Người đứng đầu Trung Quốc từng nói về ba điều ước của bản thân dành cho nền bóng đá đất nước tỷ dân cách đây hơn 10 năm. Ông hy vọng một là Trung Quốc dự World Cup lần thứ hai trong lịch sử (lần đầu vào năm 2002), hai là đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và cuối cùng, một ngày nào đó sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch.
Đừng nói đến các điều ước thứ hai và ba, ngay cả mong muốn đầu tiên lúc này cũng xa tầm với.
CSL 2022 khởi tranh trong bầu không khí ảm đạm khi nhiều đội lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Ảnh: Reuters. |
Sự đi xuống của Chinese Super League
Sau rất nhiều lần trì hoãn, giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) 2022, cũng khởi tranh vào đầu tháng 6. Kế hoạch ban đầu của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) là tổ chức giải vào tháng 4, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp và các quy định của chính phủ khiến giải đấu bị hoãn.
CSL 2022 diễn ra trong bối cảnh bóng đá Trung Quốc trải qua đợt ảm đạm chưa từng thấy trong một thập niên qua. Các nhà đầu tư quen thuộc cắt giảm đầu tư vào những đội bóng. Những "bom tấn" chuyển nhượng hay các ngôi sao ngoại quốc bắt đầu thưa thớt dần, thậm chí vắng bóng.
Evergrande từng là tập đoàn đầu tư bóng đá mạnh nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính của tập đoàn bất động sản này khiến họ không thể tiếp tục nuôi đội bóng đá như trước.
Guangzhou FC (trước đây có tên là Guangzhou Evergrande) bước vào CSL 2022 mà không có cầu thủ ngoại binh nào trong đội hình. Sau 3 trận đầu tiên của CSL 2022, Guangzhou FC toàn thua, để thủng lưới 8 lần và không ghi nổi một bàn thắng. Mùa trước, họ về đích thứ 3 ở giải VĐQG.
Kể từ khi Jiangsu Suning ngừng hoạt động vào năm 2021, các cầu thủ từng chơi cho nhà vô địch CSL 2020 vẫn chưa được thanh toán khoản tiền lương bị nợ. Hồi tháng 4, Yang Jiawei, cựu cầu thủ Jiangsu FC gửi thông điệp lên mạng xã hội muốn Steven Zhang thanh toán tiền lương cho mình và các đồng đội.
"Xin chúc mừng chiến thắng của Inter Milan", Jiawei nói trên trang cá nhân sau khi chứng kiến chủ tịch Zhang ăn mừng chiến thắng 1-0 trước Juventus hôm 4/4. "Hy vọng ông không quên nỗi đau của chúng tôi khi ông đang cảm thấy niềm vui vô bờ bến". Jiawei tiết lộ CLB Jiangsu Suning bị giải thể hơn một năm, nhưng tập đoàn Suning vẫn chưa thanh toán hết lương và thưởng còn nợ các cầu thủ và nhân viên từng làm việc cho đội bóng.
Đến tháng 5, Jiawei và nhiều cầu thủ khác tiếp tục đăng bài trên trang cá nhân đòi tập đoàn Suning trả nợ. Những gì họ nhận được sau đó vẫn chỉ là sự im lặng. "Đó là một sự thật đáng buồn với nền bóng đá", nhà báo Yuan Bi của Titan Sport chia sẻ với Zing. "Suning vẫn còn đầu tư vào Inter Milan, nhưng họ dường như bỏ quên bóng đá trong nước".
Hai tuần trước khi CSL 2022 khởi tranh, Chongqing Liangjiang, CLB đang chơi ở hạng đấu cao nhất Trung Quốc bị giải thể vì khó khăn tài chính. Ban tổ chức giải đấu phải đưa Dalian Pro, đội bóng xuống hạng mùa trước, quay lại để đủ số đội tham dự. Chang Woe-ryong, HLV trưởng Chongqing Liangjiang, khóc khi nói về cảnh CLB không thể tiếp tục hoạt động và trả lương cho các cầu thủ.
Ngay cả những đội bóng được kỳ vọng đứng vững trước cuộc khủng hoảng như Shanghai Port, Shandong Taishan hay Beijing Guoan cũng không còn hoạt động mạnh trên thị trường chuyển nhượng.
Tiền vệ Oscar không hội quân cùng Shanghai Port trong giai đoạn đầu mùa giải và sau nỗ lực thuyết phục từ ban lãnh đạo đội bóng, ngôi sao Brazil chỉ trở lại chơi cho CLB trong cuối giai đoạn 1. Thiếu vắng những ngoại binh hàng đầu, Shanghai Port tụt xuống vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng.
Shandong Taishan là đội hiếm hoi còn giữ được các ngoại binh chất lượng. Nhà đương kim vô địch CSL vẫn đủ tiềm lực tài chính để giữ chân Marouane Fellaini hay nhiều ngôi sao nước ngoài chất lượng khác. Tuy nhiên, chỉ mình Shandong Taishan là không đủ để vực dậy nền bóng đá.
"Có nhiều vấn đề tồn tại với bóng đá Trung Quốc vào lúc này", cây viết Yuan Bi tiết lộ. "Đó không chỉ là sự rút lui của các tập đoàn kinh tế, mà cách tổ chức và phát triển bóng đá cũng gặp vấn đề".
Marouane Fellaini là ngoại binh nổi tiếng hiếm hoi còn chơi ở CSL 2022. Ảnh: Reuters. |
Những sự rút lui
Nếu Trung Quốc không thể dự World Cup bằng cách vượt qua vòng loại, cách tốt nhất để bóng đá nước này hiện thực hóa giấc mơ đó là xin đăng cai giải đấu. Truyền thông Trung Quốc từng tiết lộ về kế hoạch tổ chức World Cup 2030 của chính phủ nước này.
Về mặt tiềm lực và vị thế, Trung Quốc đủ khả năng trở thành nước chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, sau những đợt phong tỏa và chính sách phản ứng trước dịch bệnh của chính phủ, khả năng Trung Quốc đăng cai World Cup khó khả thi hơn.
Hồi tháng 5, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thông báo vòng chung kết Asian Cup 2023 sẽ không được tổ chức ở Trung Quốc theo kế hoạch. "AFC thừa nhận đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc không thể đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023, theo kế hoạch diễn ra từ 16/6 đến 16/7 năm 2023", thông báo của AFC có đoạn viết.
Trước đó một tuần, Asian Games 2022 dự kiến được tổ chức tại Trung Quốc cũng bị hoãn sang năm sau. Việc đăng cai Asian Cup được Trung Quốc xem là bước tiến quan trọng để họ trở thành nước chủ nhà World Cup trong tương lai. Nhiều sân vận động và cơ sở phục vụ cho bóng đá được xây mới trên khắp Trung Quốc kể từ năm 2018. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư vào bóng đá khiến mọi thứ trở nên bấp bênh.
"Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể đăng cai World Cup trong thời gian tới, ít nhất là World Cup 2030", nhà báo Yuan Bi nhận xét. "Sau những sự kiện xảy ra gần đây, nhiều người sẽ đồng ý với tôi về điều đó".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn vẫn nuôi tham vọng biến nước này trở thành một cường quốc bóng đá trong tương lai. Nhưng giữa hiện thực và tham vọng, còn một khoảng cách rất xa vời và không biết khi nào mới có thể san lấp.