Hồi nhỏ, ông bác ruột cho tôi một tấm bản đồ. Tôi mê tấm bản đồ ấy lắm, suốt ngày trải ra chiếu để ngắm thế giới. Vì mê quá, nên một ngày, tôi quyết tâm vẽ lại tấm bản đồ! Đấy là một công việc siêu vất vả với một thằng bé lớp năm.
Trước hết phải tìm ra một vài tờ giấy trắng rất to, và vì những tờ giấy khổ lớn như thế hồi đó rất hiếm, nên không được vẽ sai, không được vẽ ẩu, đã thế vẫn phải đảm bảo tỷ lệ để sao cho diện tích các nước tương xứng với tấm bản đồ thật . Sau khi tôi làm hỏng hai tờ giấy khổ lớn và dùng hết mất một hộp bút dạ, tấm bản đồ cũng xong.
Ấn tượng về tấm bản đồ tự vẽ ấy lớn đến mức, bây giờ sau mấy chục năm, tôi vẫn nhớ như in nhiều địa danh trên đó, cứ như là cả thế giới trong lòng bàn tay vậy. Ngày đó, có người lớn hỏi: “Sao cháu vẽ bản đồ? Cháu vẽ để làm gì trong khi cháu đã có một cái?”.
Ước mơ sẽ thành sự thực khi ta có đủ khao khát để thực hiện nó. Ảnh: Pinterest. |
Tôi bảo: “Cháu mơ một ngày đi vòng quanh thế giới. Bây giờ chưa đi được thì cháu đi tạm bằng cách vẽ”. Bác ấy nhún vai, có lẽ nghĩ tôi là thằng ngông cuồng. Hồi đó, chuyện ra thế giới không đơn giản vì nước Việt Nam đang bị cấm vận, đời sống mọi người đều khó khăn, kiếm cái gì bỏ vào mồm hà
ng ngày còn khó, nói gì đến việc đi vòng quanh thế giới!
Thế mà rồi giấc mơ ấy của tôi cũng thành hiện thực, được thúc đẩy chính từ những tấm bản đồ tự vẽ, cũng như từ thái độ của người lớn kia. Tôi không đi kiểu như chàng Fileas Fogg trong cuốn sách Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne nhưng bây giờ đã biết được có một thế giới ở ngoài Việt Nam, có thể ngửi được, sờ được, cảm nhận được bằng mọi giác quan thực sự, chứ không phải mơ.
Tôi cũng ham mê những cuốn sách về đề tài vũ trụ hồi xưa hiếm lắm. Lại có người trêu tôi, đọc mấy cái thứ to tát viển vông đâu đâu, lớn lên sao kiếm được tiền. Nhưng dần dà tôi vẫn chất đầy nhà những cuốn sách về khoa học vũ trụ, như một lời tuyên ngôn: Tôi nhìn lên trên cao, tôi mơ vươn tới những vì sao, vì tôi khao khát vượt ra khỏi những gì hữu hạn và chật hẹp của cuộc đời.
Hãy tôn trọng những ước mơ
Mỗi cuộc đời con người trôi qua cũng chỉ như một tích tắc của vũ trụ. Mỗi một thế kỷ trôi qua chẳng khác một cái chớp mắt dài của khoảng không vô tận đang bao lấy chúng ta từ hư vô. Sống như thế nào để những cái nhỏ nhen và bon chen không làm cho mình trở nên tầm thường và ti tiện. Sống như thế nào để những mơ mộng, lãng mạn và xa xôi không làm mình trở nên thiếu thực tế. Không đơn giản. Nhưng ít nhất tôi hướng mình đến sự tử tế.
Một người tôi quen cười rũ ra khi kể rằng thằng bé út bảy tuổi con bạn nói khi lớn lên muốn trở thành thủ tướng. Bạn bảo con thôi đừng nghĩ đến điều ngông cuồng ấy. Tôi không đồng tình với bạn. Con ước mơ như thế đâu có gì tội lỗi và vớ vẩn như người lớn đang nghĩ. Hãy tôn trọng chính kiến của con, ước mơ của con. Bố mẹ không chỉ nuôi dưỡng con về vật chất mà còn phải nuôi dưỡng trẻ về tâm hồn và những ước mơ. Những ước mơ giống một khu vườn đẹp trong tâm hồn . Ai cũng có khu vườn, và nó cần được chăm sóc mỗi ngày.
Nếu một đứa trẻ mơ ước điều gì đó, không nên phê phán hay chỉ trích nó là “điên rồ”, hay “không khiêm tốn”, hãy làm điều gì đó để trẻ nói lên và chia sẻ với chúng ta ước mơ ấy. Sau này trẻ có thực hiện được ước mơ của mình hay không, hoặc sau đó lại có những ước mơ khác, thời gian sẽ trả lời. Bởi còn biết ước mơ là còn biết vươn tới, là còn mạnh mẽ và hy vọng.
Điều đáng sợ là không còn biết ước mơ.