PAK FA T-50, chương trình phát triển máy bay lớn nhất thời hậu Xô viết. Ảnh: Ausairpower |
Theo National Interest, chương trình tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 đang bước vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển. Không quân Nga dự kiến sẽ đưa tiêm kích tàng hình này vào sử dụng từ năm sau.
"Năm 2016, Không quân Nga sẽ nhận được mô hình sản xuất đầu tiên của máy bay chiến đấu tàng hình", RT đưa tin. Ngoài ra, tất cả những đổi mới về kỹ thuật và vũ khí của T-50 sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đặc biệt, tiêm kích này sẽ được trang bị 12 loại vũ khí mới, trong đó có 6 loại tên lửa hoạt động từ năm 2017.
Một trong những điểm đáng chú ý là T-50 sẽ mang tên lửa siêu thanh được thiết kế đặc biệt để phù hợp với khoang chứa bên trong thân máy bay. Giới phân tích phương Tây nhận định, T-50 sẽ tạo ra sự đột phá lớn về sức mạnh cho Không quân Nga.
"Các phân tích của tôi về PAK FA cho thấy, tiêm kích này là một thiết kế tinh vi, thậm chí vượt trội so với máy bay Mỹ. Nó là sự kết hợp giữa khả năng cơ động với động cơ kiểm soát vector lực đẩy và thiết kế khí động học tuyệt vời hơn F-35", trung tướng Dave Deptula, cựu giám đốc Tình báo Không quân Mỹ, nhận xét.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác của Lầu Năm Góc từng thừa nhận, T-50 sẽ là đối thủ đáng gờm của F-22 Raptor.
Khả năng bỏ ngỏ
Một động cơ của T-50 bốc cháy trong khi hạ cánh tại triển lãm hàng không MAKS-2011 ở Nga. Ảnh: Wikipedia |
Tuy nhiên, những áp lực từ khủng hoảng kinh tế và thách thức công nghệ có thể trở thành "nút cổ chai" trong nỗ lực đưa T-50 vào sản xuất.
Vài tháng trước, Không quân Nga đã giảm đơn hàng đầu tiên từ 50 xuống còn 12 máy bay. Harry J. Kazianis, thành viên cao cấp Trung tâm chính sách quốc phòng Mỹ nhận định, lý do của động thái này là dấu hiệu cho thấy sự khó khăn về kinh tế của Moscow dưới áp lực của phương Tây.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng giải thích rằng: "Trong điều kiện kinh tế mới, kế hoạch mua sắm ban đầu có thể phải điều chỉnh. Số lượng mua T-50 sẽ giảm xuống để tập trung nguồn lực cho tiêm kích thế hệ 4+".
Số lượng mua giảm khiến T-50 khó lòng tạo ra sự thay đổi lớn về khả năng tác chiến cho Không quân Nga. Trong khi đó, Mỹ có trong biên chế 183 tiêm kích F-22 cùng với kế hoạch sản xuất 2.443 chiếc F-35.
Ngoài ra, vấn đề ngân sách đặt ra câu hỏi về khả năng của Nga trong việc rút ngắn khoảng cách về hệ thống điện tử, cảm biến so với F-22 hay F-35 của Mỹ. Đánh giá về hệ thống điện tử trên T-50, trung tướng Deptula nhận định, PAK FA tương đương với tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet hoặc F-16 E/F block 60 và còn kém so với F-22 hay F-35.
Trong khi đó, một quan chức trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ nhận xét, T-50 là một chiến đấu cơ thế hệ 5 nhưng có hệ thống điện tử của tiêm kích thế hệ 4,5 so với tiêu chuẩn của Mỹ. PAK FA từng được kỳ vọng sẽ xóa khoảng cách về công nghệ điện tử hàng không so với Washington. Tuy nhiên, kinh tế có thể trở thành rào cản lớn trong cuộc đua công nghệ với Mỹ.