Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác động của công nghệ tới việc làm

Đổi mới về công nghệ thông tin và các công nghệ đột phá khác có xu hướng tăng năng suất bằng cách thay thế lao động hiện có.

Dù công nghệ mang lại một số tác động tích cực, đầy tiềm năng tới tăng trưởng kinh tế, chúng ta vẫn phải giải quyết những tác động tiêu cực nó có thể tạo ra với thị trường lao động, ít nhất là trong ngắn hạn.

Quan ngại về tác động của công nghệ tới việc làm không phải điều mới mẻ. Năm 1931, nhà kinh tế John Maynard Keynes đã đưa ra cảnh báo nổi tiếng về tình trạng thất nghiệp do công nghệ lan rộng “do chúng ta phát hiện ra cách tối ưu hóa lao động nhanh hơn tìm ra những công việc mới để sử dụng lao động”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu lần này dự đoán ấy thành hiện thực? Những năm qua, cuộc tranh luận lại được hâm nóng bởi những bằng chứng cho thấy máy tính đang thay thế một số công việc, dễ thấy nhất là kế toán, thủ quỹ và nhân viên trực tổng đài.

Xét những nhân tố thúc đẩy này, có một điều chắc chắn: Công nghệ mới sẽ thay đổi mạnh mẽ bản chất công việc ở tất cả các ngành nghề. Sự thiếu chắc chắn căn bản là ở chỗ tự động hóa sẽ thay thế lao động đến mức nào. Điều này sẽ diễn ra trong bao lâu và sẽ đi đến đâu?

Để nắm rõ hơn, chúng ta cần hiểu được hai tác động đối nghịch của công nghệ đối với việc làm. Thứ nhất, đó là hiệu ứng triệt tiêu, khi những đột phá và tự động hóa dựa vào công nghệ thay thế lao động, đẩy người lao động tới chỗ thất nghiệp hoặc phải đi nơi khác tìm việc.

Thứ hai, hiệu ứng triệt tiêu này đi kèm hiệu ứng tư bản hóa, khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ mới gia tăng dẫn đến sự ra đời của những công việc mới, cơ hội kinh doanh mới và thậm chí là các ngành công nghiệp mới.

Là con người, chúng ta có khả năng thích ứng và sự tháo vát tuyệt vời. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là thời điểm và mức độ mà hiệu ứng tư bản hóa thay thế hiệu ứng triệt tiêu và sự thay thế này diễn ra nhanh đến đâu.

[…]

Cong nghe thay doi viec lam anh 1

Ảnh: Getty Images.

Nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những công việc có đặc thù máy móc lặp đi lặp lại và đòi hỏi lao động chân tay chính xác, đã được tự động hóa. Xu thế này sẽ còn tiếp diễn khi sức mạnh của máy tính tiếp tục phát triển vượt bậc.

Sớm hơn dự đoán của đa số, công việc của những nghề nghiệp như luật sư, phân tích tài chính, bác sĩ, phóng viên, kế toán, bảo hiểm hay thủ thư có thể sẽ được tự động hóa một phần hoặc toàn bộ.

Đến nay, thực tế cho thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư có vẻ tạo ra ít việc làm hơn trong các ngành công nghiệp mới so với các cuộc cách mạng trước đó.

Theo ước tính từ Chương trình Công nghệ và Việc làm Oxford Martin, hiện chỉ 0,5% lao động Mỹ làm việc trong các ngành công nghiệp mới kể từ đầu thế kỷ XXI, thấp hơn nhiều so với con số 8% việc làm mới ở các ngành công nghiệp mới trong thập niên 1980 và 4,5% trong thập niên 1990.

Cuộc điều tra kinh tế Mỹ gần đây đã xác nhận điều này, và hé lộ vài điều thú vị về mối quan hệ giữa công nghệ và việc làm.

Nó cho thấy đổi mới về công nghệ thông tin và các công nghệ đột phá khác có xu hướng tăng năng suất bằng cách thay thế lao động hiện có, thay vì tạo ra sản phẩm mới đòi hỏi nhiều lao động hơn cho quá trình sản xuất.

Klaus Schwab / NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và Thái Hà Books

SÁCH HAY