"Đám đông trên mạng không có nhiều sức mạnh trong việc mang lại sự dân chủ như chúng ta vẫn tưởng. Họ chỉ đánh người yếu" - tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ trong buổi ra mắt tuyển tập Bức xúc không làm ta vô can sáng 31/10 tại Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội.
Đó cũng chính là những gì anh dùng để trả lời câu hỏi của biên tập viên Mỹ Linh về việc phải chăng thể hiện sự bức xúc trên mạng xã hội là biểu hiện của sự dân chủ so với trước đây? Với tác giả, phản biện xã hội, nếu không phải là phản kháng lại những sự bất công của xã hội, thì sẽ là chia sẻ sự yêu thương đối với những người yếu thế, chứ chắc chắn không phải là đứng ở trên cao nhìn xuống.
Bởi lẽ, bức xúc mà đứng ngoài nói, làm cho ta giống như khoanh tay đứng nhìn chứ không làm ta hoàn toàn vô can.
Cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can là tập tiểu luận xã hội của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một người Áo gốc Việt, vốn đã khá quen thuộc với những người chăm chú theo dõi các sự kiện xã hội. Các toạ đàm do anh chủ trì luôn thu hút rất nhiều người tham gia, không chỉ bởi tính thời sự của những điều anh nhắc tới, mà còn bởi sự tỉnh táo và diễn giải sắc bén của anh. Và Bức xúc không làm ta vô can cũng là một cuốn sách như vậy.
Bức xúc không làm ta vô can khiến mỗi người trong chúng ta đều phải tự suy ngẫm về những vấn đề xã hội. |
Rõ ràng, rành mạch, tập tiểu luận tuyển chọn các bài viết của tác giả từ khi anh trở về Việt Nam, được chia thành ba chương: Vẻ đẹp của người đứng một mình - nói về quan hệ giữa từng cá nhân với xã hội hiện đại; Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn - môi trường, công lý và những vấn đề xã hội khác. Chương cuối cùng Tôn thờ sách là mê tín dị đoan nhắc tới một số hiện tượng và trào lưu văn hoá đương đại. Với cái nhìn của một chuyên gia kinh tế phát triển, một nhà hoạt động xã hội có thâm niên gần 20 năm ở nước ngoài, Đặng Hoàng Giang vận dụng một cách linh hoạt các kiến thức học thuật, hiểu biết xã hội sâu rộng và sự hóm hỉnh châm biếm sắc sảo vào những bài viết của mình, đem lại sự hấp dẫn qua từng trang giấy.
Từ câu chuyện bia đổ ở Đồng Nai hay đánh kẻ trộm chó ở Nghệ An, anh bàn đến những đám đông yếu thế vô định hướng và sợ hãi; anh vạch ra sự giống nhau của những người nghèo ở Hà Giang với người nghèo ở London thời Victoria để nói về sự cách xử sự với một cộng đồng nghèo trong xã hội. Từ một ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng, ta nghe được tác giả nói về một trào lưu bái vật mới - ở đó ta sùng bái những giá trị không hề có thật, không khác gì những người cổ đại tôn sùng những tôn giáo của tự nhiên - những cảm thức mơ hồ của một xã hội bất an. Tất cả những câu chuyện được liên kết với nhau chặt chẽ, bằng giọng văn thấm thía và sâu cay.
Thế nhưng, điều làm nên điểm đặc biệt của Bức xúc không làm ta vô can không phải nằm ở những liên kết, những châm biếm, những sâu cay của một con người uyên bác và tinh tường. Từng trang sách ẩn sâu bóng dáng một con người nhân ái, luôn trăn trở trước những vấn đề của xã hội nơi anh đang sống, đang phụng sự. Đặng Hoàng Giang đã dành ngòi bút sắc lạnh của mình để bảo vệ cho những người yếu thế, cho những giá trị đang bị lấn lướt dần bởi sức mạnh kinh tế. Bằng khả năng của mình, tác giả đã đưa ra những phản biện xã hội cho những vấn đề mà tưởng chừng đã là tiềm thức mỗi người: phẫu thuật thẩm mỹ, câu chuyện người nổi tiếng đi làm từ thiện, hay thịt chó, ấn đền Trần...
Đưa ra những phản biện như vậy, nhưng dường như, người đọc không hề tìm thấy một đề xuất, hay lời tư vấn cho giải pháp của tác giả. Giữa một "rừng" những cuốn sách mang tính tư vấn: tư vấn làm giàu, tư vấn giữ gìn hạnh phúc, tư vấn thành đạt, cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can không phải là một sản phẩm dễ dãi cho cả tác giả lẫn độc giả. Với chừng đó những gợi mở, những liên tưởng, những phản biện mà tác giả đã dày công trình bày, độc giả được gợi mở để bước vào cả một ma trận câu hỏi khác - những câu hỏi mang tính soi chiếu và phản tỉnh: Ta đã làm gì trước xã hội như vậy? Liệu ta đã từng làm thế chưa? Ta đã từng gia nhập vào "cộng đồng mạng" bày tỏ những bức xúc, tự đặt mình vào phe yếu thế, phe bị hại? Để rồi nghĩ rằng ta vô can trước xã hội mà mình đang sống, một cách vô trách nhiệm và lẩn tránh.
Cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một tập tiểu luận, mà trở thành một tấm gương soi chiếu cho cuộc sống của mỗi độc giả, trong một xã hội đầy rẫy những điều lo toan.