Tháng 1/2021, vụ việc sao Hoa Ngữ nổi tiếng nhất nhì khi đó Trịnh Sảng dính phải liên tiếp scandal đạo đức (lừa dối, mang thai hộ, bỏ rơi con) lẫn bê bối tiền bạc (trốn nợ, dính líu đến hợp đồng âm dương, trốn thuế, cho vay nặng lãi).
Sự nghiệp của ngôi sao Sở vũ tiêm chính thức chấm dứt với văn bản từ Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc. Hợp đồng quảng cáo bị cắt, các nhãn hàng quay lưng, tên tuổi của Trịnh Sảng bốc hơi khỏi danh sách phim ảnh Trung Quốc.
Sau Trần Quán Hy, Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, người nổi tiếng Trung Quốc liên tiếp “ngã ngựa”. |
Lần lượt Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Triệu Vy là những cái tên tiếp theo bị xóa sổ khỏi giới giải trí với nhiều lý do như suy đồi đạo đức, ảnh hưởng xấu đến fan, sử dụng ma túy, các hành vi nhạy cảm chính trị, gian lận thương mại cho đến tội danh hiếp dâm. Trong quá khứ Thang Duy cũng từng bị cấm vận.
Không chỉ riêng Trung Quốc, các cuộc thanh lọc tại Hàn Quốc cũng diễn ra rất quyết liệt. Seungri cựu thành viên của Big Bang hay Park Yoochun từng là những nam thần xứ Kim chi trước khi sự nghiệp của họ bị chôn vùi vì cáo buộc.
Nhóm nhạc T-ara năm 2012 vì nghi án bắt nạt mà bị tẩy chay tại Hàn Quốc, phải chuyển qua Trung Quốc để hoạt động. |
Danh sách đen showbiz từ Đông sang Tây
Trong bối cảnh này, nhiều người thắc mắc tại sao Hollywood không có những hình phạt khắt khe đối với nghệ sĩ như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Thực tế là tại kinh đô điện ảnh, một khi các nghệ sĩ đã sa đọa và bị phát hiện thì những hình phạt cũng nghiêm khắc không kém.
Từng là một ngôi sao trẻ tài năng, nhưng lối sống hoang dại đến bạo lực của Shia LaBeouf đã khiến anh mất chỗ đứng. |
“Shia LaBeouf làm tổn thương phụ nữ. Anh ta lợi dụng họ. Anh ta lạm dụng họ, cả về thể chất và tinh thần. Anh ta rất nguy hiểm”, nghệ sĩ người Anh FKA Twigs cáo buộc trong vụ kiện của cô đệ trình vào đầu năm tố cáo bạn trai cũ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều đơn tố giác vạch trần con người đen tối của LaBeouf. Kết quả là nam diễn viên gần như không thể gây dựng lại sự nghiệp sau tai tiếng, anh trượt dài trong các vai diễn kỳ quặc, bạo lực như phản ánh chính chân dung mình.
Sao của House of Cards Kevin Spacey là một trường hợp khác nghiêm trọng hơn. Từ một trong những ngôi sao sáng thuộc thế hệ diễn viên lão làng có trong tay hàng loạt giải thưởng, Spacey một bước xuống vực thẳm với tội danh tấn công tình dục.
Không có tài năng, sức ảnh hưởng hay giải thưởng nào có thể cứu được một yêu râu xanh và đó chính xác là những gì đã xảy ra với nam diễn viên từng được yêu mến. |
Kể từ phong trào #MeToo, ông ta đã mất tất cả và biến mất khỏi công chúng sau những lời buộc tội chồng chất về hành vi đồi bại.
Tương tự, ông lớn của ngành sản xuất, nhà sáng lập của hãng Miramax, người từng đứng sau thao túng hàng loạt giải thưởng điện ảnh, một ông trùm đích thực của Hollywood như Harvey Weinstein cũng đã phải chịu tai tiếng suốt phần đời còn lại vì các cáo buộc xâm hại tình dục ô uế.
Gần đây, “nam thần” một thời Armie Hammer là cái tên tiếp theo tuột dốc không phanh sau scandal tin nhắn giữa nam diễn viên và hàng loạt phụ nữ về những sở thích tình dục gây tranh cãi như ảo dâm cưỡng bức hay ăn thịt người. Hammer đã phải rời khỏi hai dự án nổi tiếng. Một phim hài lãng mạn với Jennifer Lopez và một series của Paramount về quá trình thực hiện Bố Già. Phần hai của Call Me By Your Name đang trong quá trình sản xuất bỗng lao đao vì scandal nam chính.
Hollywood nhẹ tay hơn?
Nhiều ví dụ trong quá khứ và hiện tại chỉ ra Hollywood không thiếu động thái khắt khe đối với hành vi sai trái của sao. Ở đâu cũng vậy, các ngôi sao có nhiều quyền lực nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm.
