Từ nước mắt đến nụ cười kể về câu chuyện của Marianne Williamson và hành trình chữa lành nỗi đau của bà. Lần lượt mất đi cha mẹ, em gái và người bạn thân nhất, Marianne nhận ra những giọt nước mắt bị kìm lại sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với những giọt nước rơi ra.
Khóc có thể chữa lành, và kìm nén chúng có thể dẫn tới tổn thương.
Sách Từ nước mắt đến nụ cười. Ảnh: Q.H. |
Sự suy tư về nỗi đau con người
Hơn 30 năm tư vấn cho người trải qua những hoàn cảnh bị tổn thương nghiêm trọng, Marianne Williamson từng ngồi với những bậc cha mẹ băn khoăn trước quyết định khi nào thì rút máy thở để con họ ra đi. Bà lắng nghe nỗi buồn của những người trẻ biết rằng căn bệnh nan y sẽ khiến họ phải chết trước tuổi 30. Bà đã hành lễ tưởng niệm cùng những nạn nhân bị sát hại và an ủi gia đình họ.
Những trải nghiệm đó giúp Marianne nhận ra, đau đớn và buồn bã có thể là một phần của quá trình biến đổi.
“Đó có thể chính xác là những gì chúng ta cần trải qua để thực sự được chữa lành và nhận ra những bài học ý nghĩa”, bà trải lòng.
Chúng giống như những con công thỉnh thoảng phải ăn gai để sở hữu bộ lông đẹp. Những chiếc gai cứng, nhọn, sắc như dao cạo được xử lý trong bụng chúng, góp phần tạo nên những chiếc lông vũ sặc sỡ, độc nhất trong tự nhiên. Và con người cũng thế.
“Thông thường, thứ khó tiêu hóa nhất, khó xử lý nhất trong cuộc sống lại giúp biến đổi chúng ta theo hướng tích cực. Chúng ta đôi khi phải ăn những chiếc gai kinh nghiệm sắc nhọn, cay đắng để thành người”, tác giả viết.
Marianne Williamson gọi cuốn sách là sự suy tư tinh thần về nỗi đau của con người. Đau khổ có thể khiến chúng ta bị sứt sẹo. Nhưng dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể trở thành người tốt hơn nhờ trải qua nỗi đau.
Nỗi đau không quyết định tương lai của bạn. Tương lai của bạn sẽ được quyết định bởi việc “bạn là ai” khi trải qua điều đó.
Nỗi đau tỉnh thức
Lịch sử chứng minh có nhiều nhân vật quyền lực đã biến những trải nghiệm tàn phá bên ngoài thành năng lượng tích cực bên trong. Một trong số đó là Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của nước Mỹ.
Ông từng là người đẹp trai, thông minh, giàu có, kết hôn rồi sinh nhiều con. Anh họ của ông, Theodore, từng là tổng thống Mỹ và sự nghiệp chính trị của ông được đảm bảo nối gót theo anh họ. Cho đến một ngày vào năm 1921, sau kỳ nghỉ cùng gia đình tại Canada, Roosevelt đau đớn về nhà và được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt.
Bi kịch của ông chưa kết thúc, thậm chí đó mới chỉ là sự khởi đầu. Nhưng từ trong đau khổ, Roosevelt đã thoát ra trở thành một người làm rất nhiều điều giúp xoa dịu nỗi đau cho người khác.
Sự đồng cảm của ông đối với những khó khăn mà người Mỹ phải chịu đựng đã truyền cảm hứng cho chính sách mới New Deal, mở ra một loạt chương trình kinh tế và xã hội cứu trợ cho hàng triệu người. Những khổ sở của Roosevelt đã biến đổi ông thành con người giúp giảm bớt khổ sở của hàng triệu người khác.
Bản thân Marianne Williamson cũng là nhà hoạt động xã hội tích cực. Bà đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Project Angle Food chuyên cung cấp hơn 12 triệu bữa ăn cho các bệnh nhân bị bệnh và chờ chết ở nhà tù từ năm 1989 đến nay. Bà từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh về nạn đói nghèo và vấn đề hòa giải chủng tộc.
Tất nhiên, trong mắt Marianne Williamson, ta không nên lý tưởng hóa hay “bọc đường” đau khổ, nhưng cũng không thể coi nhẹ sự liên quan của đau khổ tới sự hình thành tính cách, hiểu biết và sự phát triển.
Từ nước mắt đến nụ cười viết về hành trình vượt qua tận cùng nỗi đau đến với sự bình an và thức tỉnh nội tâm.