“Anh chưa đến Côn Đảo bao giờ
Thế mà ở đây hỏi anh ai cũng biết…
Phùng Quán ơi, thế là anh mãi sống
Với Côn Lôn với những tử tù
Với chị Sáu
Và con thuyền vượt biển…”
Bài thơ Gặp Phùng Quán ở Côn Đảo của nhà thơ Ngô Minh, được viết trong chuyến thăm Côn Đảo chắc hẳn khiến người đọc phải ngỡ ngàng: Phùng Quán chưa một lần đến Côn Đảo. Dù rằng, Vượt Côn Đảo là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Phùng Quán, đến nay đã tròn 70 năm, cùng bản trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (1955).
Phùng Quán (1932 - 1995) là một trong những nhà văn chiến sĩ được nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam yêu mến. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
Những năm tháng trong quân ngũ, ông một lòng tha thiết hướng về Tổ quốc, Nhân dân bằng tình yêu thương và khí chất ngời sáng của người lính trẻ tuổi đôi mươi. Chính lý tưởng và những xúc cảm trước thời cuộc đã tạo nên một “khúc quanh đột ngột” trong cuộc đời Phùng Quán: ông trở thành nhà văn với tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo.
Trong di cảo Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào (NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, NXB Văn hóa - Văn nghệ tái bản năm 2018), bằng giọng kể hóm hỉnh, ông chia sẻ nhiều chi tiết thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ của số phận đã đưa Phùng Quán từ một người cầm súng trở thành một người cầm bút.
Năm 1954, đất nước tạm chia cắt sau Hiệp định Genève, Phùng Quán có mặt trong buổi trao đổi tù binh giữa hai bên ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), những câu chuyện về sự bất khuất kiên cường của những con người nhỏ bé mà lớn lao nơi địa ngục trần gian đã thôi thúc ông viết. Và những trang bản thảo đầu tiên của Vượt Côn Đảo được một nữ sinh tuổi trăng tròn vừa đọc vừa giúp sửa lỗi chính tả, bằng quan tâm trong trẻo và xúc cảm chân thật: “em đã khóc” khi đọc các trang viết đó…
Côn Đảo, qua văn chương tài hoa của Phùng Quán đã trở thành bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nguồn động viên tinh thần của cả một thế hệ người Việt Nam hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo được nhiều bạn đọc hoan nghênh đón nhận, đặc biệt là những người lính trong quân ngũ và ngay sau đó, năm 1955, tác phẩm đã nhận giải thưởng từ Hội Văn nghệ Việt Nam.
Sau 70 năm kể từ lần in đầu tiên đến nay, đất nước trải qua nhiều thời đoạn lịch sử, sách được tái bản nhiều lần và vẫn được các thế hệ bạn đọc quan tâm, tìm đọc. Năm 2007, với bộ ba tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, Phùng Quán đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Phùng Quán chưa từng đặt chân đến Côn Đảo nhưng Côn Đảo đã là một phần tâm hồn của đời văn Phùng Quán - một tài năng độc đáo, một nhân cách ngay thẳng, một số phận bi tráng. Một con người luôn khát khao “được hát hết mình cho đất nước thành thơ” như ông đã tỏ nỗi lòng trong thi phẩm Tạ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
Chưa đầy 30 tuổi, Đặng Văn Việt là trung tá, chỉ huy một trong các trung đoàn đầu tiên của quân đội, biến đường 4 thành ác mộng với thực dân Pháp. Họ gọi ông là Hùm xám đường số 4.
Nhà nghiên cứu 104 tuổi chia sẻ bí quyết giữ đầu óc minh mẫn
Với kinh nghiệm sống qua hai thế kỷ, nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư đã đúc kết nhiều bài học đáng chú ý trong tự truyện của mình.
Sách khoa học cho thiếu nhi: Cách làm mới kích thích khám phá
Bên cạnh mảng sách văn học, kỹ năng sống, hiện sách khoa học dành cho thiếu nhi đang được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng thực hiện.