Zlatan Ibrahimovic đã có màn ra mắt hoàn hảo ở câu lạc bộ mới LA Galaxy, vào sân từ ghế dự bị rồi sau đó ghi hai bàn giúp đội bóng của anh lội ngược dòng ngoạn mục trong trận derby Los Angeles.
Để có được chân sút đẳng cấp như Ibra, người mùa trước còn ghi tới 28 bàn cho MU, số tiền LA Galaxy phải trả mỗi năm cho tiền đạo này chỉ rơi vào khoảng 1,5 triệu USD - đó có thể coi là khoản đầu tư hời dành cho ngôi sao vẫn đủ sức thi đấu tại các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu.
Sau màn ra mắt của "thánh" Zlatan, người ta bỗng phát hiện ra anh thật "vĩ đại" thế nào khi từ chối chuyển tới Trung Quốc với bản hợp đồng 100 triệu USD trong "một vài năm" chỉ để tới LA Galaxy với mức lương bèo bọt 1,5 triệu USD/năm.
Ibra từ bỏ một núi tiền chỉ để chơi bóng ở Mỹ? |
Thông tin này đã được cây viết Grant Wahl của tờ thể thao Sports Illustrated nổi tiếng xác thực. Tuy nhiên, độ tin cậy đến đâu chỉ có Chúa mới biết được.
Dĩ nhiên, không như nhiều thông tin tạp nham về những vụ chuyển nhượng đến Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy, Wahl khẳng định nguồn tin ông có được đến từ chính Giám đốc kỹ thuật Jovan Kirovski của LA Galaxy.
Dẫu vậy, tuyệt nhiên chẳng có một bằng chứng xác thực về câu lạc bộ Trung Quốc nào đó được đưa ra. Cộng thêm khoản chênh lệch điên rồ 1,5 triệu USD so với 100 triệu USD, nhiều cây viết thể thao Trung Quốc còn phải đặt ngược câu hỏi thực chất Kirovski lấy thông tin kia từ đâu?
"Đội bóng Trung Quốc" có giàu đến vậy?
Thực tế, những nguồn tin đôi khi cũng không thể cho chúng ta biết chính xác từ đâu mà họ có được thông tin. Tuy nhiên, khi cụm từ "đội bóng Trung Quốc" xuất hiện, chúng ta buộc phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó.
Từ khi bóng đá Trung Quốc bành trướng tham vọng bằng hàng loạt bản hợp đồng bom tấn với những ngôi sao sáng giá nhất châu Âu, cụm từ "đội bóng Trung Quốc" bỗng biến thành khuôn mẫu cho những tin đồn thiếu căn cứ.
Chỉ với từ khóa này, bạn có thể kiếm trên mạng hàng trăm nghìn thông tin khác nhau mà đa số là liên quan đến chuyển nhượng, từ ngôi sao lớn của Barcelona cho tới anh chàng thất sủng ở Aston Villa, đâu đâu cũng thấy dấu chân của "đội bóng Trung Quốc".
Hồi tháng 6 năm ngoái, trang ESPN gây sốc khi đưa tin "đội bóng Trung Quốc giấu tên" sẵn sàng chiêu mộ Ronaldo bằng mức lương 147 triệu USD/năm - con số khá sát với những gì Daily Telegraph đăng tải hồi tháng 12/2016 về một "đội bóng Trung Quốc" đồng ý trả cho siêu sao Bồ Đào Nha 144 triệu USD/năm.
Cũng chỉ mới tháng trước, trang Daily Express còn giật gân hơn bằng lời khẳng định chính Ronaldo đã nói với James Rodriguez về một "đội bóng Trung Quốc" sẵn sàng trả anh gấp đôi lương nếu chịu tới đất nước tỷ dân chơi bóng.
Và như chúng ta đã biết Ronaldo vẫn ghi bàn sòn sòn cho Real Madrid, còn "đội bóng Trung Quốc" nào đấy vẫn là ẩn số chưa hẹn ngày giải.
Nhìn chung, sự thật về "túi tiền không đáy" của những thế lực đứng đằng sau các câu lạc bộ Trung Quốc vẫn chưa có một câu trả lời xác đáng.
Drogba và Anelka là hai cái tên từng bị các đại gia Trung Quốc nợ lương. |
Theo nguồn tin từ Anh, khoảng 13 câu lạc bộ đang chơi tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc vẫn đang nợ lương của cầu thủ. Trong số đó có rất nhiều cái tên có thể khiến bạn bất ngờ như Shanghai SIPG, Shanghai Shenhua, Jiangsu Suning hay Guangzhou Evergrande.
Đó là những đội bóng từng gây cơn địa chấn trên thị trường chuyển nhượng với những bom tấn như Oscar, Alex Teixeira. Vấn đề nợ lương này cũng từng được chính những cầu thủ đình đám một thời như Drogba hay Anelka tiết lộ sau khi vỡ mộng vương giả tại châu Á.
