Chuyên gia
Zing liên hệ với giáo sư Marc Edelman để tìm hiểu vì sao 12 CLB lớn như Real Madrid, Man United, Barca... lại có ý định táo bạo ly khai, để lập giải đấu riêng.
Sau 48 giờ làm rúng rộng bóng đá thế giới, Super League có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, phản ứng từ những gã khổng lồ như Real Madrid, Man United, Chelsea, Arsenal... trở thành hồi chuông báo động cho Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).
- Chủ tịch Florentino Perez của Super League nói: "Chúng tôi tạo ra Super League để giải cứu bóng đá". Phải chăng, chỉ những CLB nhà giàu mới cần được "giải cứu"?
- Điều này phụ thuộc cách người ta nhìn nhận vấn đề. Các giải đấu thể thao tại Mỹ phát triển mạnh với mô hình giải đấu khép kín. Lúc này, người ta có thể đưa ra những lập luận hợp lý để ủng hộ cấu trúc giải đấu khép kín như Super League hoặc cấu trúc mở như UEFA Champions League.
- Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin, xác nhận sẽ có trừng phạt cho các cầu thủ thi đấu tại Super League bằng cách cấm họ tham dự World Cup và EURO. Điều này sẽ khiến Super League sụp đổ?
- Nếu các thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) nhóm họp và tìm cách cấm các cầu thủ (thuộc những đội dự Super League - PV) dự World Cup và EURO, hành vi này được cho là vi phạm luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu. Tôi không tin UEFA thực sự có thể làm điều này.
Chủ tịch Florentino Perez của Super League đã tuyên chiến với UEFA trong 48 giờ qua. Ảnh: Getty. |
- Giáo sư có thể giải thích thêm về luật chống độc quyền?
- Luật chống độc quyền, hay thường được gọi luật cạnh tranh châu Âu, được hiểu ngăn cản các doanh nghiệp lớn bắt tay tạo ra thế độc quyền. Đây có thể là điều mà các thành viên của UEFA đang làm để ngăn chặn Super League. Họ không muốn thấy một giải đấu cạnh tranh xuất hiện.
Ở Mỹ, việc cấm VĐV một giải đấu chơi cho giải đấu khác là hành vi vi phạm luật chống độc quyền. Theo quan điểm của tôi, luật chống độc quyền ở châu Âu sẽ không có gì khác biệt.
- UEFA vẫn cần phụ thuộc vào những đội bóng lớn như Real Madrid, Barca, Man United... để tìm kiếm doanh thu ở các giải đấu. Vậy giáo sư có đồng ý với quan điểm biện pháp trừng phạt 12 CLB ly khai có thể gây phản tác dụng?
- Những đội ly khai là các CLB lớn, có sức hút trên toàn cầu và hoàn toàn đủ khả năng mang về nguồn thu tài chính cho UEFA. Đó là lý do FIFA và UEFA làm mọi cách để ngăn chặn Super League.
Ở khía cạnh nào đó, những phản ứng của UEFA với Super League giống hệt câu chuyện về nỗ lực ngăn chặn những đội bóng bầu dục đại học hùng mạnh nhất tập hợp lại và thành lập sân chơi riêng trên đất Mỹ. Quyết định ấy cuối cùng phản tác dụng cả về hiệu quả kinh tế và luật chống độc quyền của NCAA (Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia).
- Liệu Super League sẽ trở thành cuộc cách mạng trong bóng đá hay chỉ là trò chơi dành cho những đội nhà giàu?
- Tôi nghĩ giải đấu này cuối cùng sẽ được bổ sung thêm những CLB của Mỹ. Sân chơi này sẽ mang tính toàn cầu và không chỉ đe dọa UEFA, mà cả giải MLS. Ý tưởng về Super League là điều tốt. Nó thúc đẩy sự cạnh tranh và cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho mọi người.
Super League có nguy cơ sụp đổ. Nhưng phản ứng từ các CLB châu Âu đã thật sự khiến UEFA chao đảo. Ảnh: Getty. |
- Super League được hậu thuẫn bởi ngân hàng Mỹ. Phải chăng, đang có xu hướng "Mỹ hóa" các giải đấu lớn của châu Âu?
- Đây chỉ đơn giản bước tiếp theo của những gì đang diễn ra. Xu hướng này bắt đầu với sự hình thành của Premier League. Sau đó, sân chơi này "tấn công" vào nước Mỹ. Các giải đấu thuộc châu Âu cũng hoạt động như vậy.
Về Super League, tôi cho rằng các ông chủ của những đội bóng lớn chỉ đang cố gắng tạo ra hệ thống bảo vệ khoản đầu tư và cho phép họ tránh chia sẻ quyền lợi cho những thị trường nhỏ hơn. Tại Mỹ, điều này vẫn thường xảy ra khi luôn có một nhóm muốn ly khai để thành lập giải đấu riêng.
- Nhiều CLB đã rút lui khỏi Super League, nhưng hành động của 12 đội bóng ly khai trong 48 giờ qua đã nói lên điều gì?
- Dù Super League đối mặt với nhiều trở ngại cũng như thách thức lớn dần, tôi không nghĩ ý tưởng này sẽ biến mất. Đừng ngạc nhiên nếu ngân hàng JP Morgan (đơn vị hậu thuẫn tài chính cho Super League - PV) và một số chủ sở hữu CLB tiếp tục cố gắng thuyết phục những đội bóng khác vào dự án của họ.
- Phản ứng của 12 CLB ly khai giống như một thông điệp gửi tới UEFA về thể thức các giải đấu?
- Tôi cho là vậy. Thông điệp ở đây là những đội bóng chiếm thị trường lớn trên toàn cầu muốn có nhiều quyền tự do và độc lập.
- Xin cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!
Marc Edelman là giáo sư khoa Luật của trường kinh doanh Zicklin thuộc Đại học Baruch, nơi ông giảng dạy các khóa học về luật chống độc quyền, sở hữu trí tuệ và luật thể thao. Giáo sư Edelman cũng sáng luật "luật Edelman" đồng thời là tác giả của nhiều bài báo thể thao liên quan tới luật chống độc quyền của Forbes, Wall Street Journal, Washington Post...