Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sức ép mới lên Mỹ khi quân Nga dần áp đảo ở Ukraine

Đang có sự chia rẽ tại Mỹ về cách Washington đánh giá triển vọng chiến sự ở Ukraine, người thì bi quan về tương lai của Ukraine, người tin khả năng thắng thế của Kyiv.

nga tan cong ukraine anh 1

Hơn 4 tháng từ khi phát động "chiến dịch quân sự" ở Ukraine, Moscow đã điều chỉnh mục tiêu, tập trung hướng tới kiểm soát vùng Donbas giàu tài nguyên.

Với hàng nghìn phi pháo cùng ưu thế về tên lửa và không quân, Nga đang tỏ ra áp đảo về hỏa lực so với quân đội chính phủ Ukraine, theo Washington Post.

Đánh giá về chiến sự bị hoài nghi

Phát biểu hôm 30/6 tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ đang "tập hợp thế giới sát cánh cùng Ukraine", đồng thời cam kết phương Tây sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng.

"Tôi không biết cơn ác mộng này sẽ kết thúc như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ không phải là người Ukraine bị đánh bại trên chính đất nước của mình", Tổng thống Biden nói.

Giới chức Mỹ thừa nhận lực lượng Nga có hỏa lực rất mạnh và đang từ từ kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine. Mới nhất, Nga đã giành được thành phố Severodonetsk và khép chặt vòng vây với thành phố Lysychansk.

Washington cho rằng bước tiến của Nga ở quy mô nhỏ và đang dần chậm lại, đồng thời nhấn mạnh những thiệt hại mà Moscow phải hứng chịu về mặt quân sự để tiến lên.

nga tan cong ukraine anh 2

Chung cư ở thành phố Odesa bị phá hủy do trúng pháo kích của Nga hôm 1/7. Ảnh: Reuters.

Nhưng quân đội chính phủ Ukraine cũng đối mặt tổn thất nặng nề. Ước tính độc lập cho thấy mỗi bên chịu thương vong hàng chục nghìn người, trong đó có hàng nghìn thường dân Ukraine.

Lầu Năm Góc từ chối thảo luận công khai về con số cơ quan này ước tính với thương vong của hai bên.

Todd Breasseale, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết cơ quan này sẽ chỉ cung cấp các thông tin không mật về tình hình quân đội Ukraine nhằm tránh để lộ những thông tin có thể bị Moscow khai thác, tạo ra lợi thế cho quân Nga trên thực địa.

Chính phủ Mỹ đang đứng trước sức ép phải đánh giá triển vọng chiến sự ở Ukraine sau những thất bại trong các cuộc chiến trước, mà tai tiếng nhất là ở Afghanistan, nơi giới chức Mỹ che đậy nạn tham nhũng, thiếu hiệu quả của quân đội chính phủ Kabul, cũng như bỏ qua câu hỏi những thành công trên chiến trường có lâu dài hay không.

Nhiều đời chính quyền Mỹ từng khẳng định chính phủ Afghanistan có thể đứng vững, ngay cả khi lực lượng an ninh nước này chiến đấu thiếu hiệu quả và phụ thuộc nặng vào hỗ trợ hậu cần, hỏa lực của Mỹ.

Giới chức tình báo Mỹ một lần nữa mắc sai lầm khi dự đoán chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ sớm sụp đổ khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Thực tế cho thấy Kyiv đã thể hiện tốt hơn nhiều so với dự đoán.

Chia rẽ về tương lai

Kể từ đầu "chiến dịch quân sự" của Nga, Mỹ đã chuyển giao số vũ khí và hỗ trợ an ninh lên đến 6,9 tỷ USD cho Ukraine. Washington cũng đi đầu kêu gọi các đồng minh viện trợ Kyiv.

Các loại vũ khí chuyển giao cho Ukraine ngày càng tối tân hơn, từ các loại vũ khí vác vai như Javelin, Stinger vào đầu chiến sự cho đến tên lửa phóng loạt M142 HIMARS cũng như tên lửa Harpoon như hiện nay.

Giới quan sát cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nhìn chung đã trung thực về tình hình chiến sự ở Ukraine, tuy nhiên dường như Lầu Năm Góc vẫn giữ lại một số thông tin có thể gây bất lợi cho đồng minh Ukraine hoặc các hạn chế trong viện trợ của Mỹ.

Kori Schake, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách American Enterprise Institute, cho rằng Ukraine là trường hợp trái ngược so với Afghanistan. Bởi không có lính Mỹ tham chiến, trong các phát ngôn chính thức, Washington không đưa ra những tuyên bố kiểu như viện trợ của Mỹ có thể định đoạt số phận chiến sự.

nga tan cong ukraine anh 3

Hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS. Ảnh: ASC.

Bà Schake chỉ trích việc giới chức Lầu Năm Góc dường như quá tự mãn về chủng loại và số lượng vũ khí họ đang viện trợ Ukraine, trong khi phớt lờ thực tế rằng Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho đồng minh Đông Âu nhiều và nhanh hơn.

"Sự tự tin và tự mãn thái quá của chúng ta là điều bất lợi cho Ukraine", bà Schake nói, gọi sự tự mãn hiện nay là điều cần đặt câu hỏi về mặt đạo đức.

