Sau khi tốt nghiệp Đại học Philippines ở Diliman, ông Yeb Sano tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ về Triết học và Phát triển cộng đồng, chuyên sâu về quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu. Ông cũng theo học Đại học Lãnh đạo Bảo tồn ở Hà Lan và Đại học Washington.
Ông từng là đồng tác giả của một bài báo từng gây được nhiều tiếng vang: "Những cơn bão hoàn hảo: Philippines có thể làm gì để ứng phó biến đổi khí hậu".
Trước khi là một đại biểu tổ chức phi chính phủ Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1997, ông Sano từng nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới môi trường và khí hậu.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, ông luôn kiên định đấu tranh vì môi trường. Yeb, cái tên mà ông vẫn thích bạn bè gọi, không tin vào những cuộc đối đầu bạo lực. Ông biết rằng hòa bình là cách duy nhất mang tới cuộc cách mạng về môi trường và giúp đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Ông Sano từng tham gia quản lý dự án tài nguyên ven biển và bảo tồn thủy sản, giáo dục về môi trường; 4 năm tham gia vận động cho phát triển du lịch biển bền vững ở Trung Visayas, đặc biệt là Cebu và Bohol (Philippines); 4 năm làm việc tại chính quyền thành phố Lapu - Lapu, với vai trò chính là thiết lập khu vực bảo tồn biển và thành lập đơn vị thực thi luật ven biển của thành phố; tham gia nhóm phát triển dự án du lịch sinh thái hoang dã tại Donsol (Sorsogon, Philippines) và đảo Panilacan (Bohol).
Ông cũng từng là giám đốc chương trình Năng lượng và Biến đổi khí hậu của Quỹ Động vật hoang dã thế giới WWF. Cũng tại đây, ông từng đảm nhiệm vị trí giám đốc quốc gia của chương trình Giờ Trái Đất, một phong trào vì môi trường lớn nhất ở Philippines. Trong suốt 12 năm làm việc tại tổ chức này, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi trực tiếp hoạt động trong các vấn đề trong nước và quốc tế liên quan tới biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, đa dạng sinh học, tài nguyên biển và ven biển, du lịch và quản trị địa phương.
Ngày 15/2/2010, ông được chính thức bổ nhiệm vào vị trí Ủy viên Hội đồng về biến đổi khí hậu quốc gia.
Đại biểu của Nhật Bản chia sẻ với ông Yeb Sano về những thiệt hại của mà siêu bão Haiyan gây ra cho Philippines. |
Ông Sano luôn muốn thay đổi thái độ của người dân, thay đổi quan điểm của mình và khuyến khích cách suy nghĩ mới nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tìm kiếm giải pháp mới và sáng tạo, tìm ra phương tiện mang tính cách mạng để thay đổi cách mà thế giới đang làm kinh tế.
Là một người ủng hộ cho sự chung tay và trao quyền cho cộng đồng, ông mạnh mẽ đề nghị phải cùng nhau theo đuổi các giải pháp dành cho các cộng đồng và những khu vực dễ bị tổn thương khác, cùng lúc đó, thông qua mô hình hoạt động hài hòa với thiên nhiên.
Ông vẫn luôn lạc quan khi tin rằng tương lai hứa hẹn nhiều điều, rằng biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố thống nhất đất nước Philippines đang còn rời rạc. Ông vẫn nhắc đi nhắc lại rằng "biến đổi khí hậu là cơ hội để đưa Philippines trở thành một quốc gia tốt hơn. Ngay cả khi chưa giải quyết được vấn đề, nó vẫn có mặt tích cực bởi nó có thể thay đổi cách mà chúng ta điều hành đất nước... Đó là cơ hội duy nhất của chúng ta. Đó là chiến tranh và chúng ta phải tồn tại vì không còn lựa chọn nào khác".
Vợ ông Sano cũng là một nhà hoạt động vì môi trường và cộng đồng, luật sư Eunice Agsaoay-Saño. Ông bà có 2 con gái, Yanni và Amira.