Tôi là MC Quyền Linh. Trong đợt dịch vừa qua, các show diễn của tôi bị hủy hoàn toàn. Tưởng rằng mình được nghỉ ngơi nhưng thực tế, tôi bận rộn, đi nhiều hơn. Tôi muốn giúp đỡ bà con nghèo. Tình cảm và khát khao muốn được chia sẻ với người dân khiến tôi không thể ngồi yên trong nhà. |
Ở tuổi ngoài 50, không còn sung sức như xưa, cũng không phải thánh thần không sợ dịch bệnh, nhưng tự bên trong tôi có sự thôi thúc. Hơn ba tháng qua, tôi ở trên xe, đi ngoài đường nhiều hơn ở nhà. |
Mỗi ngày, tôi cùng người bạn đồng hành – chiếc xe bán tải – có hai chuyến đi tặng quà. Trên xe bao giờ cũng chất đầy gạo, thực phẩm với trọng lượng khoảng 800-900 kg. Và bao giờ tôi cũng tự bốc vác cả tấn gạo từ kho ở nhà lên xe. |
Không có tổ chức, đội ngũ hỗ trợ nên những chuyến đi của tôi cũng theo cảm hứng, phụ thuộc vào sức khỏe bản thân. Có ngày tôi đi từ sáng sớm nhưng đôi khi đến đầu giờ chiều mới bắt đầu cuộc hành trình. Tôi tự lái xe vào từng con hẻm, trao gạo tận tay bà con. |
Lần này, tôi đến hẻm 86 Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Nơi đây có khoảng 20 phòng trọ, đa số là lao động tự do, mất việc làm. Để đảm bảo an toàn, tôi nhắc mọi người xếp hàng, giữ khoảng cách khi ra nhận gạo. |
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tôi là được đồng hành cùng các chiến sĩ bộ đội gửi túi an sinh đến người dân. Tình quân dân được ví như cá với nước. Ở thời điểm dịch bệnh, sự xuất hiện của bộ đội phần nào giúp người dân ấm lòng.
Nhìn bà con vui mừng khi nhận túi an sinh, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng sau mỗi lần đi về, lòng tôi lại nặng trĩu với câu hỏi: ''Làm thế nào để túi an sinh, lương thực đến với bà con nhiều hơn nữa''. |
Một mình tôi không đủ sức để đi hết. Phần chia sẻ nhỏ bé của tôi hy vọng phần nào làm vơi sự hoang mang của mọi người trong thời điểm này. |
Có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau khi được chính quyền địa phương giúp đỡ, tôi vẫn đến tặng thêm lương thực cho mọi người. Đó là khu trọ ở quận Bình Tân có 6 F0, 40 công nhân và lao động tự do mất việc 3 tháng qua. |
Nhiều đêm, tôi không ngủ được, cảm thấy đau lòng, có lỗi khi giúp được người này, còn người khác thì không. Tôi mong có nhiều nhà hảo tâm, giúp đỡ và chung tay chống dịch. |
Trong thời điểm dịch bệnh, chứng kiến những người tuyến đầu phải hy sinh, tôi cảm phục họ. Có người ba tháng chưa về nhà. Họ đối diện với hiểm nguy, phơi nhiễm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ đáng được tri ân. |
Vì vậy, trong khả năng của mình tôi cùng các mạnh thường quân thường gửi đồ bảo hộ, khẩu trang, nước diệt khuẩn cho y bác sĩ tại các bệnh viện ở thành phố. |
Kết thúc chuyến từ thiện, tôi vội chuẩn bị đến trường quay chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời lúc 18h30. |
Khoảng một tiếng trước chương trình cũng là lúc tôi tranh thủ nghỉ ngơi và xem lại kịch bản. Làm chương trình không có cát-xê nhưng niềm vui là được trở thành cầu nối giữa người dân và lãnh đạo thành phố. |
Buổi livestream hôm nay có sự góp mặt của ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng người bạn đồng hành quen thuộc là anh Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). |
Nhận hàng nghìn câu hỏi mỗi ngày, tôi hiểu những khó khăn, bức xúc của người dân trong thời điểm dịch bệnh. Vì vậy khi đảm nhận vai trò MC, tôi đặt mình vào vị trí người dân, gửi tâm tư tới lãnh đạo. |
Tôi cảm ơn anh Lê Quang Tự Do đã mời tôi tham gia chương trình. Theo tôi, đây là chương trình ý nghĩa giúp người dân gần hơn với lãnh đạo thành phố. Và chương trình cũng thể hiện sự dũng cảm của thành phố khi đối diện với nhiều bức xúc từ dân – điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam. |
Với hàng nghìn câu hỏi trong khi chương trình gói gọn với thời lượng hơn một tiếng nên chắc chắn không thể đáp ứng nguyện vọng của người dân. Họ tiếc nuối, còn tôi muốn kéo dài thêm thời gian. |
Và thực tế bao giờ tôi cũng “ăn gian” hơn 20 phút của chương trình để đặt thêm câu hỏi với lãnh đạo. Tôi nhiều lần bị ê-kíp nhắc nhở đã “lố sóng” từ hậu trường. 10 số của Dân hỏi – Thành phố trả lời đã khép lại nhưng tôi kỳ vọng chương trình được duy trì ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát để tiếng lòng của người dân đến gần hơn với chính quyền thành phố. |