Hay tất cả chỉ là một chiêu trò
Ngoài ra, việc Chinese Super League không được biết đến nhiều bên ngoài khu vực Đông Nam Á cũng khiến những nguồn tin về "đội bóng Trung Quốc" nào đó rất khó để có thể xác thực.
Gần đây nhất là câu chuyện về biểu tượng sống của Barcelona, Andreas Iniesta cũng được đồn rằng sắp sửa chuyển đến Trung Quốc. Dù vậy, theo tờ South China Morning Post, phía câu lạc bộ Tianjin Quanjian đã gửi lời cảnh cáo sẽ để pháp luật vào cuộc nếu còn bất cứ phương tiện truyền thông nào đưa tin Iniesta sẽ đến đây.
Tuy nhiên, Tianjin Quanjian suy cho cùng vẫn chỉ là một khả năng, còn tới 12 đội bóng khác và nhiều đại gia ẩn danh hoàn toàn có thể là "đội bóng giấu tên" mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm.
Iniesta là một trường hợp có vẻ khó tin bởi anh vốn gắn bó với Barcelona từ nhỏ và các cổ động viên đều muốn tiền vệ này tiếp tục ở lại cho đến khi giải nghệ. Tuy nhiên, trong bóng đá có một vài trường hợp vẫn thường lợi dụng những tin đồn chuyển nhượng để vòi vĩnh câu lạc bộ tăng lương - đơn cử như Cristiano Ronaldo.
Cụm từ "đội bóng Trung Quốc" ngày nay trở thành lá bài quen thuộc của những người đại diện. |
Khi BBC đưa tin về một câu lạc bộ Trung Quốc giấu tên đang quan tâm đến Ronaldo, không bất ngờ khi nguồn tin lại là Jorge Mendez - người đại diện của anh ta. Vậy ai sẽ là người hưởng lợi nhất từ chính tin đồn này trong thời điểm Ronaldo đang gây sức ép lên ban lãnh đạo Real Madrid về chuyện tăng lương? Câu trả lời thật dễ đoán, và dù cho anh ta có thể chưa thuyết phục được đội bóng Hoàng gia về một bản hợp đồng tốt hơn, cái tên Ronaldo vẫn sẽ chình ình trên trang nhất của các tờ báo.
Nhìn chung, cụm từ "đội bóng Trung Quốc giấu tên" thường là chiêu trò của những người đại diện trong các cuộc đàm phán hợp đồng. Thực chất, hầu như chẳng có đội bóng Trung Quốc nào lúc này đủ "điên" để thực hiện những bom tấn trên trời như thời gian đầu, đơn giản họ chỉ là cái bình phong cho cuộc đấu trí giữa người đại diện và ban lãnh đạo mà thôi.
Quay trở lại bản hợp đồng 100 triệu USD trong vòng "vài năm" của Zlatan Ibrahimovic. Trước nhất hãy phân tích cụm từ "vài năm", vài có thể khoảng từ 2-10 năm, nhưng đặt trường hợp đẹp nhất là 2 năm bởi Ibra giờ cũng đã 36 tuổi. Như vậy, tiền đạo người Thụy Điển sẽ nhận khoảng 50 triệu USD/năm, nhỉnh hơn chút so với số tiền 40 triệu USD mà Carlos Tevez từng hưởng khi tới Shanghai Greenland Shenhua.
Tuy nhiên, xu hướng gần đây của các câu lạc bộ Trung Quốc là tránh đầu tư khủng cho những ngôi sao luống tuổi tới châu Á chỉ để kiếm chác thêm vài năm trước khi giải nghệ. Và cũng đừng quên, bài học nhớ đời với Carlos Tevez hẳn đến giờ vẫn còn ám ảnh giới chủ Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến khoản thuế 100% dành cho cầu thủ ngoại mà chính phủ Trung Quốc đặt ra nhằm hạn chế việc vung tay quá trán của những ông lớn nước này.
Thêm vào đó, nhiều câu lạc bộ lớn tại đất nước tỷ dân cũng dần chú trọng đầu tư vào cầu thủ nội hơn là chi tiền tấn để đem về những ngôi sao tầm trung hoặc đã già của giải châu Âu. Mới đây, Guangzhou Evergrande (đội vô địch mùa trước) thậm chí còn tuyên bố họ muốn xây dựng một đội hình toàn cầu thủ nội vào năm 2020.
Nhìn chung, những tin đồn về "đội bóng Trung Quốc giấu tên" gần đây xuất hiện tràn lan nhưng thật sự rất ít trong số đó là đúng sự thật. Vậy nên, bản hợp đồng 100 triệu đô của Ibrahimovic đơn giản chỉ là sự khoa trương của anh ta cùng người đại diện.