Súp rùa, cháo rắn nước, cháo ếch, súp rắn, đùi ếch nướng - những món ăn phổ biến trong ẩm thực Trung Hoa liệu còn xuất hiện trên menu sau đợt bùng phát dịch Covid-19?
Đó là nỗi lo của các đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực và các chủ nhà hàng, sau khi Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp cao nhất Trung Quốc, ra lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã vào cuối tháng hai - một động thái nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Khu chợ động vật Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi được cho là địa điểm mà virus corona bắt đầu bùng phát, có bán nhiều loại động vật hoang dã. Ảnh: Reuters. |
Tiêu chí không rõ ràng
Virus tới nay đã lây nhiễm cho hơn 100.000 người và khiến hơn 4.000 người tử vong, hầu hết ở Trung Quốc đại lục, khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành du lịch và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị phá vỡ, chắc chắn phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.
Việc tiêu thụ động vật hoang dã cuối cùng đã khiến chính phủ phải hành động, vì cả dịch Covid-19 hiện tại và đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003 bởi một chủng virus corona khác đều được cho là có liên quan đến thị trường tiêu thụ động vật hoang dã của Trung Quốc.
Virus gây bệnh SARS có nguồn gốc từ loài dơi và sau đó nhiều khả năng đã lây sang cầy hương - loài động vật hoang dã mà thịt của nó là món ăn được ưa chuộng ở các vùng phía nam Trung Quốc - tại một khu chợ động vật ở thành phố Phật Sơn trước khi lây sang người.
Trong khi đó, virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 được cho là cũng bắt nguồn từ dơi, và lây sang người thông qua một loại động vật hoang dã ở khu chợ hải sản Vũ Hán. Các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng vật chủ trung gian lần này là tê tê - loài vật mà thịt và vẩy của nó được tin là có công dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền.
Trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về "động vật hoang dã", chính quyền thành phố Thâm Quyến đã đưa ra một dự thảo trong đó quy định chỉ cho phép tiêu thụ thịt của 9 loại động vật bao gồm lợn, bò, gà, thỏ, cá và một số loại hải sản. Thịt chó, mèo, rắn, rùa và ếch sẽ bị cấm tiêu thụ.
Nhiều khu chợ động vật cũng chủ động cập nhật quy định về các mặt hàng được bày bán, sau khi chính quyền trung ương ban hành nghị định siết chặt việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Thâm Quyến là thành phố đầu tiên của Trung Quốc áp đặt lệnh cấm tiêu thụ thịt chó mèo, sau khi virus corona bùng phát ở nước này. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức Thâm Quyến cho biết chính quyền chỉ đưa ra danh sách "trắng" - các loài vật được phép tiêu thụ - chứ không đưa ra danh sách các loài cấm tiêu thụ vì Trung Quốc có hàng chục nghìn loài động vật hoang dã được sử dụng làm thức ăn, vì vậy sẽ không thể đưa ra một danh sách "đen" đầy đủ.
Tuy nhiên, việc chưa có định nghĩa rõ ràng về "động vật hoang dã" đang khiến cho ngành chăn nuôi và dịch vụ nhà hàng ở Trung Quốc hoang mang.
Ảnh hưởng đến ẩm thực Trung Quốc
Ông Duan Ran, thành viên của Hiệp hội Nghề cá Trung Quốc, ông chủ của 11 nhà hàng, cho rằng các loài như kỳ nhông khổng lồ hoặc rắn có thể bị cấm vĩnh viễn. Kỳ nhông khổng lồ được bảo vệ từ năm 1989, nhưng chúng vẫn bị săn bắt và nhân giống trên diện rộng.
Ông cũng cho rằng lệnh cấm dành cho ếch và ba ba sẽ chỉ là tạm thời, và lệnh cấm này sẽ được dỡ bỏ khi hết dịch Covid-19. Hai loài vật này đã có lịch sử từ lâu được nhân giống và tiêu thụ với số lượng lớn.
Chủ của các cơ sở nhân giống và chăn nuôi ếch ở Trung Quốc đang lo ngại về sinh kế của mình, sau khi lệnh cấm của chính phủ được ban hành. Tại Quảng Đông và Hải Nam, những người chủ ở đây đã đăng kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính quyền cho phép họ tiếp tục nuôi ếch.
Nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc năm 2017 ước tính ngành chăn nuôi ếch có giá trị 50 tỷ nhân dân tệ (7,15 tỷ USD) và sử dụng khoảng một triệu lao động trong năm 2016. Có nhiều chuỗi nhà hàng lẩu ở Trung Quốc chuyên các món ăn về ếch, như Wawwajiao hay Walaida.
Ngoài ếch và ba ba, việc chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định loài nào là "động vật hoang dã" khiến cho người chăn nuôi các loại động vật khác như chạch hay lươn cũng không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Ông Paul Lu Yuguo, đầu bếp nổi tiếng và cựu phó tổng thư ký Hiệp hội Ẩm thực Bắc Kinh, cho rằng lệnh cấm của chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của ẩm thực Trung Quốc.
"Động vật hoang dã không đại diện cho các nguyên liệu cấu thành ẩm thực Trung Quốc", ông nói.
Một cửa hàng lẩu Wawajiao - thương hiệu nổi tiếng với những món ăn chế biến từ thịt ếch. Ảnh: South China Morning Post. |
Nhà phê bình ẩm thực K.C. Koo ở Hong Kong cho rằng việc nhân giống và chăn nuôi một số loài động vật nhất định đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, ngành này có thể quản lý được và lệnh cấm nhiều khả năng sẽ được dỡ bỏ sau khi không còn dịch bệnh.
"'Động vật hoang dã'" là một khái niệm rộng, có thể bao gồm cả vịt và gà. Bất cứ loại động vật nào không được nuôi bởi con người đều có thể coi là hoang dã. Sẽ khó mà cấm hết chúng. Một số loài động vật nhất định có nguy cơ, như dơi hay cầy hương, sẽ bị cấm vì đợt bùng phát virus lần này. Nhưng chúng chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Trung Quốc", ông Koo nhận định.