Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng tiêu điểm trong năm qua là thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28. Với việc đạt tổng cộng 186 huy chương các loại, trong đó có 73 huy chương vàng, thể thao Việt Nam đã vững chắc ở vị trí thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, các môn Olympic đóng góp tới 64/73 huy chương vàng, chiếm tỷ lệ 87%. Đây là kỷ lục trong các lần tham dự SEA Games của Việt Nam, tăng tới 23% so với SEA Games 27, 25% so với SEA Games 26 và 32% so với SEA Games 25.
Ánh Viên trở thành điểm sáng nhất của Thể thao Việt Nam trong năm 2015. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng thành công này không phải là ngẫu nhiên: "Tại sao chúng ta phải nhấn mạnh đến những thành công này? Vì đó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ để thể thao Việt Nam có được sự chuyển hướng đầu tư tập trung vào các môn Olympic".
Trong sự tiến bộ này, đáng mừng là thành công của 3 môn cơ bản: điền kinh, bơi và thể dục dụng cụ. Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành cường quốc khu vực ở cả ba môn này trong một kỳ SEA Games. Điền kinh lần đầu giành được 11 HCV, đứng thứ hai khu vực sau Thái Lan. Bơi tăng gấp đôi số HCV lên mức 2 con số, vượt xa các cường quốc Thái Lan, Indonesia. Còn thể dục dụng cụ tiếp tục khẳng định vị thế với 9 HCV trong 14 nội dung thi đấu.
"Việc đầu tư trọng điểm vào các môn, các nội dung, VĐV có khả năng vươn tới đấu trường châu lục và thế giới giúp các môn này tiến bộ. Chúng ta cũng dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài trong nhiều năm và tư tưởng đã không còn lệ thuộc vào chương trình thi đấu của SEA Games nữa," ông Nguyễn Hồng Minh đúc kết.
Vị chuyên gia đầu ngành khẳng định: "Một biểu hiện nữa cho sự phát triển của thể thao Việt Nam trong năm 2015 là sự vươn lên của một lớp VĐV trẻ xuất sắc của nhiều môn Olympic mà tiêu biểu là Ánh Viên, người tạo nên cơn địa chấn trong khu vực Đông Nam Á".
Chúng ta cũng có một Phương Trâm đã cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ; một Vương Thị Huyền lần đầu tiên mang về 2 chiếc HCV châu Á cho cử tạ nữ; một Thạch Kim Tuấn có khả năng vươn tới chiếc huy chương Olympic hay Đinh Phương Thành xuất sắc ở đấu trường TDDC thế giới; một cô bé mới 8 tuổi Nguyễn Lê Cẩm Hiền đoạt chức vô địch giải cờ vua trẻ thế giới...
Nguyễn Thị Huyền lập kỳ tích ở SEA Games 28 với 3 tấm HCV. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Minh cũng đánh giá cao tay vợt Lý Hoàng Nam, lần đầu giúp cho quần vợt Việt Nam có được chức vô địch Wimbledon trẻ hay đặc biệt đội bóng trẻ của bầu Đức đã có nhiều đóng góp, có tới 9 cầu thủ được vào đội tuyển U23 Việt Nam, trong đó Công Phượng, mới ở tuổi 20 nhưng đã đeo băng đội trưởng.
"Có được những tài năng ấy ngoài sự nỗ lực của ngành thể thao không thể không nhắc đến sự đóng góp của HAGL, B.Bình Dương hay ngành Quân đội đã luôn bên lứa U19, Hoàng Nam hay Ánh Viên... Đó cũng là sự chuyển biến về đầu tư cho thể thao đáng ghi nhận trong xã hội", ông Minh nhận định.
Vui mừng với những thành công của thể thao Việt Nam, ông Minh cũng chỉ ra những tồn tại cần phải sớm có biện pháp khắc phục. Đó là dù thành công ở đấu trường SEA Games nhưng khoảng cách đến đấu trường Asian Games và Olympic của thể thao Việt Nam còn xa, đòi hỏi thể thao Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, kiên trì, quyết liệt đầu tư tập trung cao độ đến cùng.
Ở đấu trường Olympic, trong khi các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đều cầm chắc huy chương ở nhiều nội dung đã vươn tầm thế giới thì Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn. Niềm hy vọng duy nhất của Việt Nam dồn vào Thạch Kim Tuấn ở hạng 56 kg cử tạ nhưng chấn thương khiến cơ hội ganh đua của anh giảm nhiều.
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng bày tỏ mối lo khác đến từ nhược điểm của cơ chế quản lý bộ đa ngành nên hệ thống quản lý của thể thao từ trung ương đến địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Do đó việc thực hiện Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam, việc thực hiện định hướng phát triển của thể thao Việt Nam mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở cơ quan trung ương là Tổng cục TDTT, chứ chưa tạo nên một chiến dịch tổng thể từ trung ương tới địa phương được.
"Cũng do cơ chế tổ chức bộ máy nên việc định hướng phát triển thể thao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở nhiều địa phương, do các nhà lãnh đạo chuyên về thể thao hoặc đã nghỉ hưu hoặc chỉ đảm đương vai trò giúp việc nên không phát huy được hiệu quả", ông Minh nói.
Bóng đá Việt Nam có một năm đầy ắp sự kiện cả buồn lẫn vui. Ảnh: Tùng Lê. |
Ông Minh cũng trăn trở rằng đối với môn thể thao vua là bóng đá, còn nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận, cần tăng cường quản lý về mặt nhà nước đối với VFF. Ngoài ra các liên đoàn, hiệp hội cũng phải phát huy vai trò hơn nữa, tránh để bị can thiệp về hành chính, nhân sự...
Vị tướng một thời của Đoàn thể thao Việt Nam cũng mong muốn trong năm 2016, thể thao Việt Nam sẽ thành công trên đấu trường Olympic đồng thời dần khắc phục được những tồn tại để phát triển.