Sữa đua nhau tăng giá
Ngày 20/2/2013, thông tin từ Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay mới chỉ có hãng Friesland Campina thông báo tăng giá bán 40 sản phẩm từ 15/2/2013. Trong khi đó, hàng loạt các hãng sữa đang âm thầm tăng giá.
Cục Quản lý giá cũng cho biết, thông báo của Friesland Campina chỉ chung chung và không thông tin cụ thể mức tăng của từng loại sản phẩm. Vì vậy, đơn vị này đề nghị Friesland Campina nêu thông tin cụ thể. Ghi nhận từ thị trường cho thấy nhiều sản phẩm sữa đã bước vào đợt tăng giá mới từ những ngày trước và sau Tết Nguyên đán.
Mới đây nhất, Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, từ 17/2/2013, công ty này điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm tăng khoảng 7% để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012.
Nhiều sản phẩm sữa đã bước vào đợt tăng giá mới từ những ngày trước và sau Tết Nguyên đán. |
Đối với những mặt hàng đang tham gia bình ổn giá từ 1/4/2012 như: một số loại sữa nước, sữa bột cho trẻ em, sữa dành cho người già và người bệnh, Vinamilk chưa điều chỉnh, vẫn thực hiện đúng theo cam kết cho đến ngày 1/4/2013.
Trước đó, từ cuối tháng 1/2013, một số đại lý sữa tại Hà Nội cho biết đã nhận được thông báo tăng giá sữa của một số hãng sữa ngoại. Một chủ đại lý sữa ở Cầu Diễn (Hà Nội) cho biết, các sản phẩm được thông báo tăng giá chủ yếu là sữa nhập ngoại. Cụ thể, giá các loại sản phẩm Dumex Gold tăng 8-9%. Cùng thời điểm này, sữa bột sản xuất trong nước dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng tăng nhẹ 1-3%. Nguyên nhân tăng giá được Dumex lý giải là do thay đổi mẫu mã bao bì. Các loại như Dumex Gold hương tự nhiên 800g bước 3 từ 356.000 đồng tăng lên 392.000 đồng/hộp, Dumex Gold hương tự nhiên Vanilla 1,5kg bước 3 từ 595.000 đồng lên 655.000 đồng/hộp, Dumex Gold hương tự nhiên 1,5kg bước 4 từ 449.000 đồng tăng 494.000 đồng/hộp.
Tương tự, các loại như Enfa Mama A+ Vannila 900g từ 351.000 đồng tăng lên 387.000 đồng/hộp, Enfa Mama A+ Chocolate 900g giá 351.000 đồng lên 387.000 đồng, Enfa Grow A+3 (400g) từ 191.800 đồng lên 211.000 đồng/hộp... Nhãn hàng Enfalac A+Gentle Care 352g giá 245.000 đồng lên 270.000 đồng/hộp, Enfalac Lactofree 400g giá 193.000 đồng lên 213.000 đồng/hộp.
Như vậy, có thể thấy, việc giá sữa tăng ngoài thị trường và thông tin cơ quan quản lý nắm được là có sự khác biệt. Điều này liên quan đến quy định tại Thông tư 122/2010 và cách lách yêu cầu thông báo của các hãng sữa.
Theo Thông tư 122, mặt hàng sữa thực hiện đăng ký giá là sữa pha chế theo công thức dạng bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc đăng ký giá được thực hiện trước khi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán sản phẩm lần đầu sản xuất, kinh doanh ra thị trường. Trước khi điều chỉnh giá các sản phẩm đã sản xuất, kinh doanh và đang bán bình thường thuộc danh mục phải đăng ký giá hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo quy định tại Thông tư mới này, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện đăng ký giá nhập khẩu, giá bán buôn, giá bán lẻ, giá bán lẻ khuyến nghị áp dụng thống nhất trong cả nước hoặc theo từng thị trường khu vực chính. Tuy nhiên, khảo sát thị trường cho thấy, rất nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được ghi nhận trên bao bì với tên gọi “sản phẩm dinh dưỡng”.
Phản hồi thông tin này, Cục Quản lý giá cho biết, với việc thay đổi tên gọi sản phẩm đối với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi, các doanh nghiệp sẽ tránh phải đăng ký lại giá mỗi khi điều chỉnh tăng theo quy định mới.
Trên bao bì hộp Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, sản phẩm Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi thì ghi là thực phẩm bổ sung. Nhiều người tiêu dùng không nhận ra sự khác biệt này vì được chủ các đại lý giải thích vẫn là sữa dành cho trẻ em, chỉ khác ở tên gọi trên bao bì.
Trả lời với báo chí, bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam cho biết, sản phẩm Friso Gold là sữa bột dành cho trẻ em. Trên bao bì sản phẩm không ghi sữa bột mà là thực phẩm bổ sung nhằm phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cục Quản lý giá cho biết đã phát hiện việc này và đã yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá mỗi lần điều chỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tránh đăng ký mà không chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng bởi lẽ đây không phải sữa bột nữa mà là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung nên không thuộc diện phải đăng ký giá theo quy định tại Thông tư 122.
Cách ghi tên gọi sản phẩm như trên cũng lách được quy định tại Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, theo đó, doanh nghiệp phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì không phải là sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi nên các doanh nghiệp không phải kê khai mỗi lần điều chỉnh giá.
Cục Quản lý giá cho biết thêm vẫn đang tiếp tục theo dõi và sẽ nghiên cứu kỹ việc này để có những đề xuất lên Bộ Tài chính hướng xử lý phù hợp.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam