Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ra mắt 6 truyện dài của nữ văn sĩ Bà Tùng Long

Nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh và 15 năm ngày nhà văn Bà Tùng Long qua đời, NXB Trẻ giới thiệu tới độc giả 6 tác phẩm chưa từng được in thành sách.

Bà Tùng Long là nữ văn sĩ nổi tiếng với loạt tác phẩm tình cảm. Cuộc đời cầm bút của bà ghi dấu với 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn. Những tác phẩm ấy đa phần đều hướng tới lối sống đẹp, ca ngợi hình ảnh người phụ nữ và nhắn nhủ nam giới nên đối xử tốt với họ.

Khai thác bản thảo từ nhiều truyện dài kỳ của Bà Tùng Long từng đăng trên các tờ báo trước năm 1975, mới đây, NXB Trẻ cho ra mắt 6 tác phẩm lần đầu tiên in thành sách của bà kể từ ngày bà qua đời.

Sáu tác phẩm đó gồm: Tình yêu và thù hận, Hồng nhan đa truân, Nghĩa tình ràng buộc, Người của oán thù, Một thoáng mây bayHành trang vào đời.

Sach cua Ba Tung Long anh 1

Sáu truyện dài được in thành sách của nữ văn sĩ Bà Tùng Long. Ảnh: Đông Thức.

Bà Tùng Long bắt đầu sáng tác văn từ cách đây hơn 60 năm. Thời điểm đó, ở Việt Nam có rất ít nhà văn nữ, xã hội vẫn nặng nếp sống “trọng nam, khinh nữ”. Vì thế, các tác phẩm của bà thường cất lên tiếng nói bênh vực và đề cao phái yếu.

Một thoáng mây bay xoay quanh nhân vật Tuyết - cô gái chủ động khước từ tình yêu vì từng chứng kiến chị gái và đồng nghiệp nữ bị lợi dụng, phản bội trong mối tình của họ.

Truyện dài Tình yêu và thù hận kể về nhân vật chính là Lệ Nhung. Ôm trong lòng mối hận từ quá khứ, cô giành giật tình yêu của kẻ khác để trả thù.

Người của oán thù viết về nhân vật Hồng yếu đuối nhưng vẫn cố gìn giữ nếp nhà và nhân vật Thu - phụ nữ chán ghét và khinh bỏ mọi quy tắc đạo đức. Qua hình tượng hai nữ chính đó, tác giả phơi bày mặt trái của xã hội khi tiền bạc, vật chất cuốn trôi những ràng buộc về mặt lễ giáo. Theo Bà Tùng Long, đó là hệ quả tất yếu của một thế hệ phải sống trong quá nhiều sự kìm kẹp, chà đạp.

Xuyên suốt truyện dài Nghĩa tình ràng buộc là câu chuyện về Huệ và Lan. Hai cô gái cùng sinh ra, lớn lên dưới một mái nhà nhưng lại có số phận khác nhau. Huệ sống kiếp nô lệ, phục vụ gia đình chủ suốt hơn 10 năm. Sau đó, Huệ bị chồng Lan (cô chủ) dụ dỗ cho có thai. Mọi biến cố vô tình đưa cuộc đời hai cô gái thay đổi theo những cách không ngờ.

Sach cua Ba Tung Long anh 2

Sách Hồng nhan đa truân của tác giả Bà Tùng Long. Ảnh: NXB Trẻ.

Hồng nhan đa truân là câu chuyện kể về Giáng Tuyết - một cô gái đẹp được nam sinh trường thuốc theo đuổi. Họ vượt qua mọi rào cản gia đình để đến với nhau. Song, vì những vật chất mưu sinh, tình cảm của họ dần phai nhạt. Sau cuộc hôn nhân thất bại, Tuyết lao vào chốn ăn chơi. Cũng từ đó, cô gặp phải những biến cố giúp cô nhận ra sự lừa lọc và tấm chân tình.

Cũng lấy nhân vật nữ là Tuyết với diện mạo đẹp, học thức giỏi giang và bị gia đình người yêu phản đối, nhưng trong truyện Hành trang vào đời, Bà Tùng Long xây dựng hình tượng cô gái nỗ lực vượt nghịch cảnh, sống trong sạch, tự lập, và dần dần, cô được gia đình chồng chấp nhận.

Cả 6 tác phẩm ra mắt lần này đều có một điểm chung là hướng tới đời sống tình cảm, nội tâm của các nhân vật nữ. Mỗi tình tiết trong các truyện qua tay bút thâm niên và văn phong giản dị của Bà Tùng Long đều khiến người đọc nhìn nhận về một xã hội bất công với phái yếu.

Trước khi ra mắt 6 cuốn sách này vài ngày, nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai của Bà Tùng Long, viết trên trang cá nhân bày tỏ niềm vui khi tác phẩm của mẹ được lên kệ đúng dịp sinh nhật bà: "Sáng nay đã có quà sinh nhật tặng mẹ, mong mẹ vui lòng!".

Nhà văn Bà Tùng Long (1915-2006) là người nổi tiếng trong làng báo phía Nam từ những năm 1950-1960. Bà bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên là Đứa con hoang (khi in thành sách đặt là Ái tình và danh dự).

Tên tuổi bà được độc giả yêu mến nhờ những tiểu thuyết về đề tài xã hội với nhân vật chính là những người phụ nữ bình dân, gần gũi với tầng lớp lao động, như Bóng người xưa, Mẹ chồng nàng dâu, Giang san nhà chồng…

Sau năm 1975, nhiều tiểu thuyết của Bà Tùng Long được in và đông đảo công chúng đón nhận.

Ra mắt sách tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Cuốn “Về Nguyễn Huy Thiệp” được thực hiện như một nén tâm nhang tưởng nhớ nhà văn nhân 100 ngày ông đi xa.

Nỗi buồn trong tiểu thuyết của Bảo Ninh

Tiểu thuyết của Bảo Ninh viết về nỗi buồn, đầy trăn trở, và do thế mà làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần con người. Do vậy, nó có giá trị thanh lọc và tẩy rửa.

Quý Phái

Bạn có thể quan tâm