Chiến tích á quân châu Á của U23 Việt Nam đã giúp ích rất nhiều cho V.League. Người hâm mộ năm nay háo hức đến sân để xem các thần tượng thi đấu, trong đó có một lực lượng đông đảo những CĐV mới, trước giờ không quan tâm nhiều đến môn thể thao vua.
Theo thống kê của VPF, 5 trận đấu của vòng một thu hút 60.000 khán giả đến sân, trung bình 12.000 người/trận. Con số này cao hơn hẳn 3 mùa trước đó. Chẳng hạn năm 2017 có 8.571 người/trận, năm 2016 có 10.071 người/trận và năm 2015 có 7.643 người/trận.
Sang đến vòng hai, hơn 71.000 khán giả đã đến sân theo dõi 7 trận đấu, trung bình 10,1 nghìn người mỗi trận.
Một số thống kê sau 2 vòng đấu. |
Trong loạt trận đấu diễn ra cuối tuần qua, SVĐ Lạch Tray đón lượng khán giả hùng hậu nhất với 21.000 người đến theo dõi cuộc đối đầu giữa Hải Phòng và HAGL. Trận đấu diễn ra trên chảo lửa Lạch Tray của địa phương có lực lượng CĐV bóng đá cuồng nhiệt bậc nhất Việt Nam, lại có sự hiện diện của nhiều tuyển thủ U23 bên phía HAGL nên hội tụ đủ những yếu tố để trở thành trận đấu "hot" nhất vòng.
Trận đấu giữa Thanh Hoá và TP.HCM đón lượng khán giả đông thứ hai với 12.000 người. Lượng khán giả này đã phủ kín sân Thanh Hoá trong trận mở màn V.League 2018 của đội đương kim á quân. Rất nhiều người Thanh Hóa và các tỉnh lân cận đến sân để theo dõi màn trình diễn của Bùi Tiến Dũng, thủ môn được yêu thích nhất Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê, đã có 16 bàn thắng được ghi trong 7 trận đấu ở vòng hai V.League, tức trung bình 2,29 bàn mỗi trận. Chỉ số này ở vòng một rất thấp (0,8 bàn/trận).
Bảng xếp hạng V.League. |
1. SVĐ Lạch Tray (Hải Phòng): 21.000 người
2. SVĐ Thanh Hóa (FLC Thanh Hóa): 12.000 người
3. SVĐ Hòa Xuân (SHB Đà Nẵng): 11.000 người
4. SVĐ Vinh (Sông Lam Nghệ An): 10.000 người
5. SVĐ Cần Thơ (SXKT Cần Thơ): 8.000 người
6. SVĐ Bình Dương (Becamex Bình Dương): 5.000 người
7. SVĐ Thống Nhất (Sài Gòn): 4.000 người