Dòng sách kinh điển đang có dầu hiệu hồi sinh tại Việt Nam khi được xuất bản với những hình thức mới và nội dung được chú trọng nhiều hơn trong khâu chuyển ngữ, biên tập, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc.
Một trong những lợi thế của dòng sách này là tầm ảnh hưởng sâu rộng khi các tác phẩm đều được dịch ra nhiều thứ tiếng và được thể hiện lại bằng nhiều hình thức: phim điện ảnh, truyền hình, kịch nói… Giá trị nghệ thuật của những tác phẩm kinh điển cũng được cả thế giới kiểm chứng và công nhận qua thời gian, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị xuất bản trong nước vẫn giữ tư duy "ấn hành" với dòng sách này. Việc phát hành theo quán tính và không thực sự được chăm chút về hình thức, cách tiếp cận những thế hệ bạn đọc mới không đem lại hiệu quả về thương mại cũng như chưa tôn vinh được giá trị thực sự của các tác phẩm.
Hiện trạng sách kinh điển tại Việt Nam
Tại Việt Nam dòng sách kinh điển trong nhiều năm qua luôn là mục các ấn phẩm không thể thiếu của các nhà xuất bản như Kim Đồng, Trẻ, Văn hóa... và được tái bản đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, cơ chế thiếu thông thoáng và không có sự đổi mới của các NXB này khiến các tác phẩm không có nhiều thay đổi khi vẫn mang hơi hướm cũ về hình thức, lặp lại về nội dung và cổ về phong cách biên tập. Khâu chọn lọc đa phần nhắm tới tác phẩm mang tính hàn lâm kén người đọc.
Làm mới về hình thức, biên tập lại kỹ càng về nội dung, thậm chí sử dụng bản dịch hoàn toàn mới, đó là cách mà nhiều công ty sách cũng như các nhà xuất bản đã thực hiện để mang lại một sức sống mới cho những tác phẩm văn học kinh điển.
Những tác phẩm kinh điển được xuất bản với diện mạo mới hoàn toàn vẫn tạo được sức hút không nhỏ với thế hệ độc giả trẻ. |
Xu hướng làm mới lại những tác phẩm kinh điển bắt đầu từ năm 2013, khi một số tác phẩm xuất hiện trên thị trường với hình ảnh mới như Không gia đình, Lolita, Giết con chim Nhại… được các đơn vị xuất bản tư nhân ra mắt với một diện mạo hoàn toàn mới. Điều này bắt đầu thu hút sự chú ý của độc giả. Nhưng phải thực sự đến năm cuối năm 2014, văn học kinh điển mới thực sự “bừng tỉnh” với nhiều tác phẩm đồng loại được phát hành bắt mắt và ấn tượng hơn hẳn.
Những nhân tố mới
Trong công cuộc đem lại sức sống mới cho văn học kinh điển, công đầu thuộc về những tủ sách mang giá trị cao tới từ các đơn vị như Đinh Tị, Nhã Nam và Tao Đàn. Trong đó, có thể dễ dàng nhận thấy những bộ sách này đã có sự đầu tư nhiều về cả bìa sách, lẫn chất lượng biên tập và giấy in.
Khác với các cuốn sách mới, những tác phẩm văn học kinh điển đã được độc giả biết đến rất nhiều. Đa phần độc giả đều đã biết qua về nội dung sách. Do đó, ấn tượng trên hết để thu hút sự chú ý của độc giả lại nằm ở hình thức và nôi dung đổi mới của tác phẩm.
Chia sẻ về dòng sách kinh điển mà Nhã Nam đang theo đuổi ông Xuân Minh đại diên cho đơn vị này cho biết: "Với việc làm mới lại diện mạo của các sách kinh điển, chúng tôi hy vọng có thể tiếp cận các độc giả trẻ tuổi hơn. Đây là một dòng sách kén người đọc, nhưng với việc đa dạng hoá, mở rộng thêm các các dòng sách khác, chúng tôi sẽ tự cân đối lại tỷ lệ giữa các dòng sách và làm theo sức của mình, tuỳ vào từng thời điểm".
