Anh Khang từng là hiện tượng phát hành và được đông đảo bạn đọc trẻ yêu thích. Tới năm 2018, tổng số sách của anh lên tới 900.000 bản. Sau đó, Anh Khang tiếp tục có tác phẩm mới phát hành với số lượng lớn. Bởi vậy anh được mệnh danh là “nhà văn triệu bản”.
Vừa qua, anh tham gia chương trình “Chia sẻ cùng tác giả” do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Các câu hỏi liên quan chủ đề cuốn sách mới nhất Thả thính chân kinh cùng thắc mắc về văn chương đã được tác giả giải đáp.
Nhà văn Anh Khang. Ảnh: FBNV. |
Mạng xã hội thay đổi nếp sống của chúng ta
Bạn đọc Hoàng Thị Thanh hỏi suy nghĩ của nhà văn về vấn đề bạn trẻ có xu hướng “thả thính” trên mạng xã hội, lợi dụng những lời “thả thính” để trêu đùa tình cảm, bắt cá hai tay.
Anh Khang cho rằng mạng xã hội đã thay đổi nếp sống và thói quen của chúng ta. Nếu ngày trước, nhiều điều không thể mở lời khi phải đối diện nhìn vào mắt nhau, thì mạng xã hội giờ đây là "tấm màn che chắn" hữu hiệu để con người mạnh dạn tỏ bày.
Tác giả Thả thính chân kinh cho rằng dù là lời ngon ngọt hay đắng chát, mạng xã hội đều "tiếp tay" để đến tai chúng ta. Vấn đề là người tiếp nhận có đủ tỉnh táo để đón nhận những lời nói đó hay không.
“Người khác đối xử với mình ra sao là nhân quả của họ, còn mình đối diện với tất cả biến động ngoại cảnh đó thế nào lại là tâm thức tu tập của bản thân. Lòng mình sẽ là ‘bình yên bình thản’ hay ‘bình địa hoang tàn’, đều do chính mình có biết dùng tâm bất động để đối diện đời biến động không thôi”, Anh Khang nêu quan điểm.
Bạn đọc Hoàng Thị Thanh muốn biết quan điểm của Anh Khang về việc người “thả thính” thường tỏ ra quan tâm, hỏi han người “nhận thính”, dù không có tình cảm; điều đó dẫn tới mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”.
Tác giả Thả thính chân kinh cho rằng từ “thính” theo nghĩa nguyên sơ là mồi dẫn dụ cá mà người ta rải đầy mặt sông, hòng đánh bắt được càng nhiều càng tốt. Bởi vậy, trong cụm từ “thả thính” đã bao hàm việc người thả đang muốn “đánh bắt đại trà”, “thả lưới sỉ lẻ” để câu dẫn được người nào hay người nấy.
Anh Khang nói để tránh rơi vào tình tạng “trên tình bạn, dưới tình yêu”, cần nhận ra đâu là “thính”, đâu là “tình” giữa những mập mờ lưng chừng trong yêu thương. Anh cho rằng “thính” chỉ là một cách vui để làm quen, bắt chuyện và dò ý đối phương xem họ có cùng tần số rung động với thiện cảm mà mình dành cho không.
Sau khi bắt nhịp được rồi thì cả hai đừng “thả” nữa, mà hãy “được ăn cả, ngã về không”. “Trong tình yêu thì hoặc là tất cả, hoặc đừng là gì cả. Những thứ lấp lửng mập mờ chỉ là phiền nhiễu, chứ nào phải là yêu”, Anh Khang nói.
Tác giả Ngày trôi về phía cũ cũng nói "thính" chỉ là bước đầu tiên để làm quen một ai đó, còn "tình" mới là bước tiên quyết để chứng minh sự nghiêm túc trong một mối quan hệ. "Muốn có được chân tình thì mình phải chân thành trước nhất", Anh Khang chia sẻ.
Sách Thả thính chân kinh. Ảnh: NXB Trẻ. |
Nhà văn không thể chỉ dựa vào tài năng
Bên cạnh trả lời câu hỏi liên quan đến cuốn Thả thính chân kinh, Anh Khang cũng giải đáp thắc mắc của độc giả về văn chương, tiết lộ câu chuyện sáng tác cùng đôi điều về bản thân.
Bạn đọc Trân Ivy hỏi nhà văn có cần tự tạo phong cách sáng tác riêng hay phong cách của nhà văn đã là bẩm sinh rồi. Tác giả Ngày trôi về phía cũ dẫn lời văn hào Pháp Anatole France: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta đã gặp gỡ tâm hồn một con người”. Anh Khang cho rằng những gì thuộc về tâm hồn có lẽ đã theo ta từ khi chào đời và là một phần cố hữu thuộc về chúng ta mà không cần gồng mình tỏ ra hay tự tạo, càng không phải chạy theo xu hướng của bất kỳ thời thế nào xung quanh.
“Điều mà nhà văn cần tự tạo, chính là sự rèn luyện để bên cạnh khả năng bẩm sinh thì những kỹ năng phụ trợ cho việc viết lách được tăng tiến theo thời gian. Thành công không thể chỉ dựa vào tài năng, mà còn cần rất nhiều cố gắng”, Anh Khang chia sẻ.
Bạn đọc Hạ Linh Anh quan tâm việc nhiều sách của Anh Khang mang màu buồn. Tác giả Buồn làm sao buông tiết lộ hầu hết 9 cuốn sách đều là tiếng lòng và chuyện đời của mình.
“Tôi chọn cách viết nỗi buồn để giãi bày tâm trạng và giải thoát những tiêu cực ra khỏi chính mình. Tâm sự chất chứa nhiều quá dễ đè nặng lòng nên viết, biết đâu cũng là để cho mình nhẹ bớt và bình thản nhìn lại mọi chuyện mà an lòng bước qua”, Anh Khang nói.