Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự sống sót thần kỳ

Khi cậu bé rơi từ tầng 10 xuống đất, chắc không ai nghĩ đến điềm lành, chỉ có những lời nguyện cầu. Nhưng bé đã sống sót thần kỳ trong sự kinh ngạc kể cả người lạc quan nhất.

Sinh tử vô thường. Và nếu sự sống được giành giật từng giây rồi trong phút hoàn nguyên trở về với tiếng cười, thì sự may mắn không phải hoàn toàn từ trên trời rơi xuống, nếu như không có bàn tay tài hoa và tấm lòng như mẹ cha của y bác sĩ.

Hồi phục diệu kỳ

Tôi đứng trước buồng bệnh, không khỏi hồi hộp khi đưa tay gõ cửa. Một thoáng do dự cuộn lên trong lòng khi biết đằng sau cánh cửa ấy là một số phận kỳ lạ mà mình không biết sẽ phải nói gì đầu tiên khi gặp. Sau tiếng gõ cửa, người phụ nữ hơn 40 tuổi bước ra mời khách vào. 

Căn phòng nhỏ kê 3 giường bệnh nhưng chỉ có một mình cậu bé là bệnh nhân. Tay chân và đầu quấn băng trắng toát.

Chị Nguyễn Thị Dũng, mẹ cậu bé - bệnh nhân Trần Hà Phong (7 tuổi, ở NƠ 04 bán đảo Linh Đàm, Hà Nội), không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt. Chị bảo, hôm nay con tự ngủ được, chẳng bù cho mấy hôm mới vào viện la hét cả đêm, khiến các bệnh nhân bên cạnh không ngủ được nên phải chuyển ra một mình một phòng.

Cửa buồng bệnh khẽ mở, điều dưỡng Xuân Thị Hằng đẩy xe thuốc nhẹ nhàng đến bên giường bệnh. Giọng nói khe khẽ cất lên sau lớp khẩu trang: “Phong ơi, cô thay băng cho con mau khỏi nhé. Khỏi nhanh còn về đi học với các bạn nghe con”. Phong cựa mình, tỉnh giấc, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác ngước lên nhìn điều dưỡng Hằng rồi quay sang nhìn tôi. Chị Dũng trấn an con trai: Đây là bạn mẹ đến thăm con đấy, giờ con nằm yên cho cô Hằng thay băng nhé”.

Chị Dũng (bìa trái) động viên con trai trong lúc điều dưỡng thay băng cho bé.
Chị Dũng (trái) động viên con trai trong lúc điều dưỡng thay băng cho bé.

Như chạm vào cơn đau, Phong khẽ nhăn mặt và không chịu hợp tác. Hằng đã quá quen với bệnh nhân đặc biệt này từ khi cậu bé được chuyển từ Khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) sang Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình 1, nên dỗ dành: “Phong ngoan lắm, cô thay nhẹ cho con khỏi đau, phải thay băng thì con mới nhanh khỏi còn về đón Trung thu được chứ”.

Những lời nói dịu ngọt ấy như liều thuốc an thần khiến cậu bé nghe theo từng hướng dẫn của cô điều dưỡng. Hằng bảo: “Mấy hôm đầu em đến thay băng hay làm thuốc, bé hét to lắm, cứ đuổi cô Hằng đi đi, con không thích cô đâu. 

Đến khi cho cu cậu ăn sữa thì đòi đổi hết từ uống bằng cốc sang ống hút rồi đòi ăn bằng thìa. Lúc nào cửa miệng cũng sẵn câu: "Con chán cô lắm". Đã bao năm chăm sóc bệnh nhân, gặp rất nhiều bé bị tai nạn nặng nề nhưng đây là bệnh nhi đặc biệt nhất mà em gặp. 

Chỉ nghĩ đến cảnh con bị rơi từ tầng 10 xuống đã rùng mình, vậy mà không ngờ con luôn tỉnh táo nói chuyện, chắc con trai có bà Mụ đỡ cho”. 

Kể cho tôi nghe xong, Hằng lại dịu dàng thì thầm với cậu bé: “Nhưng hôm nay con trai ngoan lắm rồi, con là cậu bé dũng cảm nhất mà cô biết đấy”. 

Hằng khẽ đưa đường kéo cắt tấm băng quấn trên đầu bé Phong, để lộ ra vết khâu sọ não đã khô ráo. Tiếp đó tấm băng quấn quanh tay trái của bệnh nhân nhí bị tháo bỏ, dịch rỉ ra từ vết thương được Hằng lau sạch, bôi thuốc sát trùng rồi băng lại.

Bác sĩ Vũ Tiến Hưng, người tham gia kíp chỉnh hình tứ chi cho Phong vào buồng bệnh kiểm tra các vết thương của cậu bé và thông báo ngày 21/8 sẽ mổ chân phải cho Phong đồng thời dẫn lưu máu tụ từ thận ra ngoài.

Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Đây là ca bệnh hi hữu với rất nhiều chấn thương nặng vì bé rơi từ độ cao hàng chục mét mà vẫn sống. Phải nói bé tỉnh táo từ lúc ngã đến giờ là điều may mắn hiếm hoi”.

Bé trai 7 tuổi rơi từ tầng 10 qua cơn nguy kịch

Đến trưa 12/7, bé trai 7 tuổi rơi từ tầng 10 của tòa nhà chung cư Linh Đàm (Hà Nội) đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thận, bó bột tay.

