Tháng 2/2016, HLV Antonio Conte cảnh báo sự nguy hiểm của các câu lạc bộ Trung Quốc. Chiến lược gia người Italy nhìn Oscar và Ramires chia tay Chelsea trong tiếc nuối. "Thị trường chuyển nhượng ở Trung Quốc thật nguy hiểm. Đó là lời cảnh báo không chỉ gửi đến Chelsea, mà còn cả thế giới", Conte nói.
6 năm sau phát biểu của Conte, bóng đá Trung Quốc đi theo một chiều hướng khác. Sự sụp đổ của những đội bóng hùng mạnh bậc nhất Trung Quốc, tạo nên hiện thực đau đớn tại quốc gia này.
Bóng đá Trung Quốc thất bại với tham vọng "hoá rồng". Ảnh: Reuters. |
Sự sụp đổ của những ông lớn
Chinese Super League (CSL) gây được sự chú ý trên thế giới từ những năm 2010. Những người đứng đầu nền bóng đá nước này khởi động chiến dịch táo bạo để khẳng định mình là một “siêu cường bóng đá”.
Các CLB Trung Quốc sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để thu hút siêu sao từ nước ngoài. Họ đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn, đến ngay cả những CLB hàng đầu châu Âu cũng không thể đáp ứng.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Hiện tại, CSL phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong làng bóng đá thế giới. Nhiều đội bóng bị thua lỗ trong đại dịch Covid-19, khi giải đấu bị hoãn nhiều lần. Kể từ khi bị dịch Covid-19 tấn công, tài chính của nhiều đội rơi vào tình trạng báo động.
Guangzhou Evergrande, con cưng của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande Group sụp đổ vào thời điểm tháng 9/2021. Tập đoàn mẹ Evergrande Group lún sâu vào nợ nần (khoảng 300 tỷ USD). Nguyên do đến từ sự mất cân đối thu chi khi tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande Group tạo ra hậu quả xấu, đẩy CLB Guangzhou Evergrande vào bờ vực phá sản. Sự sụp đổ chóng vánh của một trong những niềm tự hào của CĐV Trung Quốc, với 2 chức vô địch AFC Champions League, khiến CĐV xứ tỷ dân phải chạnh lòng.
Câu chuyện của Guangzhou Evergrande có nét tương tự với Jiangsu FC, đội bóng phải giải thể sau khi vừa vô địch CSL trước đó 6 tháng. Tháng 2/2021, Jiangsu FC tuyên bố ngừng hoạt động, khi tập đoàn mẹ Suning cắt toàn bộ các khoản đầu tư vào bóng đá. Đội bóng này đối mặt với khoản nợ lên tới 77,3 triệu USD, chủ yếu là nợ lương cầu thủ.
SCMP gọi đó là "nỗi buồn mà nền bóng đá nước này phải gánh chịu". Bất chấp là nhà vô địch Trung Quốc, Jiangsu FC vẫn bị đánh giá "nằm trong danh sách các hoạt động kinh doanh cần cắt giảm." Giới chủ Suning cũng ra tuyên bố rao bán Jiangsu FC với giá một đồng, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư khác vào mua lại đội bóng, nhưng bất thành.
Gần nhất là trường hợp của Chongqing Liangjiang Athletic, một trong những CLB lâu đời nhất Trung Quốc, phải giải thể vì tài chính kiệt quệ. Đội bóng nợ khoảng 110 triệu USD, và không thể trả lương cho cầu thủ trong suốt hơn một năm qua. Năm 2016, Chongqing Liangjiang (tên cũ là Chongqing Lifan) góp mặt trong top 6 đội bóng giàu có nhất Trung Quốc.
Feng Zhen, cây viết thể thao có thâm niên ở Trung Quốc, phân tích tình hình tài chính của nhiều CLB ở CSL hiện vẫn trong tình trạng nguy cấp. Nguyên do đến từ việc các đội không xây dựng được nền tảng thương mại vững chắc. Ngay cả những đội bóng danh tiếng còn sót lại như Shanghai Shenhua hay Beijing Guoan vẫn chưa giải được bài toán tài chính.
