Trong những tuần gần đây, Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây đã liên tục đe dọa sử dụng đòn trừng phạt loại Nga khỏi SWIFT.
Hôm 26/2, khi quân đội Nga tăng cường tấn công vào các thành phố của Ukraine, các đồng minh phương Tây đã tìm cách làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ của nước này bằng cách loại một số ngân hàng khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế.
Các biện pháp này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Canada, Ủy ban châu Âu, Anh, Pháp, Đức và Italy. AFP trích tuyên bố của các nước này cho biết họ "quyết tâm tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh tay vào Nga để Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế khác".
SWIFT là gì?
SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu. Trên thực tế, SWIFT không tự xử lý bất kỳ hoạt động chuyển tiền nào.
Mạng lưới này được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để gửi các lệnh thanh toán một cách an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền xuyên biên giới.
SWIFT giúp các ngân hàng thực hiện hướng dẫn thanh toán một cách nhanh chóng. Điều này đảm bảo các tổ chức tài chính có thể xử lý khối lượng giao dịch lớn mỗi ngày.
Gần 42 triệu tin nhắn với hướng dẫn chuyển hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày vào năm 2021 qua nền tảng này, biến SWIFT trở thành mạng lưới nhắn tin thanh toán quan trọng nhất trên thế giới, "xương sống" của hệ thống chuyển giao tài chính quốc tế.
Alexandra Vacroux - Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu tiếng Nga và Á - Âu tại Đại học Harvard ở Massachusetts - cho biết SWIFT giống như "mạng xã hội dành cho các ngân hàng", không chuyển tiền đi khắp nơi mà cung cấp thông tin về việc tiền đang đi đâu.
“Nó thực sự giống như hệ thống nhắn tin xã hội, kiểu Twitter dành cho các ngân hàng", bà Vacroux nói.
SWIFT có trụ sở tại Bỉ, thành lập vào năm 1973 và được giám sát bởi các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Nga phụ thuộc thế nào vào SWIFT?
Theo Hiệp hội Swift Quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu trong nước đang sử dụng SWIFT. Hơn một nửa số tổ chức tín dụng của Nga có đại diện trong SWIFT và Nga xếp hạng thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, sau Mỹ.
Nga cũng có cơ sở hạ tầng tài chính nội địa của riêng mình, bao gồm hệ thống SPFS cho chuyển khoản ngân hàng và hệ thống Mir cho thanh toán thẻ, tương tự hệ thống Visa và Mastercard.
Tính đến tháng 2/2020, hơn 400 ngân hàng Nga đã tham gia SPFS, vượt quá số lượng ngân hàng Nga đăng ký tham gia SWIFT, theo Harley Balzer - chuyên gia về Nga và quan hệ Nga - Trung, đồng thời là giáo sư danh dự tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C.
Chính phủ Nga đã trợ cấp cho các ngân hàng để khuyến khích họ sử dụng SPFS. Điều này đã khiến các ngân hàng ở Nga muốn trở thành một phần của SPFS vì chi phí rẻ hơn.
Nhưng cho đến nay, chỉ có khoảng một chục ngân hàng nước ngoài đang sử dụng SPFS, có nghĩa là nền tảng này "thực sự không giúp ích nhiều cho (Nga) trong chuyển khoản thanh toán quốc tế", ông Balzer nói.
Ảnh hưởng thế nào?
Trên thực tế, việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ra gián đoạn lớn cho nền kinh tế nước này vì nó hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu của Moscow.
Lệnh cấm sẽ gây khó khăn cho các công ty và cá nhân Nga trong việc thanh toán hàng hóa nhập khẩu hoặc nhận các khoản thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu, giáng đòn mạnh vào lĩnh vực dầu khí quan trọng của nước này, vốn phụ thuộc nhiều vào SWIFT để chuyển vốn. Lệnh trừng phạt mới cũng sẽ hạn chế khả năng đầu tư hoặc vay nợ của người Nga ở nước ngoài.
Các tổ chức tài chính Nga có thể sử dụng những kênh khác như điện thoại, ứng dụng nhắn tin hoặc email để thay thế và xử lý các khoản thanh toán qua ngân hàng ở các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt. Nhưng những lựa chọn thay thế này sẽ không hiệu quả và an toàn như SWIFT, dẫn đến chi phí cao hơn và giảm khối lượng giao dịch.
Tuy nhiên, không chỉ Nga mới chịu thiệt hại từ đòn trừng phạt này.
Theo CBC, Mỹ và Đức sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, vì các ngân hàng ở hai quốc gia này thường xuyên sử dụng SWIFT để liên lạc với các ngân hàng Nga.
"Cả Đức và Italy đều phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với các ngân hàng hoặc loại trừ toàn bộ hệ thống tài chính Nga khỏi SWIFT có nghĩa là họ không thể thanh toán hóa đơn khí đốt", Adam Tooze - giáo sư lịch sử tại Đại học Columbia ở New York - nói, đề cập thêm nhiều nước và doanh nghiệp trên thế giới cũng nhận nguồn năng lượng và giao dịch với Nga.
Nước nào từng bị SWIFT loại trong quá khứ?
SWIFT tự mô tả mình là trung lập về mặt chính trị. Tuy nhiên, SWIFT, được thành lập theo luật của Bỉ, bị ràng buộc bởi các quy tắc của Bỉ và EU, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế.
Gottfried Leibbrandt, cựu lãnh đạo SWIFT, nói trên diễn đàn của Financial Times vào năm 2021 rằng mặc dù mạng lưới này độc lập về mặt kỹ thuật, Mỹ có quyền xử phạt hiệu quả, vì hơn 40% luồng thanh toán là bằng USD.
Vào tháng 11/2019, SWIFT đã "đình chỉ" quyền truy cập của một số ngân hàng Iran.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và lời đe dọa của Bộ trưởng Tài chính khi đó là Steven Mnuchin rằng SWIFT sẽ là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Washington nếu mạng lưới này không tuân thủ.
Iran đã bị ngắt kết nối khỏi mạng SWIFT năm 2012-2016.