“Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành cường quốc giải trí toàn cầu, cho ra đời nhiều bộ phim truyền hình dài tập chất lượng ổn định”, SCMP mở đầu bài viết nói về đường hướng phát triển của phim ảnh Trung Quốc.
Hiện tại, những tác phẩm được đầu tư cầu kỳ, hoành tráng, có kinh phí hơn 100 triệu NDT (khoảng 15 triệu USD) không phải là điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Trường An 12 canh giờ (2019) và Hữu Phỉ (2020) được cho là tốn 600 triệu NDT để thực hiện.
Theo các chuyên gia, trong khi phim dài tập Trung Quốc gặt hái được thành công, thu hút khán giả giả nước ngoài thì điện ảnh đại lục lại là câu chuyện khác.
Sự lớn mạnh của phim truyền hình Trung Quốc
Lý giải sự thành công của phim Trung Quốc, nhiều người cho rằng văn hóa xứ tỷ dân vốn quen thuộc với nhiều quốc gia. Ngày càng nhiều tác phẩm được mua bản quyền, remake. Bộ phim ăn khách 30 chưa phải là hết nói về khủng hoảng tuổi 30 của phụ nữ Trung Quốc phổ biến đến nỗi được đài jTBC của Hàn Quốc mua lại.
Cinderella is Online của Fuji TV (Nhật Bản) là phiên bản làm lại của Yêu em từ cái nhìn đầu tiên (2016) thuộc Shanghai Gcoo Entertainment. tvN của Hàn Quốc cũng sản xuất Mr. Queen, phiên bản làm lại từ Thái tử phi thăng chức ký (2015). Điều đó chứng tỏ sức hút của truyền hình Trung Quốc với nhiều quốc gia lân cận.
30 chưa phải là hết và nhiều bộ phim Trung Quốc được mua bản quyền. |
Tony Coombs, đồng giám đốc điều hành của Harvest Pictures tại Australia, nhìn thấy tiềm năng của “anh hùng dân gian Trung Quốc”. Harvest đang sản xuất Girl Of Ashima, bộ phim hoạt hình dựa trên chuyện thần thoại về cô gái đến từ Vân Nam, Trung Quốc, thoát khỏi hôn nhân sắp đặt, nhưng sau đó chết đuối và trở thành vị thần. Coombs nói kịch bản tôn trọng văn hóa của Vân Nam, rất có tiềm năng để thu hút khán giả.
“Chúng tôi đang xin lời khuyên từ các chuyên gia ở Trung Quốc, sau đó áp dụng tính quốc tế cho các nhân vật trong phim. Lui Yi, đồng biên kịch Chiến Lang sẽ giúp chúng tôi điều đó”, Tony Coombs nói.
Coombs cho biết thêm một cách tiếp cận tương tự sẽ được sử dụng cho bộ phim hoạt hình ba phần sắp tới của hãng phim về Tôn Ngộ Không, nhân vật vốn nổi tiếng với văn hóa châu Á thông qua tác phẩm Tây Du Ký.
Năm 2015, Trung Quốc có bước đột phá quốc tế trong lĩnh vực phim truyền hình. Netflix đã mua loạt phim Hậu cung Chân Hoàn truyện (2011) và rút ngắn số lượng tập, chiếu rộng rãi đến khán giả toàn cầu. Thừa thắng xông lên, trong năm đó Trung Quốc đã xuất khẩu 381 bộ phim truyền hình dài tập với tổng trị giá 377 triệu NDT, đánh dấu kỷ lục mới sau một thập kỷ.
Theo SCMP, giá trị phim truyền hình Trung Quốc đã tăng lên 510 triệu NDT vào năm 2016, sau đó là 633 triệu NDT vào năm 2017. Alice Leung, tổng giám đốc phân phối quốc tế của trang web trực tuyến iQiyi, cho biết tổ chức được ngày càng nhiều mạng truyền hình quốc tế tiếp cận.
Hậu cung Chân Hoàn truyện là bước đột phá lớn của dòng phim cung đấu nói riêng, tác phẩm truyền hình Trung Quốc nói chung. |
Chen Xiao, phó chủ tịch cấp cao của iQiyi, cho biết sự chú ý của quốc tế với các tác phẩm Trung Quốc đã mở rộng nhiều thể loại, trước đây chỉ là cổ trang, và giờ đây là phim hài lãng mạn, chương trình tạp kỹ.
