo đề án chuyển đổi giống cây trồng tại tỉnh Hà Tĩnh đã thất bại ngay đầu tiên khi thí điểm tại xã Phương Mỹ.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm