Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tác giả đầu tiên được lưu danh trong lịch sử là phụ nữ

Nữ tư tế Enheduanna được biết đến là tác giả đầu tiên lưu lại tên mình trong các tác phẩm từ khoảng 4.300 năm trước.

nu tac gia dau tien anh 1

Hình tượng công chúa - nữ tư tế Enheduanna trong bộ phim Os Imortais

Khi nhắc đến những tác giả đầu tiên của lịch sử, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nhà thơ Homer với hai sử thi bất hủ OdysseyIliad, hay sử gia Herodotus - cha đẻ của ngành sử học với tác phẩm Historiai. Tuy nhiên, có một cái tên đã gây ra nhiều tranh cãi khi được đưa ra, đó là nữ tư tế Enheduanna sống vào năm 2300 TCN. Nói cách khác, bà có thể là tác giả đầu tiên trong lịch sử, trước Homer 1.500 năm, 1.800 năm trước Herodotus và 2.000 năm trước Aristotle.

Người đầu tiên lưu tên mình trong các tác phẩm

Khoảng 4300 năm trước, tại vùng Lưỡng Hà cổ đại, một nhà điêu khắc đã khắc lên một chiếc đĩa đá vôi trắng hình ảnh một người phụ nữ đang chủ trì nghi lễ trong đền thờ. Bà khoác một chiếc áo choàng dài và một chiếc mũ đội đầu. Có hai người hầu nam phía sau bà, một người phía trước đang rót rượu trên bàn thờ. Ở mặt sau của đĩa, một dòng chữ cho biết bà là Enheduanna - một nữ tư tế và là con gái của vua Sargon.

Vua Sargon đã hợp nhất các thành bang của Lưỡng Hà cổ đại để tạo ra đế chế Akkad, được xem là đế chế đầu tiên trong lịch sử. Lãnh thổ của ông trải dài từ Vịnh Ba Tư đến Biển Địa Trung Hải, bao gồm Kuwait, Iraq, Jordan và Syria ngày nay, bao gồm hơn 65 thành phố, mỗi thành phố đều có truyền thống tôn giáo, hệ thống hành chính và bản sắc địa phương riêng.

Mặc dù Sargon cai trị từ Akkad ở phía bắc, ông đã bổ nhiệm con gái mình làm nữ tư tế tối cao tại đền thờ thần Mặt trăng ở thành phố Ur phía nam. Bề ngoài công việc này mang tính tôn giáo, nhưng trên thực tế nó cũng mang tính chính trị giúp thống nhất đế chế.

Sau khi vua Sargon qua đời, vương quốc chìm trong các cuộc nổi loạn. Trong một bài ca của mình, Enheduanna mô tả một kẻ soán ngôi đã chiếm lấy đền thờ, lạm dụng bà, đuổi bà ra khỏi đền thờ và đưa cho bà một con dao găm để tự sát. May mắn thay, Enheduanna được cứu bởi nữ thần Inanna sau khi bà dâng lên bài ca ngợi nữ thần, được lưu truyền với cái tên “The Exaltation of Inanna” (tạm dịch: Tôn vinh Inanna). Trong bài ca này, Enheduanna cũng đã lưu lại tên mình trong tư cách là người ca ngợi nữ thần Inanna.

Sau này, cháu trai của bà dẹp yên cuộc nổi dậy và Enheduanna được phục chức, trở về với đền thờ của mình. Enheduanna đã có nhiều sáng tác bằng tiếng Summer, trong đó chủ yếu thể hiện lòng sùng kính đối với nữ thần Inanna, nữ thần của chiến tranh, tình yêu và sinh sản.

nu tac gia dau tien anh 2

Ba khối đất sét với chữ viết hình nêm ghi lại bài ca The Exaltation of Inanna được cho là bản sao từ tác phẩm của Enheduanna, có niên đại vào khoảng năm 1750 TCN. Ảnh: Thư viện và Bảo tàng Morgan.

Một phiến đất sét lưu giữ những lời của một bài thơ tự sự dài: “Tôi có vị trí của mình trong ngôi nhà tôn nghiêm. Tôi là nữ tư tế tối cao, tôi, Enheduanna”. Có thể Enheduanna không phải là người đầu tiên viết nên những bài thánh ca, nhưng bà là người đầu tiên đã để lại tên tuổi của mình qua những dòng mang tính tự sự.

Ở Sumer, nền văn minh phía nam Lưỡng Hà cổ đại, nơi bắt nguồn chữ viết, hầu hết văn bản đều không đề tên tác giả. Vì vậy, nếu thật sự có một nữ tư tế tối cao Enheduanna đã viết những lời đó, nó cũng đánh dấu sự khởi đầu của quyền tác giả, sự khởi đầu của thuật hùng biện, thậm chí là sự khởi đầu của lối văn tự truyện.

Trên tờ The New Yorker, Zainab Bahrani - giáo sư khảo cổ học và nghệ thuật Cận Đông cổ đại tại Đại học Columbia nói: “Sẽ hoàn toàn hợp lý khi một phụ nữ ưu tú là nhà thơ đầu tiên. Bà có một cuộc sống thoải mái, không gian để đọc và suy nghĩ, một nơi để viết. Bà không phải làm việc trên cánh đồng hay tham gia chiến tranh. Tại sao bà không thể viết?”

Bahrani cũng so sánh thơ của Enheduanna với những lễ vật thời bấy giờ -những bức tượng, tác phẩm điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác mà phụ nữ dâng lên đền thờ có khắc tên của họ. Có thể truyền thống này đã truyền cảm hứng cho Enheduanna ghi lại tên mình trong các tác phẩm.

Hành trình khám phá tên tuổi của Enheduanna

Theo The New Yorker, tên tuổi của Enheduanna còn được gắn với một tuyển tập gồm bốn mươi hai bài thơ tôn giáo là những bài thánh ca gửi đến các ngôi đền ở nhiều thành bang khác nhau. Theo các học giả William Hallo và J.J.A. van Dijk của Đại học Yale, những bài thánh ca này đã tạo nên “phần chính yếu của thần học Lưỡng Hà”, hợp nhất nhiều giáo phái và vị thần của khu vực.

Tuy nhiên, vai trò của Enheduanna trong suốt một thời gian dài vẫn còn gây tranh cãi.

Thành phố Ur lần đầu tiên được khai quật vào những năm 1850. Nhưng phải đến năm 1927, một nhà khảo cổ học người Anh là Leonard Woolley mới phát hiện ra tàn tích ngôi đền của Enheduanna. Bên trong, họ tìm thấy những mảnh vỡ của một chiếc đĩa đá - chiếc đĩa mô tả Enheduanna và ba đồ vật khác ghi tên nữ tư tế: những con dấu hình trụ thuộc về những người hầu của bà.

Ở những nơi khác trong ngôi đền là những tấm đất sét được viết bằng chữ hình nêm. Đây là bằng chứng cho thấy nữ tu sĩ đã mở một ngôi trường tại đền thờ của bà. Nhưng Woolley dường như không quan tâm đến nữ tư tế, coi bà như một phần phụ không quan trọng của người cha nổi tiếng của mình. Cuốn sách của ông thậm chí không gọi tên Enheduanna, chỉ đề cập đến người con gái của Sargon.

Trong những năm sau đó, các nhà khảo cổ học và những kẻ khai quật trộm đã đào được những tấm bia khác có khắc tên Enheduanna. Nhưng chúng không được ghi chép hay dịch lại cho đến năm 1968, bản dịch đầu tiên bài viết của bà từ tiếng Sumer sang tiếng Anh được xuất bản.

Hallo và van Dijk đã viết trong phần giới thiệu bản dịch: “Giờ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy một trong những tập thơ đầu tiên, không chỉ tiết lộ tên tác giả mà còn mô tả tác giả theo kiểu tự truyện thực sự. Trong con người của Enheduanna, chúng ta phải đối mặt với một người phụ nữ đồng thời là công chúa, nữ tư tế và nữ thi sĩ”.

nu tac gia dau tien anh 3

Triển lãm "She Who Wrote" tại Thư viện và Bảo tàng Morgan trưng bày những vết tích về Enheduanna và các phụ nữ cùng thời khác. Ảnh: Lila Barth/The New York Times.

