Từng có thời Chinese Super League nhận được rất nhiều quan tâm tới từ giới truyền thông. Không chỉ giới cầu thủ, những cái tên đình đám trong làng huấn luyện cũng có khoảng thời gian thử sức tại đất nước tỷ dân với đa số đều chỉ quan tâm tới yếu tố kinh tế.
Đi kèm với tiền, họ có trách nhiệm nâng tầm nền bóng đá vốn chưa thể cạnh tranh cùng những thế lực hùng mạnh tại châu Á. Dù vậy, cách làm này lại không thể mang về hiệu quả khi thành tích của các lứa trẻ đến ĐTQG Trung Quốc đều rất khiêm tốn.
Lippi kết thúc sự nghiệp cầm quân của mình tại Trung Quốc. Ảnh: AFC |
Marcello Lippi
Lippi xây dựng được tên tuổi như là một trong những vị HLV thành công nhất bóng đá Italy. Tại Juventus, vị chiến lược gia 74 tuổi đưa “Bà đầm già thành Turin” đến với mọi danh hiệu mà đội bóng này có thể đạt được. Ông tiếp nối thành công đó bằng chức vô địch World Cup 2006 cùng "Azzurri" trên đất Đức.
Năm 2012, Lippi chính thức chuyển tới Trung Quốc để làm việc trong những ngày cuối của sự nghiệp cầm quân. Tại Guangzhou Evergrande, ông giành 5 chức vô địch quốc nội cùng một danh hiệu AFC Champions League. Thành công ở cấp CLB nhưng Lippi không thể để lại quá nhiều ấn tượng tại ĐT Trung Quốc.
Thành tích tốt nhất mà Lippi giành được chỉ là tứ kết Asian Cup 2019. Ở giải đấu mà Quang Hải và các đồng đội chỉ chịu thua với tỷ số tối thiểu trước Nhật Bản, Lippi và các học trò rời giải sau trận thua đậm 0-3 trước Iran. Ngay sau đó, chiến lược gia người Italy từ chức đồng thời tuyên bố giã từ sự nghiệp cầm quân.
Eriksson trong lần đối đầu HLV Park Hang-seo tại bán kết AFF Cup 2018 ở Mỹ Đình. |
Sven-Goran Eriksson
Sau quãng thời gian không thành công cùng Leicester City, Eriksson chính thức đến Trung Quốc vào năm 2012. HLV người Thụy Điển từng rất thành công tại Italy đặc biệt là trong màu áo Lazio. Đáng tiếc thay, danh hiệu là thứ luôn lẩn tránh vị chiến lược gia người Thụy Điển tại Trung Quốc.
Tại Guangzhou và Shanghai, Eriksson chưa từng lên ngôi vô địch Chinese Super League. Thành tích của ông tại đấu trường châu lục cũng chỉ dừng lại ở tứ kết. Báo chí Trung Quốc chỉ trích chiến lược gia người Thụy Điển quá đơn điệu trong việc sử dụng chiến thuật cũng như không trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ.
Tờ Daily Star cho biết Eriksson bỏ túi tới 15 triệu euro trong quãng thời gian dẫn dắt Shanghai SIPG. Sau khi rời Thượng Hải, ông đến Thâm Quyến để tiếp tục sự nghiệp tại giải hạng Nhất Trung Quốc cùng CLB Shenzhen nhưng cũng chỉ trụ lại được gần 6 tháng trước khi bị sa thải.
HLV Park Hang-seo từng làm trợ lý cho Hiddink tại ĐT Hàn Quốc dự World Cup 2002. Ảnh: Goal |
Guus Hiddink
Chiến lược gia người Hà Lan từng chu du khắp châu Âu để dẫn dắt các đội bóng lớn như Real Madrid, Chelsea hay chính ĐTQG quê ông. Nhưng mấy ai biết Hiddink từng có khoảng thời gian làm việc cùng lứa trẻ Trung Quốc.
Tháng 9/2018, Hiddink được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U21 Trung Quốc. Ông ký vào bản hợp đồng cùng mức lương 3,6 triệu euro/năm với mục tiêu đưa dàn cầu thủ trẻ của đất nước này góp mặt tại Olympic Tokyo 2020.
Dù vậy, chiến lược gia người Hà Lan đã phải chia tay sớm hơn dự kiến. Ông có trận đấu cuối cùng gặp chính U22 Việt Nam trên sân nhà. Ở cuộc đối đầu đó, đoàn quân của HLV Park Hang-seo giành chiến thắng với tỷ số 2-0, cú đúp được ghi bởi Tiến Linh.
Fabio Cannavaro
Là hậu vệ hiếm hoi nâng cao danh hiệu Quả bóng vàng, Cannavaro lại thành danh ở Trung Quốc trên cương vị HLV trưởng. Huyền thoại bóng đá Italy từng có quãng thời gian dẫn dắt Guangzhou Evergrande và Tianjin Quanjian trước khi thử sức với vai trò HLV trưởng ĐT Trung Quốc.
Dù vậy, nhiệm kỳ của Cannavaro lại chỉ kéo dài 6 tuần. Ông được bổ nhiệm vào giữa tháng 3/2019 cho giải đấu China Cup mà Trung Quốc tổ chức với sự góp mặt của 3 đội tuyển khác là Thái Lan, Uruguay và Uzbekistan.
ĐT Trung Quốc thi đấu bết bát khi bị loại ngay ở bán kết trước người Thái, nhận tiếp thất bại tối thiểu trước Uzbekistan tại trận tranh hạng 3. Cannavaro rời nhiệm sở với thành tích để thua cả 2 trận dẫn dắt ĐTQG.
Villas-Boas kiếm về tới 11 triệu bảng trong một năm dẫn dắt Shanghai SIPG. Ảnh: Getty Images |
Andre Villas-Boas
Cựu HLV của Chelsea và Spurs từng có một năm ngắn ngủi tới Trung Quốc để thử sức. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha nhận lời dẫn dắt Shanghai SIPG, thay thế người tiền nhiệm Sven-Goran Eriksson. Vận đen tiếp tục đeo bám Villas-Boas khi ông chỉ về nhì tại Chinese Super League, Cúp QG Trung Quốc và dừng bước ở bán kết AFC Champions League.
Dù có trong tay hàng loạt ngôi sao như Hulk, Oscar hay Wu Lei, Villas-Boas chỉ để lại sự thất vọng tại Thượng Hải. Ông còn vướng vào rất nhiều tranh cãi với giới truyền thông, phần lớn đến từ những màn “đấu khẩu”, chê trách chất lượng trọng tài tại giải quốc nội.
Năm 2017, Villas-Boas rời Trung Quốc để trở lại Châu Âu. Ông được cho là đã bỏ túi tới 11 triệu bảng trong quãng thời gian dẫn dắt Shanghai SIPG.