Một khi đã vướng vào vòng lao lý với tội danh nghiêm trọng thì ở đâu người ta cũng phải lãnh hậu quả nặng nề. |
Tuy vậy, những cuộc thanh lọc phía Đông vẫn có những màu sắc khác biệt.
Nhìn chung, văn hóa thần tượng bắt nguồn từ Hàn Quốc và thịnh hành cả tại Trung Quốc đặt nặng vấn đề đạo đức đối với nghệ sĩ. Họ nỗ lực xây dựng hình tượng tốt đẹp bởi sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với người hâm mộ và cả kỳ vọng mà fan đặt ra.
Có thể thấy ảnh hưởng của văn hóa Á Đông trong ngành công nghiệp giải trí: những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống vẫn được đề cao như chuyện chung thủy trong hôn nhân, sự dịu dàng của phụ nữ, sự tự do cá nhân thường được đặt sau quyền lợi chung của tập thể, soi xét về cách ăn mặc, nói năng…
Những biện pháp trừng phạt nhằm bảo vệ thế hệ trẻ - đối tượng chính của văn hóa idol – khỏi các ảnh hưởng xấu mà nghệ sĩ có thể đem tới. Đồng thời cũng khiến sao luôn phải sống trong áp lực khổng lồ với hình tượng không tì vết từ sân khấu cho tới đời tư. Các chấn chỉnh của chính quyền như tại Trung Quốc cả về đạo đức, thương mại lẫn xu hướng thẩm mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người nổi tiếng.
Đối với Hollywood văn hóa thần tượng không quá phổ biến và đề cao sự riêng tư cá nhân, các chuẩn mực về đạo đức có phần linh hoạt hơn. Chủ nghĩa tự do cá nhân đem đến cơ hội bộc lộ những cá tính riêng gai góc nhưng tất nhiên vẫn phải tuân thủ pháp luật, văn hóa.
Điều đó lý giải cho việc các ngôi sao đôi khi vẫn mắc phải scandal nhưng được trao cơ hội làm lại, hoặc dám đứng lên đi ngược lại số đông làm những điều khác biệt.
Brad Pitt và Angelina Jolie từng một thời hứng chịu chỉ trích vì đến với nhau trong khi Pitt vẫn còn đang trong cuộc hôn nhân cùng Jennifer Aniston. |
Brad Pitt bị gọi là kẻ trăng hoa, Angelina Jolie mang tiếng là “tiểu tam” trước khi cả hai làm nên một trong những mối tình đẹp của Hollywood cùng sự nghiệp thăng hoa.
Gần đây, Scarlett Johansson kiện Disney là trái với lẽ thường tại Hollywood và có thể khiến cô ấy đánh mất sự nghiệp, nhưng cô vẫn làm để bảo vệ quyền lợi bản thân.
Hãy trừng phạt đúng và văn minh
Sự phát triển của Internet song hành cùng ngành công nghiệp giải trí đã đặt nghệ sĩ dưới sự phơi bày (exposure) lớn hơn bao giờ hết. Thực tế là dù có được ê-kíp trau chuốt đến đâu, vẫn có những hành vi phản cảm, trái đạo đức, pháp luật đến từ thần tượng. Việc trừng phạt người nổi tiếng là biện pháp mạnh để thanh lọc môi trường showbiz, hướng khán giả tới những giá trị tốt hơn.
Tuy vậy những cuộc thanh trừng có thể trở nên mù quáng với sự trợ giúp từ cộng đồng mạng. Vốn rất dễ bị điều khiển bởi cảm xúc, đám đông có thể vùi dập sự nghiệp của một người ngay cả trước khi có những bằng chứng hợp pháp chống lại anh/cô ấy.
Nhiều thương hiệu sẵn sàng hủy hợp đồng chỉ sau một sơ sẩy phát ngôn nhỏ nhất của người nổi tiếng.
Nhiều người tin rằng nữ ca sĩ Janet Jackson bị tẩy chay sau sự cố trang phục lộ ngực năm 2004 dù đó không phải là lỗi của cô ấy. |
Đi cùng với phong trào trừng phạt idol là văn hóa tẩy chay (cancel culture). Làn sóng vùi dập, bôi nhọ bằng bình luận ác ý, đào bới đời tư, lăng mạ không chỉ dừng lại ở nghệ sĩ mà nhiều khi ảnh hưởng đến cả người thân, bạn bè và các nhãn hàng liên quan.
Từ văn hóa tẩy chay rất dễ đi tới bạo lực mạng (cyber-bully). Người hâm mộ lúc này cần rất tỉnh táo xác minh sự thật và có động thái tẩy chay văn minh. Ngoài ra, không tẩy chay nửa vời. Không anti ngày hôm qua rồi ngày hôm sau lại ủng hộ các sản phẩm của nghệ sĩ đã có hành vi sai trái.