Về định hướng của dòng sách này trong tương lai ông cũng cho biết: "Đối với sách nước ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục tái bản hoặc dịch lại những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, có hoặc chưa từng xuất bản tại Việt Nam. Đối với các tác phẩm Việt Nam, chúng tôi có một nhóm các chuyên gia cố vấn gồm các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu văn hoá, các nhà sưu tầm sách... chúng tôi sẽ dựa vào ý kiến của nhóm chuyên gia này để quyết định xem nên tái bản tác phẩm nào, lộ trình ra sao".
Một điểm cộng khác của các đơn vị xuất bản này chính là ở việc biên tập lại tác phẩm một cách chính xác và hiện đại dựa trên các bản dịch cũ thay vì chọn lại những bản dịch trước đây. Sự mới mẻ trong văn phong cách cũng như cách trau chuốt của những dịch giả thế hệ sau này cũng phần nào thổi thêm làn gió mới cho mỗi tác phẩm phẩm. Ngoài ra tên gọi của nhân vật hay tên địa danh, thay vì để tên phiên âm tiếng Việt như những bản sách xuất bản rất lâu trước kia thì nay đã được sửa lại thành tên gốc (ví dụ, “Oliver Twist” thay vì “Ôlivơ-Tuýt”, Tom Sawyer” thay vì “Tôm-Xoay-Ơ”…).
Chất lượng giấy in được sử dụng để in những tác phẩm này cũng được thay bằng loại giấy mỏng nhẹ và chống lóa phù hợp với thị yếu độc giả hiện tại. Thay vì phải cầm những cuốn sách nặng nề trên tay, những tác phẩm xuất bản mới đều trở nên nhẹ hơn và tiện dụng cho các bạn độc giả khi muốn mang theo bên mình để đọc trong thời gian rảnh rỗi.
Sự trở lại mạnh mẽ của văn học kinh điển cũng được thể hiện qua số lượng tác phẩm của dòng sách này được làm lại và phát hành trên thị trường. Rất nhiều đơn vị phát hành sách tham gia công cuộc làm mới sách kinh điển. Trong đó, chỉ riêng Đinh Tị đã có gần 20 tác phẩm đã được làm mới lại và phát hành từ đầu năm đến nay. Nhã Nam lại có sự phong phú hơn về đầu sách khi đẩy mạnh cả những tác phẩm kinh điển của các cây bút gạo cội trong làng văn học Việt Nam. Còn Tao Đàn chọn cho mình hướng đi mới có phần khó khăn hơn nhưng lại rất đáng chú ý khi đánh vào những tác phầm hiếm.
Dù quyết tâm đẩy mạnh dòng sách kinh điển là 1 hướng đi mới và ý nghĩa thúc đẩy nền xuất bản Việt nhưng đây vẫn được xem như một khoản đầu tư mạo hiểm của các đơn vị xuất bản khi khó tạo được cơn sốt như những dòng sách mới để đem về doanh thu cao. Tuy nhiên, Đinh Tị Books lại tỏ ra rất lạc quan về dòng sách này. "Thật ra, sách kinh điển không phải là dòng sách quá kén người đọc, đây chỉ không phải là dòng sách ồn ào mà sẽ tiếp cận độc giả từ từ, nhưng sức sống của nó sẽ lâu bền" - bà Hải Ngọc, phó giám đốc xuất bản của đơn vị này cho biết.
Đinh Tị đã hoàn thành việc xây dựng tủ sách "Văn học kinh điển" với hơn hàng loạt tác phẩm đã được lựa chọn làm mới lại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Thời gian tới, tủ sách "văn học kinh điển" của DinhtBooks cũng sẽ có thêm nhiều tác phẩm nữa được làm mới lại để ra mắt bạn đọc.