Chinese Super League (CSL) 2022 khởi tranh từ đầu tháng và đi được chưa đến 1/3 chặng đường. Nhưng cục diện của giải đấu có thể khiến nhiều người không thường xuyên theo dõi bóng đá Trung Quốc ngạc nhiên.
Guangzhou FC (trước đây có tên là Guangzhou Evergrande), đội giành 8 chức vô địch quốc gia trong 10 mùa giải gần nhất, đứng vị trí thứ 16 trong tổng số 18 đội tham dự. Shanghai Port, đội một lần vô địch và 3 lần giành ngôi á quân CSL trong cùng thời gian, xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng (BXH).
Đó không phải những kết quả bất ngờ thường xảy ra trong bóng đá. Sự sa sút của Guangzhou FC và Shanghai Port được dự báo từ trước khi các tập đoàn tài trợ cho hai đội bóng này lâm vào khủng hoảng tài chính. Hai đội bóng kể trên cùng với những Jiangsu Suning trước đây hay Dalian Wanda (nay đổi tên thành Dalian Pro) nằm trong số những CLB vung tiền mua sắm mạnh tay với tham vọng giúp bóng đá Trung Quốc "hóa rồng".
Tuyển Trung Quốc chưa có sức mạnh như kỳ vọng. |
Giấc mơ của bóng đá Trung Quốc
Những nhà lãnh đạo bóng đá Trung Quốc có hai mong mỏi. Thứ nhất là một ngày nào đó, quốc gia của họ sẽ đăng cai World Cup. Thứ hai là tuyển Trung Quốc sẽ bước lên ngôi cao nhất khi tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Nếu thể thao Trung Quốc luôn đứng top đầu ở các kỳ Olympic, tại sao bóng đá nước này không thể đứng vào hàng ngũ những đội hay nhất World Cup?
Mong ước ấy thoạt trông có vẻ viển vông. Trung Quốc không phải quốc gia giàu truyền thống bóng đá trong một thế kỷ qua. ĐTQG nước này mới một lần dự World Cup 2002, khi giải đấu được tổ chức trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở giải đấu năm đó, tuyển Trung Quốc thua cả 3 trận vòng bảng và không ghi được bàn thắng nào. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của cả kinh tế và thể thao giúp Trung Quốc có niềm tin vào những giấc mơ ấy.
Tham vọng bóng đá của bóng đá Trung Quốc nhanh chóng được nhiều tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các doanh nhân bất động sản hưởng ứng. Greenland Group, Suning Commerce Group, Shanghai SIPG, Evergrande, Sinobo Group, Shandong Luneng Group trở thành những nhà đầu tư sốt sắng nhất cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Những siêu sao của làng túc cầu như Oscar từng tới Trung Quốc. |
Những dự án hoành tráng
Carlos Tevez, Paulinho, Ramires, Alex Teixeira, Oscar, Hulk cùng nhiều cái tên nổi tiếng khác cập bến CSL với những bản hợp đồng đắt giá. Trước đó vào năm 2012, Didier Drogba và Nicolas Anelka được coi là những ngôi sao nổi tiếng châu Âu "đời đầu" sang CSL thi đấu.
Trong số những cái tên nổi tiếng kể trên, Oscar là cầu thủ duy nhất còn bám trụ ở CSL 2022. Shanghai Port từng chi tới 75 triệu USD để mua anh về từ Chelsea. Thống kê vào năm 2016 của Globo cho biết, ngôi sao Brazil nhận lương trung bình 26,5 triệu USD/năm tại CLB Trung Quốc.
Không chỉ có cầu thủ, các HLV hàng đầu khác trên khắp thế giới cũng sẵn sàng đến Trung Quốc làm việc. Marcello Lippi, Fabio Cannavaro, Fabio Capello, Rafael Benítez, Luiz Felipe Scolari, Andre Villas-Boas, Manuel Pellegrini đều sẵn sàng sang CSL huấn luyện với những mức lương cao ngất ngưởng so với thời điểm họ còn làm việc tại châu Âu.
Những người làm bóng đá Trung Quốc ban đầu tin rằng nếu họ có thể tạo ra một "Siêu giải đấu" (Super League) thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới đến chơi bóng, giấc mơ của ông Tập sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
Song song với việc tuyển mộ HLV và các cầu thủ nổi tiếng, bóng đá Trung Quốc cũng có tham vọng phát triển đào tạo trẻ và thương mại hóa các giải đấu. Trung Quốc muốn có khoảng 40.000 trường dạy bóng đá, đào tạo hơn 100.000 cầu thủ vào năm 2025. Guangzhou Evergrande xây dựng học viện bóng đá lớn nhất thế giới với 50 sân vận động, có diện tích 300 hecta và hơn 2.500 học viên.
Nếu kế hoạch đó thành công, bóng đá nước này đủ khả năng tham dự World Cup và thậm chí vô địch giải đấu. Tất nhiên cho đến thời điểm hiện tại, không dự án hoành tráng nào kể trên thật sự thành công và giúp bóng đá Trung Quốc vươn tầm.