CSL không còn là "thiên đường" với các cầu thủ nổi tiếng. Ảnh: Reuters. |
Giấc mộng nâng tầm đã tan biến?
China Daily đưa tin có hơn 20 CLB bị gạch tên khỏi hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc, vì vấn đề tài chính trong vòng 2 năm qua. Nền bóng đá xứ tỷ dân lâm vào tình cảnh đáng báo động.
Gần nửa năm trước, Wang Xiaorui, nhà báo thể thao Trung Quốc, tiết lộ nhiều CLB Trung Quốc sắp hết sạch tiền trong tài khoản. "Việc nợ lương ở bóng đá Trung Quốc là điều bình thường. Phần đông các cầu thủ bị nợ lương 2 tháng, có người bị nợ nửa năm trời", nhà báo này nói.
Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) được cho đã nhận được hơn 100 lá đơn kiện của các cầu thủ tố cáo không được CLB chủ quản trả lương trong nhiều tháng. Trong số đó có nhiều tuyển thủ quốc gia và cả HLV. Con số này vẫn chưa phải cuối cùng.
Sự sụp đổ của những thế lực lớn tại Trung Quốc, khiến nhiều ngoại binh đắt giá cũng tìm đường rút lui. Oscar (Shanghai Port) hay Marouane Fellaini (Shandong Taishan) nằm trong số những cầu thủ danh tiếng hiếm hoi còn thi đấu tại Trung Quốc.
Dusko Tosic, cầu thủ từng chơi bóng cho Guangzhou R&F, chỉ ra tương lai ảm đạm của CSL vào năm 2020: "Sẽ chẳng có những tên tuổi lớn đến Trung Quốc thi đấu vào năm sau. Tôi nhận được vài đề nghị để ở lại Trung Quốc thi đấu, tuy nhiên đều phải từ chối hết. Lương bị giảm, số ngoại binh trong một đội cũng bị cắt". SCMP tin rằng quan điểm của Tosic tương đồng với đại đa số các ngoại binh thi đấu ở Trung Quốc thời điểm đó.
Quy định mới về lương bổng do CFA ban hành 2 năm trước, giáng đòn đau vào tham vọng của các CLB. Mức lương trần của ngoại binh lẫn nội binh ở CSL đều bị giảm xuống. Thay đổi này đánh vào những CLB lớn ở Trung Quốc, khiến nhiều đội khó lòng chi số tiền lớn để mua sắm cầu thủ như quá khứ. Nỗ lực của CFA nhằm siết chặt tài chính các CLB, như một cách để dần khôi phục bóng đá Trung Quốc sau cơn đại dịch.
Ở ĐTQG Trung Quốc, người ta nhìn thấy được sự thật đau đớn hơn. Nhóm 5 cầu thủ gốc Brazil được nhập tịch, bao gồm Elkeson, Alan Carvalho, Aloisio, Ricardo Goulart và Fernando Henrique đều không còn thi đấu ở CSL 2022. Đây là nhóm ngoại binh đặt nền móng cho sự đổi mới ở tuyển Trung Quốc, mở đầu làn sóng nhập tịch tại quốc gia này.
Song, tất cả đã vỡ mộng. Tuyển Trung Quốc bị loại khỏi vòng chung kết World Cup 2022, riêng nhóm ngoại binh cũng "cao chạy xa bay". CSL trở nên thiếu những ngôi sao đẳng cấp, tính cạnh tranh và tiêu chuẩn của giải cũng thấp dần. Từ giải đấu được xem là "gốc rễ", giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của ĐTQG, CSL giờ không còn là miền đất hứa. Kế hoạch nâng tầm bóng đá Trung Quốc chịu kết cục bi đát.
"Nếu bạn không có một giải VĐQG đủ mạnh so với các nền bóng đá khác, đội tuyển của bạn khó lòng bước lên tầm cao mới", cựu HLV Steve Darby nói với Zing.
Sau hàng tỷ USD đổ vào việc phát triển nền bóng đá, Trung Quốc không thu về được kết quả tương xứng. Nỗ lực "hóa rồng" của CSL trong hơn nửa thập niên qua, đành quay lại xuất phát điểm ban đầu.