Thành phố hơn 300 năm tuổi này trong hoài niệm mỗi cây bút đều mang sức sống tiềm tàng, nhộn nhịp, nhưng cũng ẩn chứa nhiều góc máy không thể bình yên hơn. Có lẽ vì thế, nhiều tác giả chẳng cần đợi đến “khi ta đi” mới đặt bút viết về mảnh đất “bỗng hóa tâm hồn” ấy.
Nếu Trác Thúy Miêu đau đáu với nỗi Vọng Sài Gòn; Tống Phước Bảo quen thân với nắng mưa, khói bụi rồi nhắn nhủ Sài Gòn, còn thương thì về; Đào Thị Thanh Tuyền “sục sạo” cả thành phố để “ruổi rong nỗi nhớ”; thì Phạm Công Luận dẫu “ngoảnh lại trăm năm” vẫn muốn đeo đuổi Sài Gòn. Bốn tác giả chia sẻ về tình yêu Sài Gòn qua mỗi trang văn của mình.
Sài Gòn tái sinh qua từng hồi ức
MC, nhà báo Trác Thúy Miêu lớn lên cùng Sài Gòn sau năm 1975 - một chương đời mới của thành phố. Chị coi bản thân và Sài Gòn là hai người bạn, cùng trải qua nhiều thăng trầm suốt hơn 4 thập kỷ qua.
“Hơn 10 tuổi, tôi quan sát Sài Gòn thời hậu bao cấp, đầy năng lượng và hỗn độn. Sài Gòn mở cửa cũng là lúc tôi ngô nghê và say sưa với những khốn khó. Đối với tôi, thành phố này là một sinh vật sống với đầy đủ thuộc tính, tập quán, tâm lý và xúc cảm”, tác giả Vọng Sài Gòn chia sẻ.
Những câu chữ trong Vọng Sài Gòn của Trác Thúy Miêu hấp dẫn người đọc khi đan cài giữa những hình ảnh đắt giá của thành phố là lớp lang chữ nghĩa có phần trần trụi, đau đáu thương yêu.
Nếu như với chị, Sài Gòn như da thịt, “một mất mát nào đó của thành phố cũng có thể tác động mạnh mẽ”, thì với cây bút “đủ độ cứng” trong làng văn viết về Sài Gòn như nhà báo Phạm Công Luận, Những bức tranh phù thế, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, hay Sài Gòn - Chuyện đời của phố được ông thổi hồn vào đó tình yêu cá nhân mãnh liệt.
Được mệnh danh là một trong những tác giả của nhiều tựa sách bán chạy nhất hiện nay, nhà báo Phạm Công Luận luôn trung thành với đề tài Sài Gòn. Dẫu vậy, người ta vẫn thấy ở mỗi tác phẩm của ông, Sài Gòn được tái sinh, cắt nghĩa theo một góc khác nhau.
Nếu không có tình yêu với Sài Gòn, tôi không đeo đuổi một đề tài lâu đến như vậy.
Tác giả, nhà báo Phạm Công Luận
Ông chia sẻ, ở bộ sách 5 cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố, tác giả kể hàng trăm câu chuyện về thành phố của mình. Mỗi câu chuyện là một góc nhìn đời sống, viết nên từ những tư liệu ông tìm tòi và nghe được, hoặc bằng cảm nhận cá nhân.
Trong khi Những bức tranh phù thế mang tính tự sự mà ở đó, hồi ức chung - riêng của tác giả và thành phố được đan cài nhuần nhị, cứ thế trải dọc, lăn lộn với mọi thăng trầm của thế kỷ XX.
Qua đến Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, “tôi muốn điểm lại những cơ sở vật chất và tinh thần đã dung dưỡng cuộc sống thành phố này, từ chuyện ăn uống, mặc, ở, đọc, giải trí, nguồn nhân lực… những điều cơ bản tạo nên thói ăn nếp ở và phong cách sống người Sài Gòn - Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay”, nhà báo Phạm Công Luận lý giải.
Cắt nghĩa tình yêu Sài Gòn
Chia sẻ về Vọng Sài Gòn, tác giả Trác Thúy Miêu ví thành phố của mình với kiểu phụ nữ “cứ ở gần thì như sống trong một bộ phim truyền hình dài tập với đầy kịch tính, bất luận buồn vui, người xem chẳng muốn chuyển kênh”, thế thì, “làm sao tôi không yêu cho được?”, tác giả tự vấn.