Giáo sư Emilie Yeh, giám đốc Trung tâm Công nghiệp Điện ảnh và Sáng tạo tại Đại học Lĩnh Nam cho biết các chương trình truyền hình Trung Quốc đang bắt kịp các tác phẩm của Hàn Quốc.
Đơn cử là Diên hi công lược. Bộ phim cung đấu triều Càn Long dưới thời Mãn Thanh thu về sự chú ý lớn sau khi phát sóng. Tuy có nhiều tranh cãi, sạn… tác phẩm do Vu Chính làm biên kịch làm mưa làm gió thời gian dài.
“Có rất nhiều biên kịch tài năng ở Trung Quốc. Họ có thể viết ra những câu chuyện cảm động, thú vị và gây được tiếng vang toàn cầu”, Emilie Yeh nói với Post.
Điện ảnh Trung Quốc không cần thị trường nước ngoài?
Trong khi phim truyền hình Trung Quốc ngày càng phổ biến ở nước ngoài, những tác phẩm điện ảnh của xứ tỷ dân lại tương đối bị ghẻ lạnh. Từng có ý kiến cho rằng thị trường đại lục không cần khán giả nước ngoài, bằng chứng là doanh thu nội địa luôn ở mức cao ngất.
Theo Maoyan, trong mùa Tết, doanh thu phòng vé Trung đạt mốc 1,2 tỷ USD, với hai "bom tấn" Xin chào, Lý Hoán Anh và Thám tử phố Tàu 3. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, việc để điện ảnh là phương tiện tuyên truyền chính trị là nguyên nhân khiến những tác phẩm này không được chào đón ở nước ngoài.
Chiến Lang 2 bùng nổ phòng vé Trung Quốc nhưng khó gây ấn tượng với khán giả nước ngoài. |
Theo Nhân dân Nhật báo, doanh thu phòng vé nước ngoài của phim Trung Quốc tăng từ 187 triệu NDT lên 425 triệu NDT từ năm 2014-2017. Tuy nhiên, đó chỉ là một con số rất nhỏ so với doanh thu phòng vé 25,8 tỷ NDT cho phim nước ngoài tại đại lục.
Chiến Lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ từng là hai bộ phim đứng đầu phòng vé Trung Quốc nhưng chỉ kiếm được lần lượt 2,7 triệu USD và 1,5 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ.
Năm 2019, bom tấn khoa học viễn tưởng Lưu lạc địa cầu kiếm được 4,4 tỷ NDT (khoảng 671,4 triệu USD) tại phòng vé trong nước nhưng chỉ kiếm được 5,3 triệu USD ở Bắc Mỹ.
Aynne Kokas, tác giả cuốn sách Hollywood Made in China và là trợ lý giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia ở Mỹ, cho biết các nhà sản xuất phim Trung Quốc phải đối mặt với tiêu chuẩn kép: đáp ứng tính thương mại và khâu kiểm duyệt gắt gao của chính quyền.
Aynne Kokas khẳng định Chiến Lang 2 và Lưu lạc địa cầu miêu tả người Trung Quốc như cứu tinh nhân loại và hạ thấp những dân tộc khác. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng và dẫn đến sự thất bại phòng vé.
Hình tượng Hoa Mộc Lan được khán giả quốc tế chú ý là bài toán cần lời giải của điện ảnh Trung Quốc. |
Chris Berry, giáo sư nghiên cứu điện ảnh tại King's College, London, lại cho rằng phim Trung Quốc ít cơ hội thành công trên thị trường quốc tế. “Tại Anh nơi tôi sinh sống, rất nhiều bộ phim Trung Quốc chỉ dành cho người gốc Hoa xem”, Berry khẳng định.
“Theo kinh nghiệm của tôi ở châu Âu, 95% khán giả của các liên hoan phim Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc. Khán giả phương Tây không nhận ra sao gốc Hoa. Họ cũng ít rõ về văn hóa Trung Quốc”, anh nói thêm.
Na Tra: Ma đồng giáng thế là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Trung Quốc với 742,5 triệu USD. Tuy nhiên, hầu như các nước phương Tây không hiểu văn hóa Á đông và biết Na Tra là ai.
“Hoa Mộc Lan là một trong số ít nhân vật văn hóa Trung Quốc được biết đến trên toàn cầu, nhưng trớ trêu thay, chính Hollywood mới là thế lực giúp nữ hùng Mulan trở nên nổi tiếng”, anh nói thêm.