Tôi đọc Nỗi buồn chiến tranh đã lâu, hồi mới in trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn. Rồi đọc Thân phận của tình yêu, cái tên sau của nó. Định bụng sẽ đọc lại. Nhưng lần lữa vì quá bận.
Muốn viết một bài ngắn về cuốn sách thì phải đọc lại. Đó là đòi hỏi, và cũng là thói quen nghề nghiệp. Nhưng lần này tôi không thực hiện được thói quen cũ. Vì cái ấn tượng sách để lại cho tôi là quá mạnh, khác với các cuốn sách khác. Tôi đọc đã lâu rồi mà ấn tượng vẫn còn đó. Ấn tượng về một nỗi buồn vừa sâu xa, vừa dai dẳng.
Phải vậy, trong cảm nhận của tôi, buồn là phải lẽ, chứ sao mà vui? Cái buồn của chính Bảo Ninh, hay của Kiên - nhân vật chính trong truyện, cũng là của chính tôi, hôm nay - sau một thuở nào.
Thời ấy đã qua. “Lửa chiến tranh nay đã tắt rồi”. Súng đã im từ lâu. Lẽ ra là vui, là rất vui, như nhiều trang thơ văn một thời đã minh chứng, nhưng sao lại buồn? Nghĩ theo Kiên, và cũng là theo mình, tôi tự đi tìm câu giải đáp: Cái buồn sau mỗi chiến thắng, nếu có và cũng nên có, ở khía cạnh đáng buồn nhất của nó, đó là vì những người đáng sống nhất, những người đáng được hưởng hạnh phúc hòa bình nhất đã hy sinh.
Nhà văn Xô Viết viết về chiến tranh, sinh năm 1924, thuộc thế hệ những “nhà văn trung úy” Yuri Bondarev có lần nói: Ông thuộc số 5% còn sống sốt từ chiến trường trở về. Ông thuộc số người may mắn không nằm trong con số 95% hy sinh. Và ông viết như để trả món nợ cho những người con ưu tú đã không còn được sống cho đến ngày chiến thắng.
Thế vậy lẽ ra là vui, đúng ra là vui, nhưng rồi lại buồn, khi những đồng đội của Kiên gần như số lớn đã không còn trở về. Kiên thuộc số ít người còn sống sót, và số phận run rủi hoặc đòi hỏi anh phải trở thành nhà văn để nghiền ngẫm lại con đường đi của anh và một thế hệ như anh, bây giờ kẻ mất người còn, với những số phận khác nhau.
Sự suy ngẫm đi cùng với nỗi buồn. Nếu cái vui, cái được là đến với sự nghiệp chung, với cộng đồng, với đất nước, nhân dân, thì nỗi buồn lại gắn với những số phận cá nhân. Và như vậy chỉ làm sâu sắc thêm cái được chung, trên cái giá phải trả để có cái được chung.
Và không chỉ có nỗi buồn chiến tranh. Một nỗi buồn khác đến với anh, từ những cảnh sống hàng ngày, của hôm nay, đang vây bủa chung quanh anh: Chung cư, đường phố, vườn hoa, bến xe, ngõ chợ… trong sự cài xen giữa quá khứ và hiện tại. Một cuộc sống tất bật, gian khổ, anh vừa chống đỡ, vừa chịu đựng, vừa vượt lên, và có những mặt anh còn chưa hiểu nổi. Và so chưa hiểu, nên bối rối, và buồn.
Chiến tranh rồi để có hòa bình, nhưng sau hòa bình rồi mà còn quá ư nhọc nhằn, vất vả? Khoan đừng trách anh, đừng trách nỗi buồn của anh, cũng đứng trách anh vô trách nhiệm. Anh - một “binh nhì” trở về, và bây giờ là một “nhà văn phường”, bình thường, sống lẫn với số đông, với mọi người.
Trách nhiệm, nếu đòi hỏi cao về trách nhiệm, phần nặng hơn chắc chắn là ở những cấp khác chứ không phải anh. Có lẽ không nên trách nỗi buồn chân thật ấy, khi anh không muốn là người giả dối. Anh muốn như chính chúng ta, như mọi người, ở những thân phận bình thường nhất. Còn ở tư cách nhà văn anh chỉ muốn là người trang trải, người đối thoại.
Tôi đã đọc một lần Thân phận của tình yêu, nhưng rồi lại quên ngay cái thân phận, cái số phận, để bị ám ảnh bởi một nỗi buồn. Một nỗi buồn có lý, đầy trăn trở, và do thế mà làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần con người. Cũng do vậy mà có giá trị thanh lọc và tẩy rửa.
Và tôi nghĩ, đó mới là tiếng nói của nghệ thuật.
Bài này tôi ghi những cảm nhận của mình, chứ không muốn và cũng không hề có ý định tranh luận với ai.