Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Syria tố Obama 'mượn gió bẻ măng'

Lời đe dọa can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Obama hôm qua làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt. Phóng viên Eric Margolis cáo buộc, Mỹ hô hào "nhảy vào" quốc gia Arab chỉ là chiêu kiếm phiếu của ông chủ Nhà Trắng.

Syria tố Obama 'mượn gió bẻ măng'

Lời đe dọa can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Obama hôm qua làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt. Phóng viên Eric Margolis cáo buộc, Mỹ hô hào "nhảy vào" quốc gia Arab chỉ là chiêu kiếm phiếu của ông chủ Nhà Trắng.

Phản pháo và cảnh cáo

Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil phản pháo, Mỹ đang dựng lên cái cớ cho một cuộc can thiệp quân sự:  “Phương Tây đang tìm kiếm một cái cớ để can thiệp. Nếu cái cớ này không hiệu quả, họ sẽ lại tìm cái khác mà thôi".

Phó Thủ tướng Qadri Jamil thay mặt Syria phản pháo lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Obama.

Tuy nhiên, ông Jamil cũng nói thêm rằng, hành động quân sự chống lại Syria là điều không thể xảy ra bởi nó sẽ dẫn tới một cuộc chiến lớn hơn trong khu vực: "Những kẻ đang tính toán điều đó rõ ràng muốn thấy khủng hoảng lan rộng ra ngoài biên giới Syria".

Ông Jamil liên hệ, việc phương Tây lấy vũ khí hóa học làm cái cớ, rồi dọa đánh Syria sẽ làm kịch bản Iraq lặp lại lần nữa. Trước đó, phương Tây phát động cuộc chiến chống Iraq với cáo buộc nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loại. Tuy nhiên, không có bất cứ kho vũ khí hóa học nào được tìm thấy sau đó. 

Đồng tình với quan điểm trên, Lawrence Freeman, làm việc tại tạp chí Executive Intelligence Review nhấn mạnh: “Những gì vừa được tuyên bố chính xác là những thứ chúng ta từng nghe để ngụy biện cho cuộc xâm lược Iraq. Chúng ta cũng nhận ra những điều tương tự với Libya. Lập luận rằng, Mỹ nên đưa 50.000 đến 60.000 binh sĩ vào Syria để bảo vệ các kho vũ khí hóa học chỉ là cái cớ để can thiệp quân sự, lật đổ một chính phủ hợp pháp". 

Còn phóng viên chiến tranh Eric Margolis cho rằng, lập trường chống Syria chỉ là một chiêu kiếm phiếu bầu của Tổng thống Obama trước thềm bầu cử Mỹ. Ông Eric cho rằng, can thiệp vào Syria sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho Mỹ.

Ông Margolis nhận định: “Mỹ không có bất cứ lợi ích chiến lược nào ở Syria. Tất cả chỉ là để nhằm vào Iran và rõ ràng, Mỹ đang ở trong năm bầu cử nhạy cảm. Áp lực đang dồn lên vai Tổng thống Obama. Đảng Cộng hòa đang hô hào những điều tương tự như: “Hãy làm điều gì đó đi”.

Trong khi đó, ngày 21/8, một ngày sau tuyên bố đe dọa của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cảnh báo phương Tây rằng, Moscow và Bắc Kinh đạt được cam kết, "không cho phép phương Tây có các hành vi vi phạm nào". 

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Sergei Lavrov được đưa ra sau khi ông gặp và thảo luận với một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.

Tổng thống Assad sẵn sàng từ chức?

Phó Thủ tướng Syria nhấn mạnh, Damascus sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, đồng thời, việc ông Assad có từ chức hay không sẽ chỉ được đưa ra thảo luận khi cuộc đối thoại bắt đầu.

Ông Jamil nhấn mạnh, Damascus hiện sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột kéo dài quá lâu. Chính phủ Syria muốn kêu gọi hòa giải dân tộc và tất cả các bên nên cùng nhau thỏa hiệp.

“Tôi muốn nói với tất cả người dân Syria ở cả trong và ngoài nước rằng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi người. Cánh cửa của chúng tôi đang mở ra đối với các nhà hoạt động chính trị và phi chính trị, kể cả những người hiện đang ở hải ngoại”, ông Jamil nhấn mạnh.

Tổng thống Assad sẽ từ chức?

Đồng tình với lập trường của ông Jamil, Ngoại trưởng Nga Lavrov tin rằng vẫn có cơ hội cho một giải pháp hòa bình nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng ở Syria, bất chấp nhiều người không muốn tình huống này xảy ra. Nga cho rằng, hòa giải là cách duy nhất để chấm dứt đổ máu và tạo điều kiện cho Syria thảo luận về tương lai đất nước.

Nga và Trung Quốc phản đối can thiệp quân sự vào Syria trong suốt cuộc khủng hoảng. Cả 2 nước nhiều lần sát cánh phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được hỗ trợ bởi  phương Tây và các quốc gia Arab nhằm mở đường cho can thiệp quân sự vào Syria.

Hiện cả Nga và Syria đều thể hiện nguyện vọng rằng, Đặc phái viên hòa bình mới của Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan.

Trong một diễn biến khác, ngày 21/8, ở một trong những khu vực chiến đấu mới nhất, quân đội và xe tăng tràn ngập vùng Mouadamiya, ngoại ô Damascus. Đây cũng là ngày thứ 2 quân đội chính phủ mở cuộc tấn công để giành lại quyền kiểm soát của khu vực.

Trong khi đó, khủng hoảng Syria đang ảnh hưởng và lan đến các nước lân cận. Tại Lebanon, ít nhất 5 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương trong bạo lực sắc tộc liên quan tới cuộc xung đột Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hiệp Quốc cho biết, hơn 18.000 người Syria thiệt mạng kể từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay.

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm