Minh Mẫn (tên thật Nguyễn Huyền Trang) tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), là tác giả quen thuộc trên mạng xã hội. Cô đã từng đạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp viết Văn như top 30 truyện ngắn hay nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi Viết Yume năm 2010; tác phẩm truyện ngắn xuất sắc năm 2011 của báo Văn nghệ Thái Nguyên; giải nhất cuộc thi viết về đề tài nông thôn trên báo Văn nghệ Thái Nguyên.
Trước đây, Minh Mẫn đã xuất bản cuốn Thành phố không mặt người (Viết chung) và tuyển tập riêng Người đi bán nắng. Tác phẩm gồm nhiều câu chuyện nhỏ, là những mảnh ký ức rời rạc được tác giả gom góp lại. Người đọc có thể cảm nhận được nỗi đau âm ỉ trong mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật. Ngày mai, đúng dịp Valentine, cô sẽ ra mắt tác phẩm Trái đất tròn - Lòng người góc cạnh.
Cô gái trẻ này đã có những chia sẻ thú vị về văn chương:
- Minh Mẫn có bí quyết để những cuốn sách Minh Mẫn đến gần được với độc giả?
- Những cuốn sách đầu tiên trong sự nghiệp viết, tôi chọn viết cho lứa tuổi cận trưởng thành. Đây là lứa tuổi còn mộng mơ và ao ước nhiều điều về một khoảng trời bình yên, nhưng đã bắt đầu xuất hiện những lắng lo, trầm tĩnh, chiêm nghiệm về những việc xảy ra trong cuộc sống. Tâm hồn họ như một ngăn kéo bí ẩn chứa đầy đủ những cảm xúc vẹn nguyên của tuổi mới lớn, vừa ngây ngốc vụng dại, vừa điềm tĩnh thông minh, nửa e ngại lại nửa mạnh mẽ thể hiện bản thân mình.
Những câu chuyện tôi viết vì lẽ đó mà rất dễ đồng cảm và sẻ chia. Chúng khắc họa những tháng năm tuổi trẻ, về những mối tình đã qua, những nhớ thương xa vời mãi mãi, những lần gặp gỡ mang bao kỷ niệm, bao dấu ấn của cuộc đời.
Tác giả Minh Mẫn. |
- Minh Mẫn có thể chia sẻ thêm về cuốn sách sắp được xuất bản trong ngày 14/2?
- Trái đất tròn, lòng người góc cạnh là câu chuyện viết về những mảnh hồi ức của hai linh hồn xa lạ đi lạc và vô tình gặp nhau trong thế giới của quá khứ.
Bạn sẽ gặp lại trong tác phẩm này một chút nhẹ nhàng tinh tế xen chút ma mị. Một cuốn sách cho những trái tim đang cần tìm chút niềm tin về yêu thương và duyên phận.
- Tác giả liệu có thể viết ra hầu hết các vấn đề của mình. Khi viết sách, cảm xúc có phải là chất liệu cơ bản của bạn?
- Viết văn chứ không phải nhật ký hay blog. Người bình thường cũng khó lòng nói hay viết ra được hết những vấn đề của mình. Và nếu viết hết ra như vậy thì nó là nhật kí. Nhật kí không giúp người ta được xưng là tác giả, là nhà văn.
Còn cảm xúc thì nó là xúc tác, là căn nguyên, chứ không phải là chất liệu cơ bản duy nhất. Không có chất liệu nào cơ bản hơn chất liệu nào. Khi viết, ngoài cảm xúc, cần rất nhiều những thứ khác với liều lượng lớn hơn.
- Nếu bây giờ có người nói với bạn rằng một người thợ sửa ống nước còn có ích hơn hơn một nhà văn, bạn nghĩ sao?
- Các nhà thơ không phải lần đầu được ứng xử như vậy mà từ thời cổ đại, Plato đã muốn trao cho nhà thơ (danh xưng nhà thơ trong thời đó ở Hy Lạp dùng để chỉ chung cho cả nhà văn, nhà viết kịch...) vòng nguyệt quế và đuổi họ ra khỏi thành bang - nhà nước lý tưởng của ông.
Nhưng ngần ấy năm, con người vẫn không ngừng viết, và vẫn không ngừng tạo ra các giá trị văn chương và người ta vẫn luôn tôn vinh các nhà văn. Việc đặt ra câu hỏi về ích lợi của nhà văn và người thợ sửa ống nước thực ra thì cần phải sòng phẳng, ích lợi đó là xét từ phương diện nào, từ hệ giá trị nào.
Ảnh bìa cuốn sách. |
- Hình như những tác động ngoại cảnh khó có thể suy chuyển những ý nghĩ của bạn. Thực lòng mà nói, điều gì thu hút và chi phối bạn hơn: Đòi hỏi của bản thân hay đòi hỏi của người đọc?
- Đòi hỏi của bản thân. Nó như một như cầu tất yếu, tôi chỉ cảm nhận được rằng tôi đang đói, và tôi ăn. Làm sao tôi biết được người khác có đói hay không?
Một tác giả đặt bút viết trước hết theo đòi hỏi của bản thân. Nhưng biên tập viên và yêu cầu về doanh thu của nhà xuất bản thì phải bị chi phối bởi đòi hỏi của người đọc. Một tác phẩm chất lượng có doanh thu tốt cần tổng hòa được cả hai yếu tố đó.
- Tôi nhớ có tác giả đã nói rằng việc phỏng vấn nhà văn là sự giễu cợt nghiệp viết, rằng bao giờ nhà văn cũng là người cuối cùng cần hỏi. Vậy mà tôi đã đòi hỏi bạn nói rất nhiều…
- Không sao, tôi thích được giễu cợt. Vì điều đó làm mặt tôi dày hơn. Nhà văn muốn thể hiện mình qua trang viết, không phải qua trả lời phỏng vấn. Nhưng thỉnh thoảng được nói cũng tốt.