Chuyên gia của American Enterprise Institute cho rằng quân đội Ukraine có khả năng làm tốt hơn. Hiện nay, quân đội Ukraine đang trong giai đoạn thu thập vũ khí trước khi mở cuộc phản công lớn. Phản công sẽ chưa thể diễn ra cho đến khi Kyiv có đủ vũ khí, bà Schake nhận định.

"Điều chúng ta cần làm là tăng tốc, giúp người Ukraine nhanh nhất có thể", bà Schake nói.

Một nghị sĩ Ukraine giấu tên chia sẻ quan ngại tương tự. Người này nói vũ khí của Mỹ viện trợ chưa đủ nhanh, đồng thời cảnh báo nhu cầu tác chiến của lựu pháo có thể sớm vượt qua nguồn cung từ Washington.

"Chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn. Thứ quý giá nhất mà chúng tôi đang hy sinh mỗi ngày là các binh sĩ. Đó là lý do chúng tôi cần vũ khí hạng nặng sớm nhất có thể", nghị sĩ Ukraine nói.

Tuy vậy, có ý kiến khác cho rằng đánh giá của Washington về chiến sự ở Ukraine, vì nhiều lý do, là chưa toàn diện.

Benjamin Friedman, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách Defense Priorities, cho rằng khả năng quân đội Ukraine đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ đang "ngày càng không thực tế". Ông Friedman nói đã đến lúc chính quyền Biden gây sức ép để Ukraine tìm kiếm giải pháp chính trị.

"Không ai muốn họ (Ukraine) phải từ bỏ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng chúng ta phải đánh giá tình hình trung thực và thừa nhận rằng họ sẽ phải đánh đổi lãnh thổ để lấy lại hòa bình", ông Friedman nói.

Chuyên gia này cho rằng việc chính phủ Mỹ không đưa ra những đánh giá thẳng thắn hơn về thiệt hại của quân đội Ukraine có thể gây hại cho đồng minh và có lợi cho Nga.

Ông Biden đối mặt sức ép tại Quốc hội Mỹ

Tại Quốc hội Mỹ, những cuộc thảo luận tương tự đang diễn ra.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton cho rằng phóng đại các thành công trong nỗ lực ngăn chặn Nga có thể làm xói mòn sự ủng hộ của Quốc hội dành cho Ukraine trong tương lai, sau quãng thời gian thảo luận về chiến sự giữa hai đảng diễn ra trung thực và có sự đồng thuận cao.

Ông Moulton cho rằng chính phủ cần tiếp tục cung cấp đủ thông tin trung thực và cởi mở về thực tế những gì đang diễn ra ở Ukraine.

"Chúng ta đã không nói với công chúng Mỹ về những gì ISIS hay Taliban dự tính. Nhưng lúc này, chúng ta đang trung thực với người dân về Nga", nghị sĩ Moulton nói.

Sự đồng lòng của lưỡng đảng trong nỗ lực ủng hộ Ukraine đạt mức hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng còn nhiều thách thức với Washington, nhất là khi không thể dự đoán kết quả cuối cùng của chiến sự.

nga tan cong ukraine anh 4

Mỹ và các nước phương Tây khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine đến cùng. Ảnh: Reuters.

"Chính phủ từng không cung cấp các đánh giá chính xác cho công chúng Mỹ", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Peter Meijer nói, nhấn mạnh về nhận định ban đầu của giới tình báo dự đoán Kyiv có thể sớm sụp đổ, trong khi diễn biến sau đó hoàn toàn trái ngược.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz cho rằng Lầu Năm Góc chưa có đánh giá về hiệu quả các viện trợ của Mỹ cho Ukraine, như liệu vũ khí đến tay đồng minh có phù hợp hay không, có đủ nhanh và đủ nhiều hay không.

Lúc này, Tổng thống Biden cũng đang hứng chịu sức ép từ phe cực tả trong đảng Dân chủ. Một nhóm nhỏ đảng Dân chủ đang nói về con đường rút lui của Mỹ tại Ukraine.

Hạ nghị sĩ Ro Khanna nói dù ông ủng hộ việc Nhà Trắng cố gắng ngăn Moscow đánh bại Kyiv, Mỹ không thể sa lầy vào "một cuộc chiến không hồi kết đang tàn phá nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu".

"Tôi tin chúng ta nên tuyên bố chiến thắng với nỗ lực của tổng thống bảo vệ chủ quyền của Ukraine. Nga đã không đạt được mục tiêu cơ bản của họ. Nhưng người Mỹ sẽ không muốn tình hình này kéo dài mãi. Chúng ta cần có kế hoạch trên mặt trận ngoại giao", nghị sĩ Khanna nói.

Nga tung video đạn pháo Krasnopol phá hủy khẩu đội M777 của Ukraine Truyền thông Nga mới đây đăng video cho biết quân đội nước này đã dùng đạn pháo thông minh Krasnopol-M2 để phá hủy một khẩu đội pháo hạng nặng M777 của lực lượng Ukraine.

Uzbekistan ban bố tình trạng khẩn cấp ở Karakalpakstan

Uzbekistan ngày 3/7 bắt đầu áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Karakalpakstan sau khi nhiều cuộc biểu tình đòi cải cách hiến pháp nổ ra.

Ukraine dọa đánh sập cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga

Alexey Arestovich, trợ lý hàng đầu của tổng thống Ukraine, cho biết Kyiv vẫn có kế hoạch tấn công cây cầu dài nhất châu Âu nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm