Moskva là tàu tuần dương sở hữu hệ thống tên lửa dẫn đường đầu tiên thuộc lớp Project 1164 Atlant, hay còn được gọi là lớp Slava. Không chỉ sở hữu số lượng lớn tên lửa tấn công, các tàu lớp Slava còn có bãi đáp trực thăng, cho phép nó triển khai 2 loại máy bay Kamov Ka-25 hoặc Kamov Ka-27.
Soái hạm Moskva. |
Hiện tại, Moskva tới vùng biển phía đông Địa Trung Hải để đảm trách vai trò soái hạm trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch tấn công Syria. Việc soái hạm của hạm đội Biển Đen xuất hiện ở vùng biển quốc tế gần hải phận Syria phần nào cho thấy quan điểm của Moscow trong vấn đề này.
Là tàu đầu tiên thuộc lớp Slava, Moskva được đóng từ năm 1976 tại nhà máy đóng tàu Kommunara ở Nikolayev. Được hạ thủy năm 1979 và chính thức được gia nhập biên chế hải quân ngày 30/1/1983, Slava nhanh chóng trở thành ngôi sao của hải quân Liên Xô.
Sau những biến cố chính trị, Slava trở lại nhà máy đóng tàu Nikolayev vào tháng 12/1990. Phải tới 10 năm sau, Slava mới trở lại biên chế Hải quân Nga với tên gọi Moskva. Ngay sau khi trở lại, Moskva thay thế tàu Đô đốc Golovko thuộc lớp Kynda, trở thành soái hạm của hạm đội Biển Đen.
Kể từ khi trở lại, Moskva tích cực tham gia vào các hoạt động của hải quân Nga. Tháng 4/2003, soái hạm Moskva cùng với các tàu Pytlivy, Smetlivy và một tàu đổ bộ khác đã rời Sevastopol để tập trận trên biển Ấn Độ Dương cùng hạm đội Thái Bình Dương và hải quân Ấn Độ.
Cận cảnh soái hạm Mosva. |
Trong năm 2008, Moskva tiếp tục được triển khai để đảm bảo an ninh trên Biển Đen khi khủng hoảng Gruzia nổ ra. Sau khi Nga công nhận Nhà nước độc lập Abkhazia, Moskva neo đậu tại Sukhumi, thủ đô Abkhazia.
Tháng 12/2009, Moskva vào nhà máy đóng tàu Kommunara để đại tu. Trở lại vào tháng 4/2010, tàu tiếp tục tham gia các cuộc tập trận trên biển Ấn Độ Dương. Những ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, Moskva tham gia tập trận bắn đạn thật trên biển Đại Tây Dương.
Moskva có độ choán nước 11.490 tấn, dài 186,4 m, nơi rộng nhất đạt 8,4 m. Nó có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 32 hải lý (tương đương 60 km/h). Phạm vi hoạt động của nó là 16.000 km.
Để đáp ứng vai trò soái hạm trong hạm đội Biển Đen, Moskva mang theo số lượng lớn radar tối tân cùng các hệ thống chiến tranh điện tử linh hoạt. Hệ thống radar cho phép Moskva xác định các mục tiêu ngầm, trên mặt biển hoặc trên không trước khi các hệ thống kiểm soát hỏa lực khóa mục tiêu để tên lửa tiêu diệt.
Hệ thống ống phóng tên lửa chống hạm P-500 Bazalt trên tàu Moskva. |
Về vũ khí, Moskva sở hữu 16 ống phóng tên lửa chống hạm P-500 Bazalt (tên NATO SS-N-12 SANDBOX), 64 ống phóng tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU, 40 ống phóng tên lửa phòng không tầm ngắn 9K33 Osa, hai bệ súng cối chống ngầm RBU-6000 và 10 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Trong tác chiến gần, Moskva mang pháo AK-130 cỡ nòng 130 mm cùng với 6 bệ súng máy hai giàn, đa nòng AK-360. Bệ súng máy AK-360 bao gồm hai nòng súng đồng trục, hoạt động dựa hoàn toàn vào hệ thống kiểm soát hỏa lực với radar theo dõi mục tiêu. Mỗi hệ thống nòng súng của AK-360 bao gồm 6 nòng con, cỡ 30 mm/nòng. Với khả năng bắn 10.000 viên đạn/phút cùng tầm bắn 5 km, AK-360 là lớp bảo vệ không thể xuyên phá của Moskva trước những cuộc tấn công.
Để tăng cường khả năng tác chiến trên biển và săn ngầm, Moskva còn được trang bị 1 trực thăng Ka-25 hoặc Ka-27. Sân đỗ cùng nhà chứa trực thăng được thiết kế ở phía đuôi trong khi bệ phóng tên lửa, ngư lôi nằm phía trước giúp tăng cường khả năng tác chiến của các tàu tuần dương tên lửa thuộc lớp Slava.