Mặt khác, chàng thanh niên Tống Phước Bảo suốt hơn 30 năm gắn bó với Sài Gòn đủ để anh nhắn nhủ đến ai đó “còn thương thì về”: “Mỗi khi đi xa Sài Gòn một khoảng lâu, lòng lại nôn nao thấy nhớ và muốn quay về. Thành phố này như máu mủ ruột rà trong tôi, lạ lắm, có những thứ ở đó không thể gọi thành tên nhưng lại níu lòng một cách vô thức”, anh giải thích.
Sài Gòn như máu mủ ruột rà trong tôi... không thể gọi thành tên nhưng lại níu lòng một cách vô thức.
Tác giả Tống Phước Bảo
Tình yêu Sài Gòn đa điệu, đôi khi lệ thuộc bởi tuổi đời người cầm bút. Cây bút điểm hoa râm Đào Thị Thanh Tuyền khi viết Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ mang trong mình nỗi lòng nặng trĩu vì phải chăm sóc con ở mảnh đất quê hương thứ hai này. Với chiếc máy ảnh trên tay, bà chu du trên xe buýt, đi khắp ngõ, hẻm của thành phố.
“Tôi quyết tâm biến nghịch cảnh thành thuận cảnh. Bên cạnh việc phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con, tôi đề ra dự án tìm hiểu, viết về Sài Gòn. Đó cũng là cách tạo sự lạc quan chiến đấu cùng con”, tác giả Đào Thị Thanh Tuyền nói.
Cứ thế, suốt ba năm ròng, mỗi ngày “sục sạo” thành phố một chút, bà “gom” từng mảnh đời, mảnh hình vào trong máy ảnh, rồi tạo nên 38 tạp văn mang dáng dấp của một cuốn du ký: Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ. Đôi mắt của người ngụ cư khiến người đọc ngẫm ngợi về nhiều hình ảnh quen thuộc được gợi nhắc.
Lượm nhặt ký ức
Nếu không có tình yêu, nhà báo, tác giả Phạm Công Luận có lẽ không cho ra đời nhiều phiên bản Sài Gòn xúc động với mọi thăng trầm của thời cuộc đến vậy. Dẫu có ngoảnh lại trăm năm, độ nén trong đời sống văn hóa Sài Gòn dưới ngòi bút của ông vẫn tạo nên sức bật mạnh mẽ.
Còn với Trác Thúy Miêu, nếu không đau đáu “vọng” về Sài Gòn, chị sẽ không “hủ hỉ, lượm nhặt ký ức, kỷ niệm và tin rằng nó sẽ rung giật”. Thành phố của chị hiện lên qua tác phẩm như những chương đời được chắp vá, đôi khi lồng ghép, lúc lại tách rời.
Người đọc ít ai ngờ rằng ký ức về thành phố ấy qua lăng kính của một nữ MC có khi chỉ là một quán cafe nhỏ nằm bên kia sông - nơi chị đã ngồi và trải qua vài “triều đại bạn thân”, để giờ đây, hoài niệm lại, Trác Thúy Miêu phải thốt lên: “Sống trong lòng Sài Gòn mà day dứt nhớ Sài Gòn, một sự day dứt tuyệt vọng của kẻ sinh ra chỉ vừa kịp để hụt mất một bóng vía nhan sắc cũ xưa”.
Mặt khác, hơn 30 năm “hít khí” Sài Gòn, Tống Phước Bảo đã quen thân những điều bình dị nơi đây. Bởi vậy, “có những con đường, góc phố, quán xá, in đậm trong trí nhớ và trở thành ký ức đi theo tôi suốt cuộc đời”, tác giả Sài Gòn, còn thương thì về khẳng định.
Cây bút trẻ thổ lộ: “Tôi xẻ nhỏ Sài Gòn, len vào các ngóc ngách, hẻm xóm để viết. Từ những điều nhỏ, tôi mang đến một Sài Gòn thật to cho bạn đọc; từ những vụn vặt, tôi đem đến thông điệp lớn lao như chính tên tập sách: Sài Gòn, còn thương thì về”.
19 tản văn và 8 truyện ngắn của anh về mảnh đất trượng nghĩa này đem đến góc nhìn đa chiều của một người trẻ dành cho Sài Gòn. Theo anh, nó tựu trung một niềm thương da diết của nhiều mảnh đời, phận người đã gieo neo dâu bể cùng thành phố. Họ có thể đến mảnh đất này bằng tâm thế kiếm tiền, mưu danh, hoặc mong cầu tình yêu, nhưng rồi họ đều “phải lòng” Sài Gòn.