Khi bị bắt giữ tại Pennsylvania hôm 9/12 (giờ địa phương), cảnh sát phát hiện Luigi Mangione (26 tuổi, nghi phạm trong vụ nổ súng đoạt mạng CEO Brian Thompson của UnitedHealthcare) có một khẩu "súng ma" có thể được in 3D cùng một số tang vật khác như một chiếc túi Faraday có tác dụng chặn tín hiệu di động, giấy tờ tùy thân giả và chiếc khẩu trang tương tự loại mà nghi phạm trong vụ nổ súng ở New York đã sử dụng.
Khẩu "súng ma" mà cảnh sát Altoona thu giữ được trên người Mangione đã trở nên phổ biến trong một thập kỷ qua, phần lớn vì loại công cụ này không có số seri và khó bị lực lượng chức năng truy dấu.
Luigi Mangione bị cảnh sát Altoona (Pennsylvania) bắt giữ hôm 9/12 khi xuất hiện tại một cửa hàng McDonald's. Mangione bị cáo buộc đã nổ súng khiến CEO Brian Thompson của UnitedHealthcare thiệt mạng trên Đại lộ 6 ở New York hôm 4/12. Magione bị Văn phòng Công tố viên Manhattan truy tố chỉ vài giờ sau đó. Ảnh: NBC. |
Loại "súng ma" mà Mangione sở hữu có thể được chế tạo bằng máy in 3D hoặc đặt mua rời các bộ phận từ Internet rồi tự lắp ráp.
Trong quá khứ, "súng ma" từng được xem như một công cụ giải trí của những người yêu thích súng đạn song giờ đây đã trở thành một phần của vấn nạn bạo lực vũ trang tại Mỹ.
"Súng ma" là gì?
"Súng ma" là thuật ngữ chỉ chung các loại súng được mua dưới dạng khung hoặc bộ phận khóa nòng không hoàn chỉnh, vốn có thể được lắp ráp thành súng dùng được bằng cách kết hợp với các bộ phận khác mua riêng.
Thuật ngữ "súng ma" được dùng để mô tả sự "vô hình" của các thiết bị này trong mắt lực lượng thực thi pháp luật. Trước năm 2022, "súng ma" không có số seri và người dùng có thể mua các bộ lắp ráp súng nói trên mà không cần đăng ký.
Thậm chí, nhiều người chưa đủ tuổi hợp pháp sử dụng súng hoặc không cần trải qua quá trình kiểm tra lý lịch thường lệ vẫn có thể đặt mua các khẩu "súng ma", theo Guardian.
Máy in 3D cũng đã được sử dụng để chế tạo súng đầy đủ chức năng, các bộ phận của súng và phụ kiện.
"Súng ma" vốn đã xuất hiện từ lâu dưới dạng đồ sưu tập cho giới chơi súng. Ảnh: San Francisco Chronicles. |
"Súng ma" trở nên nổi tiếng vào giữa thập niên 2010 sau khi Cody Wilson, nhà vận động vì quyền sử dụng súng, thành lập tổ chức Defense Distributed và phân phối nguồn mở với các sơ đồ kỹ thuật số cần thiết để tạo ra súng.
Mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng ban hành và duy trì một đạo luật nhằm ngăn chặn việc phân phối các loại bản vẽ này, sự mơ hồ xoay quanh tính hợp pháp của chúng đồng nghĩa rằng người ta vẫn có thể tìm thấy những sơ đồ kỹ thuật số thiết kế súng trên Internet.
Các bộ lắp ráp súng thủ công đã xuất hiện từ thập niên 1990 song chúng nhanh chóng thu hút sự chú ý vào những năm 2010 khi được sử dụng trong những vụ nổ súng nổi tiếng.
Tại California, nơi giới chức địa phương đã đệ đơn kiện các đơn vị sản xuất "súng ma" và hình sự hóa việc sử dụng chúng, nhiều vụ nổ súng nổi bật đã được xác định có liên quan đến "súng ma" trong thập kỷ qua.
Súng tự chế đã được sử dụng trong một vụ xả súng hàng loạt ở Santa Monica vào năm 2013. Các khẩu "súng ma" cũng được cho là đã xuất hiện trong vụ cướp nhà băng ở Stockton hồi 2014 và một vụ nổ súng làm 6 người thiệt mạng ở ngoại ô Tehama vào năm 2017.
Năm 2019, một học sinh 16 tuổi ở Santa Clarita đã dùng một khẩu "súng ma" để giết 2 học sinh và làm 3 người khác bị thương trước khi tự tử.
California là một trong những tiểu bang chứng kiến nhiều vụ nổ súng liên quan đến "súng ma" nhất. Ảnh: Văn phòng cảnh sát Hạt Santa Clarita. |
Những sự vụ nói trên đã giúp các nhà chức trách có cái nhìn sâu sát hơn và nhận ra rằng "súng ma" là những vũ khí đặc biệt chứ không đơn thuần là súng bị xóa số seri.
Dẫu vậy, số lượng súng ma cảnh sát thu được ngày càng nhiều. Vào năm 2022, Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) đã tịch thu 25.785 khẩu "súng ma", tăng gấp gần 16 lần so với năm 2017, theo số liệu của Bộ Tư pháp Mỹ.
"Súng ma" có hợp pháp không?
Tại Mỹ, việc sở hữu và lắp ráp các bộ súng tự chế được xem là hợp pháp ở cấp độ liên bang. Tuy nhiên, những khẩu "súng ma" này đã được kiểm định chặt chẽ hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Vào năm 2022, ATF đưa ra quy định mới yêu cầu các công ty thêm số seri vào những bộ phận của "súng ma", đồng thời tiến hành kiểm tra lý lịch của những khách hàng có ý định mua chúng.
ATF cũng liệt một số thành phần trong các bộ súng tự lắp ráp vào chung danh mục với súng truyền thống. ATF đồng thời yêu cầu các đại lý súng được cấp phép liên bang phải lưu giữ hồ sơ về những khẩu "súng ma" được bán ra cho đến khi họ ngừng hoạt động.
Động thái này nhanh chóng vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ những nhà sản xuất súng và các nhà hoạt động ủng hộ Tu chính án thứ 2, theo Guardian.
Cuộc chiến pháp lý xoay quanh quy định của ATF đã trở thành tâm điểm trong án lệ Garland v VanDerStok tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.