Cú ngã kinh hoàng

Chiều 11/8 vừa qua trở thành ngày định mệnh với gia đình chị Dũng, khi cậu con trai út Trần Hà Phong trong lúc ở nhà một mình đã bất cẩn trèo qua thành ban công căn nhà trên tầng 10 với độ cao hơn 30 m và rơi xuống tầng 1. Cậu bé rơi xuống mái tôn của cửa hàng tầng 1 rồi rơi tiếp vào chiếc bàn đá, lăn qua 2 cái ghế mây và tiếp đất. Một góc của chiếc bàn đá bị lực rơi của chân bé va đập gây vỡ. 

Kể lại sự việc sau nửa tháng xảy ra mà người mẹ vẫn chưa hết kinh hãi, xót xa. Chị Dũng kể lại, hôm đó, cháu bé ở nhà một mình, cửa ra vào đã khóa vì bố đi ra ngoài. Trong nhà, cửa ra ban công đang bị hỏng, gia đình chị buộc tạm bằng dây, nhưng hôm trước khi xảy ra tai nạn thì dây bị đứt và chưa sửa lại. 

Nhận được tin báo của hàng xóm, không tin vào tai mình, chị lao lên nhà thì không thấy con đâu. Lại chạy xuống tầng 1, thấy con đang được mọi người chăm sóc, chị ngã khuyu xuống.

Điều dưỡng Hằng thay băng cho bệnh nhi Phong.
Điều dưỡng Hằng thay băng cho bệnh nhi Phong.

Vẻ thẫn thờ vẫn hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ với làn da sạm đi vì lo lắng và mất ngủ, chị bảo: “Lúc bế con lên, chị thấy toàn thân bé mềm nhũn, vì gãy hết 2 chân 2 tay, tôi có cảm giác ngất đi, nhưng bé lại tỉnh táo đến mức bảo mẹ: Mẹ ơi con đau lắm, con ngã từ tầng 10 xuống, con đau lắm”…

Những thiên thần áo trắng

Rất nhanh chóng, Phong được những người hàng xóm nhiệt tình gọi xe cấp cứu đưa đi Bệnh viện Bạch Mai. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân đa chấn thương phải mổ, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. 

Ngay khi bé đến đây, các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm đồng thời chẩn đoán tình trạng bệnh để có hướng xử trí kịp thời. 21h đêm đó, một kíp bác sĩ đang ở nhà đã được điều động đến bệnh viện gấp để thực hiện nút mạch thận, ngăn máu chảy do khi ngã Phong bị vỡ thận. Đến 22h30, ca nút mạch thận hoàn thành. 

Bác sĩ, TS Ngô Mạnh Hùng và bác sĩ Phạm Hoàng Anh, Khoa Phẫu thuật Thần kinh đã mổ sọ não cho bệnh nhân Phong. TS Ngô Mạnh Hùng cho biết, khi các bác sĩ luồn ống nút mạch phải dùng thuốc chống đông máu. Do đó phải đợi đến khi bệnh nhân ổn định tình trạng chống đông mới có thể tiến hành mổ sọ não. 

Bác sĩ, TS Ngô Mạnh Hùng (bên trái) trong 1 ca phẫu thuật sọ não.
Bác sĩ, TS Ngô Mạnh Hùng (bên trái) trong 1 ca phẫu thuật sọ não.

Đến 2h sáng 12/8, Phong được phẫu thuật sọ não. Các bác sĩ đã gắp từng phần xương sọ bị vỡ vụn ở phần trán phải của cậu bé rộng chừng 4x5 cm đồng thời lấy hết phần máu tụ não giập. Sau 4 tiếng, ca phẫu thuật não thành công. Lúc này bệnh nhân bắt đầu được bó bột tay phải và 2 chân. Tiếp đó các bác sĩ mổ phần khuỷu tay của cậu bé bị vỡ xương khi va đập. 

Những ngày sau đó, cậu bé vẫn đau bụng do còn máu tụ trong thận. Để giải quyết tận gốc những chấn thương của cú ngã hi hữu, ngày 21/8 vừa qua, PGS.TS Ngô Văn Toàn, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương 1 đã mổ sắp xếp lại xương chân phải cho bệnh nhân Phong. Đồng thời bé tiếp tục được dẫn lưu máu tụ sau phúc mạc do vỡ thận gây nên ra ngoài.

Sau ca mổ chân phải cho Phong được vài ngày, chị Dũng vui mừng thông báo, những cơn đau của con trai đã dần giảm đi, cậu bé ngủ ngon hơn, ăn tốt hơn và vui vẻ trò chuyện với mẹ, thay vì gắt gỏng, khóc lóc và hò hét như những ngày đầu.

Phong nằm ngoan trên giường bệnh, thi thoảng nũng nịu kêu lên: “Mẹ, mẹ đâu rồi, gãi chân cho con đi, mẹ ôm con nhanh lên”. Đôi mắt to tròn, đen lay láy rất lanh lợi khi trò chuyện, khó ai có thể hình dung chỉ nửa tháng trước thôi, cậu bé từng đối mặt với tử thần…

Khi bài báo sắp lên khuôn, tôi nhận được thông tin từ bác sĩ Đỗ Văn Minh, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình 1 cho hay, tình trạng của Phong đang tiến triển tốt từng ngày. 

Kết quả siêu âm lại thận cho thấy ổ máu tụ đã giảm dần, các vết mổ ở chân, tay, sọ não đều khô. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi bệnh nhân trong vài ngày nữa rồi cho bé xuất viện.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/su-song-sot-than-ky-901725.tpo

Theo Thái Hà/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm