Mô hình được cho là tàu sân bay thế hệ mới của Nga. Ảnh: Sputnik |
Tàu sân bay thế hệ mới
Trong tháng 3, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, công bố thông tin về hàng không mẫu hạm mà Moscow đang phát triển. Theo kế hoạch, nó sẽ góp mặt trong biên chế hải quân trước năm 2030. National Interest đánh giá tàu sân bay thế hệ mới này đứng đầu trong 5 vũ khí uy lực nhất của Hải quân Nga.
Theo các nguồn tin, tàu nặng 100.000 tấn và có thể mang 100 máy bay. Nó được thiết kế để các máy bay thế hệ mới nhất của Nga có thể hoạt động như chiến đấu cơ thế hệ thứ năm PAK-FA (Sukhoi T-50); chiến đấu cơ đa nhiệm hải quân MiG-35, trực thăng và máy bay cảnh báo sớm. Ngoài ra, máy bay không người lái của Nga cũng có thể cất và hạ cánh trên tàu sân bay này.Theo National Interest, nếu Nga đã đóng tàu sân bay, họ sẽ không dừng lại ở 1 chiếc. Moscow cần đóng 3 chiếc để đảm bảo ít nhất 1 chiếc luôn sẵn sàng hoạt động. Trong khi đó, Hải quân Nga cần 6 chiếc để hiện diện đồng thời ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Tàu ngầm "vô hình" Varshavyanka
Tàu ngầm điện-diesel lớp Varshavyanka. Ảnh: Sputnik |
Sử dụng nhiên liệu điện-diesel, tàu ngầm Varshavyanka được mệnh danh là "tàu ngầm bí mật nhất thế giới". Nó vượt trội hơn nhiều so với các tàu ngầm Kilo vốn được phương Tây gọi là "hố đen trong lòng đại dương". Varshavyanka không thể lặn sâu như các tàu ngầm hạt nhân nhưng chúng gây ra rất ít tiếng động khi vận hành. Nó giúp vô hiệu hóa các phương thức săn ngầm của đối phương.
Theo Naval Technology, các tàu lớp Varshavyanka có thể tuần tra tối đa 45 ngày trong phạm vi hoạt động 650 km. Nó được trang bị tên lửa đối không, đối đất cùng ngư lôi, giúp tàu tấn công các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển. Loại tàu này được kỳ vọng phát huy tối đa hiệu quả ở các vùng nước nông.
Tàu ngầm lớp Lada
Tàu ngầm điện-diesel lớp Lada. Ảnh: Sputnik |
Lada là một tàu ngầm điện-diesel được phát triển từ tàu ngầm lớp Kilo. Tàu nhỏ, nhẹ và có phạm vi hoạt động tốt hơn so với "hố đen". Các tàu lớp Lada ra đời nhằm tuần tra bờ biển, chống hạm và săn ngầm. Chúng cũng có thể đảm nhận nhiệm vụ do thám, giám sát và trinh sát. Lada cũng được dùng làm tàu mẹ hỗ trợ đặc nhiệm hải quân.
Tàu ngầm lớp Lada đầu tiên được đóng năm 1997 và hoàn thiện năm 2004. Tuy nhiên, con tàu phải trải qua 6 năm nâng cấp trước khi được đưa vào biên chế chiến đấu của Hải quân Nga. Lớp tàu này bị hủy bỏ nhưng được tái khởi động năm 2014. Người ta chưa thể xác định chính xác số lượng tàu ngầm lớp Lada trong biên chế Hải quân Nga.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei. Ảnh: Sputnik |
Hải quân Nga phát triển các tàu ngầm lớp Borei để thay thế các tàu ngầm thuộc lớp Delta III, Delta IV và Typhoon. Borei có khả năng mang 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân Bulava. Đây là tên lửa phóng từ dưới nước, có thể mang 6 tới 10 đầu đạn hạt nhân. Tổng số đầu đạn hạt nhân tàu có thể mang theo đạt 96 tới 196.
Hiện tại, Hải quân Nga đã trang bị 3 tàu lớp Borei, tới năm 2020, Nga sẽ có toàn bộ 8 tàu lớp này. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Nga. Sự hiện diện của các tàu lớp Borei sẽ tiếp thêm sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược cho quân đội Nga.
Tàu đổ bộ Ivan Gren
Tàu đổ bộ lớp Ivan Gren. Ảnh: Sputnik |
Hạm đội tàu đổ bộ Nga đang sử dụng được phát triển trong thời Chiến tranh Lạnh nên phần lớn đã lỗi thời và lão hóa. Hơn một nửa số tàu lớp Ivan Rogovs đã "nghỉ hưu" nên Nga cần tàu mới thay thế. Tàu lớp Ivan Gren là phương án hoàn hảo để đảm bảo khả năng đổ bộ của Nga.
Ivan Gren có tải trọng 6.000 tấn, rất nhỏ so với hạm đội tàu đổ bộ Mỹ. Tuy nhiên, mỗi tàu lớp này có thể chở 13 xe tăng, 36 xe bọc thép cùng 350 binh sĩ cùng máy bay trực thăng, giúp tăng khả năng đưa quân lên lãnh thổ địch. Vũ khí của tàu là hai hệ thống phóng tên lửa WM-18 để dọn chướng ngại vật, 2 pháo hạm AK-176M và súng máy.