Triển lãm tôn vinh những người phụ nữ

“She Who Wrote: Enheduanna and Women of Mesopotamia, ca. 3400-2000 BC” là triển lãm đầu tiên tập hợp các vết tích của Enheduanna và giới thiệu đến công chúng sau một thời gian dài kể từ khi được phát hiện. Triển lãm cũng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khác mô tả lại những thay đổi trong cuộc sống của phụ nữ ở Lưỡng Hà cổ đại vào cuối thiên niên kỷ 4 và 3 TCN. Triển lãm bao gồm các đại diện của những người phụ nữ khác từ các thành phố Lưỡng Hà cổ nhất, mang đến cái nhìn sâu sắc về một khía cạnh bị bỏ qua của một xã hội gia trưởng cổ đại: nữ quyền.

Bên cạnh đó nhiều học giả khác nghi ngờ sự tồn tại của Enheduanna với lý do rằng các tác phẩm của bà chủ yếu là từ các bản sao của học trò của sao chép lại, bản cũ nhất có niên đại 500 năm sau khi bà qua đời; và không có bản sao nào từ thời của bà còn tồn tại cho tới nay.

Theo nhiều cách, cuộc tranh luận đã trở thành chiến trường cho các khuôn mẫu lý thuyết. Vào những năm 1970, khi làn sóng thứ hai chủ nghĩa nữ quyền đang bùng nổ, đã có một nỗ lực nhằm khẳng định quyền tác giả của Enheduanna; một phong trào tương tự đã xảy ra vào những năm chín mươi. Erhan Tamur, đồng giám tuyển triển lãm Morgan, nói với The New Yorker rằng những nghi ngờ về thành tích của Enheduanna bắt nguồn từ “bản chất gia trưởng của học thuật hiện đại”. Trong khi đó, tư duy hậu hiện đại khuyến khích chủ nghĩa hoài nghi.

Trong phần mô tả triển lãm, phía Thư viện và Bảo tàng Morgan cho biết: “Những tác phẩm này là minh chứng cho vai trò của phụ nữ trong bối cảnh tôn giáo với tư cách là nữ thần, nữ tư tế và người thờ cúng, cũng như trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị với tư cách là người mẹ, người lao động và người cai trị”.

Trong số đó, nổi bật lên hình ảnh nữ tư tế và nhà thơ Enheduanna - người phụ nữ đặc biệt nắm giữ quyền lực tôn giáo lẫn chính trị. “Tập hợp một bộ sưu tập ngoạn mục các văn bản và hình ảnh của bà, triển lãm nhằm tôn vinh thơ ca vượt thời gian và di sản lâu dài của bà với tư cách là một tác giả, nữ tư tế và phụ nữ” - ghi chú từ Thư viện và Bảo tàng Morgan.

Babcock - người giám sát triển lãm cho biết: “Đã đến lúc xem xét kỹ hơn tính nghệ thuật phi thường của những người thường bị bỏ qua này, cũng như cách chúng phản ánh sự đóng góp của phụ nữ vào buổi đầu của lịch sử”. Triển lãm “She Who Wrote” sẽ diễn ra tại Thư viện và Bảo tàng Morgan đến ngày 16/2/2023.

Sức sống của tác phẩm hơn 2.000 năm

Phó giáo sư Lê Đình Chi cho rằng những điều mà Herodotus viết trong tác phẩm “Lịch sử” vẫn còn nguyên giá trị, sức hấp dẫn với bạn đọc hôm nay.

Sự phát triển của xã hội loài người qua những cuốn sách

“Sapiens - Lược sử loài người”, “Lịch sử”, “Súng, vi trùng và thép” là những tác phẩm giúp hiểu hơn về xã hội loài người.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm